Hiệp định UKVFTA: Nền tảng vững chắc giúp doanh nghiệp Anh mở rộng đầu tư tại Việt Nam

Theo Chủ tịch BritCham Denzel Eades, Hiệp định UKVFTA đã tạo ra một nền tảng đầu tư vững chắc, đặc biệt là trong các lĩnh vực mà Vương quốc Anh có thế mạnh.

Sau hơn 3 năm thực thi, Hiệp định Thương mại tự do (FTA) Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA) không chỉ mang lại cơ hội xuất khẩu hàng hóa mà còn mở ra những lợi thế thu hút đầu tư, thúc đẩy cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào các chuỗi sản xuất công nghiệp và chuỗi cung ứng hàng hóa cho thị trường Anh. Tuy nhiên, quy mô đầu tư của nhà đầu tư Anh vào Việt Nam vẫn chưa phản ánh đúng tiềm năng của Anh là một trong 5 nước đầu tư ra nước ngoài lớn nhất thế giới, đồng thời cũng là nước thu hút đầu tư từ bên ngoài lớn nhất thế giới.

Để làm rõ những hạn chế, cũng như có các giải pháp kịp thời để tăng lợi thế và sẵn sàng thu hút đầu tư từ Vương quốc Anh, vừa qua, Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với ông Denzel Eades - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Anh quốc (BritCham) - tại Việt Nam.

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Anh quốc tại Việt Nam Denzel Eades (BritCham) khẳng định: Hiệp định UKVFTA đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận trong thời gian qua.

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Anh quốc tại Việt Nam Denzel Eades (BritCham) khẳng định: Hiệp định UKVFTA đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận trong thời gian qua.

Hiệp định UKVFTA đã thực thi hơn 3 năm với rất nhiều cam kết và ưu đãi. Xin ông cho biết, đến nay, Hiệp định đang mang lại những cơ hội về đầu tư song phương giữa hai nước ra sao? Hiện, doanh nghiệp Anh đang đầu tư và hoạt động tại Việt Nam ở những lĩnh vực tiềm năng nào?

Hiệp định UKVFTA đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận trong thời gian qua. Trong 12 tháng qua, thương mại song phương giữa Anh và Việt Nam đã tăng gần 5%, đạt hơn 7 tỷ USD mỗi năm. Đây là bước tiến đáng kể, dựa trên nền tảng sự tăng trưởng đầu tư vững chắc giữa hai quốc gia trên rất nhiều lĩnh vực. Trong đó, các lĩnh vực đầu tư chính bao gồm sản xuất, gia công chế biến, năng lượng tái tạo, dịch vụ tài chính và cơ sở hạ tầng. Điều này xây dựng trên nền tảng đầu tư bền vững từ Việt Nam vào Vương quốc Anh và ngược lại, từ Vương quốc Anh vào Việt Nam.

Hợp tác trong lĩnh vực giáo dục giữa hai bên cũng chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ, với sự đầu tư từ các nhà cung cấp giáo dục Anh vào hệ thống giáo dục Việt Nam. Đồng thời, số lượng du học sinh giữa hai nước cũng tăng đáng kể, tạo nên một xu hướng hợp tác đa dạng giữa sử dụng dịch vụ và đầu tư thực tế.

Nhìn chung, UKVFTA đã tạo ra một nền tảng vững chắc giúp các doanh nghiệp Anh mở rộng đầu tư tại Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực mà Việt Nam có nhu cầu và Vương quốc Anh có thế mạnh. Điều này không chỉ thúc đẩy thương mại song phương mà còn mở ra cơ hội hợp tác dài hạn giữa hai nước.

Đến nay, hiệu quả đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp Anh tại Việt Nam như thế nào, thưa ông? Trong quá trình thực hiện các dự án đầu tư tại Việt Nam, bên cạnh những thuận lợi, các nhà đầu tư Anh đang gặp những khó khăn, vướng mắc nào?

Từ góc độ vĩ mô và lợi thế cạnh tranh, Việt Nam đang sở hữu nhiều điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư quốc tế.

Trước hết, từ góc độ vĩ mô, nền kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng ổn định ở mức 6 - 7% mỗi năm và dự báo trong thập kỷ tới sẽ duy trì mức tăng trưởng trung bình khoảng 6,6%. Đây là một môi trường kinh tế vĩ mô thuận lợi tại bất kỳ khu vực nào trên thế giới, đặc biệt trong khu vực Đông Nam Á.

Như vậy, Việt Nam sở hữu các điều kiện cơ bản cho các khoản đầu tư bền vững và dài hạn mà nước Anh luôn đánh giá cao. Cùng với đó, chính sách của Việt Nam đang ủng hộ cho việc đầu tư và đang tạo môi trường thuận lợi cho tổng thể xu hướng tăng trưởng tích cực.

Bên cạnh bối cảnh vĩ mô, Việt Nam có lợi thế cạnh tranh về nhân khẩu học, chi phí hợp lý và lực lượng lao động có tay nghề cao. Đây là những yếu tố hấp dẫn đối với nhà đầu tư Vương quốc Anh, khuyến khích họ đẩy mạnh đầu tư vào các lĩnh vực như dược phẩm, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, năng lượng tái tạo. Khi nền kinh tế Việt Nam ngày càng phát triển, tăng trưởng và trở nên phức tạp hơn, người tiêu dùng và khách hàng tại thị trường Việt Nam cũng phát triển theo, các doanh nghiệp Anh cũng đang nhanh chóng thích nghi với những xu hướng này.

Trong thập kỷ tới, sự hợp tác giữa hai nước dự kiến sẽ tập trung vào các lĩnh vực chiến lược, đi đôi với sự phát triển của kinh tế và các chính sách trọng điểm tại Việt Nam như phát triển bền vững, năng lượng tái tạo và số hóa. Chúng ta sẽ chứng kiến sự "dấn thân" mạnh mẽ hơn từ Vương quốc Anh vào các lĩnh vực này, do đây không chỉ là các lĩnh vực đang phát triển tại Việt Nam, mà còn là thế mạnh chuyên môn của Anh mà các nhà đầu tư Anh có năng lực triển khai.

Hơn nữa, dịch vụ tài chính và các dịch vụ chuyên nghiệp của Anh sẽ đóng vai trò hỗ trợ quan trọng trong việc cung cấp nguồn lực và chuyên môn để thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam.

Vì vậy, với tầm nhìn trong 10 năm tới, tôi nghĩ rằng, bối cảnh kinh doanh tại Việt Nam đang rất thuận lợi, có sự hỗ trợ mạnh mẽ về cơ chế, chính sách trọng điểm ưu tiên và hoạch định phát triển.

Đi đôi với thuận lợi chính là các thách thức. Đối với tôi, thách thức lớn nhất chính là khơi thông tiềm năng của Việt Nam. Để phát huy tối đa tiềm năng, cần giải quyết một số điểm nghẽn. Đó là khả năng huy động vốn, bao gồm cả nợ và vốn chủ sở hữu, thông qua các chính sách thuận lợi hơn cho dòng vốn nước ngoài. Trong lĩnh vực điện, cần đảm bảo sự thuận lợi, sẵn sàng để đón nhận nguồn tài chính quốc tế để đáp ứng nhu cầu và quy mô lớn của Việt Nam. Ngoài ra, tốc độ đưa ra quyết định đầu tư cũng cần được cải thiện để duy trì khả năng cạnh tranh với các nước trong khu vực Đông Nam Á.

Một khi các điểm nghẽn này được giải quyết, môi trường đầu tư tại Việt Nam sẽ trở nên hấp dẫn hơn, giúp các dự án được triển khai nhanh chóng và hiệu quả. Điều này không chỉ thúc đẩy đầu tư giữa hai nước mà còn góp phần hiện thực hóa tiềm năng phát triển dài hạn của Việt Nam.

Ông có đánh giá như thế nào về xu hướng chuyển dịch đầu tư hiện nay trên thế giới và khu vực? Việt Nam đang có những lợi thế gì để thu hút đầu tư, đặc biệt là từ Anh so với các quốc gia trong khu vực?

Theo tôi, xu hướng đầu tư hiện nay tại Việt Nam đang chịu sự tác động của môi trường cạnh tranh cao, đòi hỏi mỗi quốc gia phải trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Trong bối cảnh đó, mối quan hệ giữa Anh và Việt Nam đã tạo ra một nền tảng vững chắc để thúc đẩy đầu tư song phương. Năm 2023, hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, một cột mốc quan trọng phản ánh sự gắn kết bền chặt giữa người dân, chính phủ và hoạt động thương mại. Những FTA như UKVFTA, CPTPP, cùng với các hiệp định đa phương khác, đã đóng vai trò là chất xúc tác, tạo điều kiện thuận lợi cho dòng vốn và đầu tư song phương.

Một xu hướng nổi bật khác là tầm quan trọng của kỹ năng và giáo dục trong việc duy trì khả năng cạnh tranh kinh tế. Vương quốc Anh tập trung mạnh vào việc phát triển kỹ năng cho lực lượng lao động thông qua giáo dục và các chương trình đào tạo trong công nghiệp. Việt Nam cũng đang theo đuổi chiến lược tương tự, với sự chú trọng vào việc nâng cao tay nghề và đổi mới kỹ năng để đáp ứng những thay đổi của nền kinh tế và công nghiệp. Điều này mở ra cơ hội hợp tác sâu rộng giữa hai nước, đặc biệt trong lĩnh vực đào tạo, giáo dục và cải cách chính sách.

Hiện tại, Việt Nam đang thực hiện nhiều cải cách quan trọng nhằm tạo ra môi trường thuận lợi hơn cho đầu tư nước ngoài. Ví dụ, việc thông qua sửa đổi Luật Điện lực, và các điều chỉnh liên quan đến khuôn khổ pháp lý đầu tư là bước tiến đáng kể để đảm bảo rằng Việt Nam không chỉ đáp ứng được nhu cầu của các nhà đầu tư, mà còn duy trì khả năng cạnh tranh với các quốc gia trong khu vực.

Khi gắn kết tất cả các yếu tố này, từ mối quan hệ bền chặt, nền tảng chính sách đến xu hướng phát triển kỹ năng, Vương quốc Anh và Việt Nam đang có điều kiện thuận lợi để thúc đẩy dòng vốn và đầu tư song phương. Những triển vọng tích cực này hứa hẹn sẽ đưa quan hệ hai nước lên tầm cao mới trong tương lai gần.

Thời gian tới, với tư cách là người đại diện cho doanh nghiệp Anh tại Việt Nam, theo ông, Chính phủ Việt Nam nên tiếp tục có những chính sách thu hút đầu tư, cũng như tháo gỡ các vướng mắc như thế nào để hấp dẫn các nhà đầu tư Anh?

Tôi nghĩ, quá trình đầu tư có thể được xem xét qua nhiều khía cạnh khác nhau. Đầu tiên là đánh giá hiệu quả của khoản đầu tư, tiếp đến là mức độ hiệu quả và cuối cùng là cơ chế hỗ trợ cho khoản đầu tư đó. Hiệu quả của khoản đầu tư phụ thuộc vào các động lực hỗ trợ, bao gồm khung pháp lý và cơ sở tài chính. Chẳng hạn, trong lĩnh vực năng lượng, cần có cơ chế cho phép tài trợ dự án quốc tế để làm nền tảng cho các khoản đầu tư. Các ưu đãi như chế độ thuế hấp dẫn hoặc chính sách hỗ trợ khác cũng cần được thiết kế cạnh tranh so với các nước trong khu vực khu vực và quốc tế để thu hút nhà đầu tư.

Đối với mức độ hiệu quả, nhà đầu tư cần đánh giá khả năng cạnh tranh của Việt Nam với các quốc gia khác về môi trường kinh doanh. Tôi nghĩ, có hai khía cạnh cần xem xét: Đầu tiên là khả năng đánh giá chính sách và khung pháp lý dễ dàng và rõ ràng, dẫn đến mức độ đầu tư càng lớn. Thứ hai là vấn đề số hóa. Nhìn vào các thị trường và quốc gia phát triển khác, ta thấy rằng số hóa đã làm cho việc kinh doanh trở nên dễ dàng hơn nhiều. Thực hiện điều này không hề dễ dàng, nhưng chắc chắn có thể làm gia tăng lượng đầu tư vào Việt Nam.

Tiếp theo là câu hỏi về cơ chế hỗ trợ. Việt Nam cần có cơ chế hỗ trợ phù hợp với từng loại hình đầu tư, từ việc đảm bảo lực lượng lao động có đủ kỹ năng và kinh nghiệm, đến xây dựng cơ sở hạ tần và phát triển chuỗi cung ứng mạnh mẽ, đáp ứng được khoản đầu tư.

Tập trung vào việc đảm bảo kỹ năng, cơ sở hạ tầng và chuỗi cung ứng, mà không gây trở ngại cho các khoản đầu tư, là điều then chốt. Tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng, những sáng kiến như thành lập trung tâm tài chính quốc tế hoặc tạo các cơ chế thử nghiệm pháp lý cho lĩnh vực kỹ thuật số sẽ là lợi thế lớn, đặc biệt trong việc thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp cụ thể.

Việt Nam cũng cần tập trung duy trì lợi thế cạnh tranh bằng cách hiểu rõ nhu cầu của cộng đồng đầu tư quốc tế, đồng thời phát triển các chính sách hỗ trợ tăng trưởng kinh tế không chỉ ở cấp quốc gia mà còn ở từng địa phương. Điều này sẽ tạo điều kiện để đầu tư đóng góp hiệu quả vào sự phát triển chung của đất nước.

Xin cảm ơn ông!

Phú Quý

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/hiep-dinh-ukvfta-nen-tang-vung-chac-giup-doanh-nghiep-anh-mo-rong-dau-tu-tai-viet-nam-362031.html