Cơ hội việc làm bền vững tại địa phương

Ðể phát triển kinh tế, nhiều phụ nữ mạnh dạn mở công ty, cơ sở sản xuất ngay tại tỉnh, thu hút lao động, tạo nguồn thu nhập ổn định cho bản thân và gia đình, vừa góp phần giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động ngay tại địa phương.

Mở công ty may gia công tại quê nhà

Nhận thấy tiềm năng của nghề may gia công và nguồn lao động dồi dào ở địa phương, chị Huỳnh Thị Tâm An mạnh dạn đầu tư, thành lập Công ty TNHH MTV Ly Ðy, tại Khóm 7, Phường 7, TP Cà Mau, với số lao động được tuyển dụng làm việc khoảng 100 người. Các mặt hàng gia công chính của công ty là các loại quần áo, váy đầm, áo vest xuất khẩu sang thị trường nước ngoài. Tiền công được trả theo sản phẩm.

Chị An chia sẻ: “Mỗi tháng công ty nhận gia công từ 30-40 ngàn sản phẩm xuất khẩu sang Hàn Quốc, Nhật Bản. Nhờ những đơn hàng ổn định này mà tôi giải quyết được việc làm cho người lao động có thu nhập tại chính quê nhà. May công nghiệp là nghề rất phù hợp với điều kiện sức khỏe của phụ nữ ở cả thành thị lẫn nông thôn. Các anh cũng có thể làm được nếu thích. Ðặc biệt là nhiều lao động đã có tay nghề khi làm công nhân ở các công ty lớn ở vùng trên, nay họ muốn ở lại Cà Mau làm nghề, để chăm lo cho gia đình, nên chất lượng hàng rất tốt”.

Chị Huỳnh Thị Tâm An (bên phải) kiểm tra chất lượng công việc mỗi ngày.

Chị Huỳnh Thị Tâm An (bên phải) kiểm tra chất lượng công việc mỗi ngày.

Nhờ có công ty may ngay tại địa phương mà nhiều lao động không còn chịu cảnh xa quê, xa gia đình, cật lực bươn chải ở các khu công nghiệp ở Bình Dương, Ðồng Nai... Họ quyết bám trụ lại quê nhà, chăm chỉ lao động để ổn định kinh tế.

Anh Nguyễn Tấn Ðạt, Khóm 2, Phường 5, TP Cà Mau, cho biết: “Tôi làm ở khu công nghiệp Bình Dương cũng 6 năm mới về lại quê hương. Làm ở đây gần gia đình, sáng đi chiều về, tôi được gần vợ con và thuận tiện chăm lo việc nhà hơn. Thu nhập cũng ổn định, 6-7 triệu đồng/tháng tùy theo sản phẩm nhiều hay ít, còn có thêm bồi dưỡng tăng ca”.

“Làm gần nhà nên ít tốn chi phí, với mức lương này, nếu biết chi tiêu thì cũng đảm bảo đủ cuộc sống. Tôi cũng cám cảnh đi Bình Dương, Ðồng Nai... làm công nhân lắm rồi, con cái ở nhà không được chăm sóc chu đáo. Về làm ở quê vẫn thoải mái hơn và đảm bảo hạnh phúc gia đình”, chị Lê Thị Mỹ Phương, Khóm 3, Phường 8, TP Cà Mau, chia sẻ.

Nỗ lực tìm kiếm đối tác và hợp đồng, suốt 5 năm qua, công ty của chị An đã tạo việc làm, giúp hàng trăm lao động tại địa phương có nguồn thu nhập ổn định, thêm điều kiện chăm lo cho gia đình và việc học của con cái.

Mỗi tháng, công ty làm ra khoảng 40 ngàn sản phẩm, nên cần nhiều công nhân, nhất là công nhân tại Cà Mau. "Ở đây, công nhân được hỗ trợ tiền ăn trưa, còn có thêm tiền chuyên cần hằng tháng cho những anh em đi làm đều đặn. Bên cạnh đó, công ty cũng mua bảo hiểm cho công nhân, cuối năm có thưởng theo công sức trong năm. Hiện công ty tuyển dụng thêm khi đơn hàng nhiều hơn. Qua đó, góp phần giải quyết việc làm cho lao động tại tỉnh, thêm cơ hội việc làm cho các hoàn cảnh khó khăn, vươn lên trong cuộc sống ngay tại quê hương”, chị An chia sẻ.

Tạo việc làm nhờ nghề may thảm

Có cùng mong muốn tạo thu nhập cho lao động tại địa phương như chị An, chị Lê Bảo Trân, Bí thư Chi đoàn ấp Tân Ðiền, xã Tân Hải, huyện Phú Tân, truyền nghề may thảm cho phụ nữ, thanh niên tại quê mình. Chị Trân có thu nhập ổn định từ nghề này đã hơn 4 năm qua. Sản phẩm thảm của chị Trân có nhiều mẫu mã phong phú, đa dạng. Tùy theo yêu cầu của đơn hàng, chị Trân sẽ vẽ mẫu riêng phục vụ khách mua.

Sản phẩm của chị Trân xuất bán đều đặn mỗi tuần nhờ duy trì việc bán Online và cung cấp cho 10 khách sỉ trên địa bàn huyện Phú Tân, TP Cà Mau. Một tuần chị bán ra từ 50-100 sản phẩm, với nhiều mẫu mã và kích cỡ khác nhau. Tiền lời thu được từ 12-30 ngàn đồng/sản phẩm. Sau khi trừ hết chi phí, mỗi tháng chị Trân có thêm gần 10 triệu đồng thu nhập phụ từ may thảm, bên cạnh công việc chính là nghề may quần áo.

Chị Lê Bảo Trân tận tình truyền nghề cho thanh niên, phụ nữ tại địa phương.

Chị Lê Bảo Trân tận tình truyền nghề cho thanh niên, phụ nữ tại địa phương.

Chị Trân chia sẻ: “Khi mới bắt đầu với nghề may thảm, tôi chỉ nghĩ bản thân làm những mẫu đơn giản để bán. Thế nhưng, khách đặt mua ngày càng nhiều hơn, tôi chủ động sáng tạo thêm nhiều mẫu mã đa dạng cho khách lựa chọn. Ðiều quan trọng là mỗi sản phẩm làm ra phải bền, chắc, lên màu đẹp, đạt chuẩn chất lượng, mới có thể giữ chân khách hàng, nhất là các mối sỉ”.

Khi đã có được đầu ra ổn định, chị Trân bắt đầu tạo việc làm cho đoàn viên, hội viên phụ nữ tại địa phương. Những ngày thường, chị tạo việc làm ổn định cho 6 lao động tham gia các khâu cắt, dún vải, gia công sản phẩm. Riêng lúc cao điểm dịp lễ, Tết, số lao động tăng, có từ 10 người trở lên.

Chị Trần Thị Tranh, 27 tuổi, ấp Tân Ðiền, xã Tân Hải, cho biết: “Công việc này khá nhàn, tôi có thêm thu nhập khoảng 2 triệu đồng/tháng. Chị Trân có mối bán nên chị em tôi có việc làm hoài”.

Ấp ủ dự tính mở rộng cơ sở. Chị Trân cho biết: "Việc lập nghiệp, khởi nghiệp tại quê nhà từ lâu đã là mục tiêu phấn đấu của nhiều đoàn viên, thanh niên. Tôi chỉ là đầu mối, tạo việc làm tại địa phương, cùng tận dụng thời gian nhàn rỗi để phát triển kinh tế, tăng thu nhập"./.

Lam Khánh

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/co-hoi-viec-lam-ben-vung-tai-dia-phuong-a34692.html