Có lộ trình cụ thể cho Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam
Khẳng định thời điểm này đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam là hoàn toàn phù hợp, song các đại biểu thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An đề nghị cần có lộ trình cụ thể đầu tư cho dự án này; đồng thời, nghiên cứu kỹ lưỡng để giảm thiểu tối đa lãng phí quỹ đất; tránh lệ thuộc công nghệ của nước ngoài...
Đa số đại biểu Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An cơ bản nhất trí cao với chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam nhằm hiện thực hóa các chủ trương, định hướng của Đảng, Nghị quyết, Kết luận của Bộ Chính trị và thực hiện các quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt nhằm tạo tiền đề quan trọng để đưa đất nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao, tăng cường kết nối vùng, miền, các cực tăng trưởng, tạo động lực lan tỏa, mở ra không gian phát triển kinh tế mới, bảo đảm nhu cầu vận tải trên hành lang Bắc - Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Đồng tình với chủ trương này, đại biểu Hoàng Minh Hiếu cho rằng, đã đến lúc cân nhắc để hiện đại hóa hệ thống giao thông nước ta, đồng thời việc đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Đánh giá cao Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế rất chi tiết về nội dung này, đại biểu Hoàng Minh Hiếu đề nghị Chính phủ cần có báo cáo giải trình kỹ lưỡng hơn về các vấn đề đã nêu trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế. Cụ thể, về tổng mức vốn đầu tư cho dự án, đại biểu Hoàng Minh Hiếu cho biết: Hiện, tổng vốn bằng khoảng 49% tổng vốn đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021 - 2025, như vậy đã vượt so với quy định tại khoản 2 Điều 89 Luật Đầu tư công năm 2019... Do đó, đại biểu đề nghị cân nhắc kỹ nội dung này; vì với quy định như vậy, đã xác định được mức rủi ro của nền kinh tế.
Theo đại biểu Hoàng Minh Hiếu, nếu vượt qua mức độ rủi ro thì cần phân tích để có giải pháp phòng ngừa tất cả các rủi ro, bất ngờ có thể xảy ra cho nền kinh tế… Đồng thời, cần cân nhắc kỹ về chi phí vận hành để có thể đáp ứng được. Vì qua các báo cáo nghiên cứu cho thấy, chi phí cho nguồn điện để vận hành hệ thống đường sắt tốc độ cao là tương đối lớn.
Về kỹ thuật, đại biểu Hoàng Minh Hiếu đề nghị giải thích rõ phương án tải trọng trục vì hiện đang quy định ở mức rất cao là 22,5 tấn; trong khi đó, các đường sắt tốc độ cao trên thế giới hiện nay chủ yếu tải trọng trục là 17 tấn… Bên cạnh đó, cần có phương án tốt nhất nâng cấp đường sắt cũ để chở hàng, còn đường sắt tốc độ cao chỉ chở khách để giảm chi phí.
Về các cơ chế, chính sách đặc thù được đề xuất để thực hiện dự án, trong đó có chuyển một số thẩm quyền của Quốc hội sang Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoặc Chính phủ, đại biểu Hoàng Minh Hiếu nêu quan điểm: Cần phân biệt rõ nội dung thuộc thẩm quyền của cơ quan dân cử, cơ quan hành chính để cân nhắc điều chuyển hợp lý. Vì về nguyên lý, các vấn đề liên quan đến lợi ích của rất nhiều người, cộng đồng dân cư phải đưa ra thảo luận ở Quốc hội (tức là cơ quan dân cử).
Nhất trí cao với chủ trương đầu tư Dự án này, đại biểu Trần Đức Thuận cho rằng, thời điểm này đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam là hoàn toàn phù hợp. Tuy nhiên, cần có lộ trình cụ thể đầu tư cho dự án này; đồng thời, cần nghiên cứu kỹ lưỡng để giảm thiểu tối đa nhất lãng phí quỹ đất, bảo đảm an toàn cân đối nền kinh tế; đồng thời, giải quyết hài hòa các bài toán kinh tế khác, tránh quá chú trọng đến dự án này làm ảnh hưởng đến các mục tiêu phát triển kinh tế.
Về công nghệ, đại biểu Trần Đức Thuận đề nghị Chính phủ nghiên cứu vấn đề này để không lệ thuộc quá nhiều vào công nghệ của nước ngoài, lựa chọn nhà thầu vừa có uy tín vừa có kinh nghiệm, tránh trường hợp rơi vào bẫy nợ. “Nên theo hướng đầu tư, chuyển giao công nghệ, tiến tới nước ta chủ động về công nghệ. Coi đây là mục tiêu để đàm phán”, đại biểu nêu quan điểm.
Đặc biệt, theo Tờ trình của Chính phủ, dự án đề xuất bố trí 23 ga hành khách, 5 ga hàng…, đại biểu Trần Đức Thuận cho rằng: khoảng cách từ Ga Thanh Hóa đến Ga Vinh còn xa, khoảng 140 km, do đó đề nghị nghiên cứu bổ sung thêm 1 ga ở khu vực thị xã Hoàng Mai (Nghệ An) hoặc Nghi Sơn (Thanh Hóa). Bởi Thanh Hóa, Nghệ An là 2 tỉnh có dân số đông thuộc tốp đầu cả nước, nhu cầu đi lại cao. Mặt khác, thị xã Hoàng Mai và Khu Kinh tế Nghi Sơn cũng là trung tâm phát triển của vùng Nam Thanh - Bắc Nghệ.