Cô, mẹ khéo tay kéo trò hay đến lớp
Bằng cách phát động hội thi tự làm đồ dùng, đồ chơi... nhiều trường học ở vùng khó Điện Biên đã tạo thêm sức hút, kéo trò tới lớp.
Trẻ ham đến trường
Ghé thăm các trường mầm non ở huyện vùng cao Tủa Chùa (Điện Biên), chúng tôi không khỏi ngạc nhiên bởi số lượng đồ dùng, đồ chơi phong phú và đa dạng. Mỗi phòng học, sân trường đều được bày trí các góc học tập, trải nghiệm rực rỡ sắc màu.
Tại Trường Mầm non Tủa Thàng số 2, tiết học trải nghiệm góc địa phương của cô giáo Đặng Thị Hà diễn ra sôi nổi. Ngay tại khuôn viên sân trường, học sinh được tham gia các gian hàng với đa dạng mô hình sản phẩm khác nhau. Đến mỗi gian, cô Hà đều cho trẻ dừng lại quan sát. Mỗi đồ vật bất kỳ cô giáo cầm trên tay và đặt câu hỏi, học sinh đều đồng thanh trả lời nhanh gọn.
Cô Hà tâm sự: “Từ ngày có các đồ dùng, đồ chơi thực tế này, mỗi tiết dạy của tôi đều diễn ra hết sức thoải mái và thu hút. Hiệu quả giáo dục cũng cao hơn do trẻ được quan sát, cảm nhận thực tế bằng đầy đủ giác quan”.
Tự hào giới thiệu về những khu vực này, cô Trần Thị Phương, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Nhiều năm nay, việc xây dựng môi trường học tập thu hút và kích thích sự sáng tạo của trẻ được đơn vị chú trọng. Tất cả được thực hiện thông qua việc áp dụng phương pháp giáo dục theo chuyên đề “lấy trẻ làm trung tâm”.
“Đối với lứa tuổi mầm non, việc chơi hết sức quan trọng. Vì thế, chúng tôi đã tập bổ sung, đổi mới đồ dùng, đồ chơi, tạo dựng các góc trải nghiệm đa dạng, hấp dẫn. Ngoài số đồ chơi, học cụ được ngành cấp theo quy định thì phần đa còn lại là do giáo viên, phụ huynh nhà trường tự làm và quyên góp”, cô Phương cho hay.
Cũng theo cô Phương chia sẻ, trước đây, việc huy động học sinh ra lớp và duy trì tỷ lệ chuyên cần của nhà trường gặp khó. Một phần do hạn chế về đồ dùng, đồ chơi cho trẻ. Tuy nhiên, vài năm gần đây tình trạng này cải thiện hơn rất nhiều. Năm học này, trường có 224 học sinh theo học tại 4 điểm bản, 99% trong số này là con em đồng bào dân tộc thiểu số. Theo cô Phương đánh giá, mặc dù giao thông đi lại thường xuyên gặp khó khăn, song tỷ lệ đi học chuyên cần của trẻ luôn đạt trên 99%.
“Không chỉ tại trung tâm mà ở các điểm bản hiện nay cơ bản đều đảm bảo về đồ dùng, đồ chơi cho trẻ. Bao gồm cả đồ chơi trong lớp học và ngoài trời. Nhờ vậy, học sinh đều hứng thú đến lớp và luôn tỏ ra thích thú với giờ học”, cô Phương cho hay.
Còn tại Trường Mầm non Sính Phình, trong mỗi lớp học cũng luôn đa dạng các loại đồ dùng, đồ chơi. Cô giáo Nguyễn Thị Xuân, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Năm học này trường có 641 học sinh, với 9 điểm trường. Mặc dù số lượng học sinh thuộc diện đông nhất, nhì trong huyện, song đơn vị luôn đảm bảo môi trường học tập tốt, phát huy khả năng sáng tạo cho các em.
Mỗi học sinh khi đến trường, đều cảm nhận như bước vào một thế giới thu nhỏ. Đa phần các em đều phấn khích với những đồ vật, đồ chơi mới lạ. Nhiều em cũng tỏ ra rất thích thú khi thấy những vật dụng quen thuộc, gần gũi trong gia đình, như: Nhạc cụ dân tộc, trang phục truyền thống, nông cụ sản xuất…
“Việc bổ sung, làm mới đồ dùng, đồ chơi góp phần tạo thêm sức hút đối với học sinh. Thường xuyên tiếp cận với đồ chơi mới giúp trẻ bớt nhàm chám, hứng thú đến lớp hơn. Vì thế, tỷ lệ đi học chuyên cần những năm gần đây luôn được đảm bảo”, cô Xuân cho hay.
Cô, mẹ chung tay
Để có được nguồn học liệu đa dạng và phong phú, đầu mỗi năm học, Trường Mầm non Tủa Thàng số 2 đều tổ chức Hội thi “Cô mẹ khéo tay, con hay đến lớp”. Theo cô hiệu trưởng Trần Thị Phương thì hoạt động này luôn thu hút sự tham gia của đông đảo phụ huynh.
“Ban đầu phụ huynh còn e dè, nhưng sau một vài lần tổ chức, thấy được ý nghĩa của chương trình và sự động viên, khích lệ của giáo viên thì bà con tích cực tham gia hơn. Toàn bộ sản phẩm từ cuộc thi sẽ được phân bổ về các lớp và bày trí thành những gian hàng trải nghiệm trong khuôn viên trường”, cô Phương cho hay.
Cũng theo cô Phương, từ sức lan tỏa của hội thi đã tạo thành phong trào tự làm đồ chơi, đồ dùng phục vụ học tập rộng khắp các địa bàn. Trong quá trình sinh hoạt, lao động sản xuất, phụ huynh luôn chú ý thu gom nhiều nguyên vật liệu khác nhau, như đá, gỗ, tre, nứa, lá… Sau khi mang nộp cho nhà trường, qua bàn tay khéo léo của các cô giáo và sự giúp sức của phụ huynh đã tạo ra những món đồ chơi phong phú, đa dạng và rất bắt mắt… Đặc biệt, đảm bảo độ bền, đẹp và an toàn cho trẻ khi sử dụng.
Chị Giàng Thị Pày, thôn Tà Si Láng hiện có 2 con đang theo học tại trường chia sẻ, lần đầu họp phụ huynh, nghe giáo viên nhờ nhặt giúp những viên đá về làm đồ chơi cho con, chị có phần hoài nghi. Nhưng sau khi chứng kiến những viên đá được trang trí sắc màu, “biến hóa” thành hình các con vật ngộ nghĩnh, chị đã rất thích thú và tích cực đóng góp.
Tương tự, tại Trường Mầm non Sính Phình, phong trào sáng tạo đồ dùng, đồ chơi cho trẻ ngày một thu hút sự tham gia tích cực của phụ huynh. Theo cô hiệu trưởng chia sẻ thì hàng năm nhà trường đều tổ chức cuộc thi giữa các điểm bản, có chấm điểm, trao giải để tạo không khí thi đua sôi nổi. Sản phẩm sau khi chấm điểm sẽ được phân bổ đều về các lớp, điểm trường.
“Mặc dù đời sống còn khó khăn, song bà con rất tích cực tham gia khi được nhà trường phát động. Nhiều phụ huynh khéo tay đã thiết kế ra các vật dụng đẹp mắt, như: Lu cở, Khèn Mông, váy áo, nông cụ sản xuất, đồ dùng sinh hoạt… hoặc đồ chơi ngoài trời, như: Bập bênh, xích đu… Khi nghe con về khoe được học cái mới, chơi đồ chơi mới, bà con lại phấn khởi và tích cực sáng tạo thêm”, cô Nguyễn Thị Xuân, Hiệu trưởng Trường Mầm non Sính Phình cho hay.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/co-me-kheo-tay-keo-tro-hay-den-lop-post640384.html