Có một lời ru chữa lành
Mỗi khi có bão giông quật cây cối nghiêng ngả và làm bao người khổ đau vì mắc vào oan trái, nàng Hạ Vân lại cất lời ru.
Mỗi khi có bão giông quật cây cối nghiêng ngả và làm bao người khổ đau vì mắc vào oan trái, nàng Hạ Vân lại cất lời ru. Và thật diệu kỳ, tất cả được nâng đỡ, chữa lành, hồi sinh…
Đó là phương thuốc chữa lành tâm hồn đầy ngọt ngào, sâu lắng từ lời ru cất lên trong vở chèo “Lời ru tình yêu” vừa được Nhà hát Chèo Việt Nam biểu diễn báo cáo.
“Từ thủ pháp nghiêm ngặt của nghệ thuật chèo, nhất là phải giữ được sự dung dị, gần gũi, vở diễn muốn gửi đến khán giả thông điệp: Lời ru, câu hát, điệu chèo quê hương có thể chữa được bệnh, lành vết thương, làm dịu những khổ đau…”, đạo diễn, NSND Hoàng Quỳnh Mai chia sẻ.
Chuyện tình tay ba
“Lời ru tình yêu” kể về mối tình tay ba: Tuấn Long – Hạ Vân - Ấm Đại. Hạ Vân là con gái ông lang Phúc rất hiền thục, nết na có giọng hát hay nức tiếng gần xa. Ngày ngày, nàng bầu bạn với cây thuốc Nam, học nghề và theo cha dốc lòng trị bệnh cứu người.
Ở làng đó có cậu Ấm Đại con nhà giàu, cậy cha mẹ có nhiều tiền và được nuông chiều mà lười học, lêu lổng, hay bắt nạt, chèn ép dân lành… Oái oăm thay, hắn lại thầm thương, trộm nhớ Hạ Vân, dù bị mẹ dè bỉu không môn đăng hạ đối.
Hắn tìm đủ cách để lọt mắt xanh của người con gái ấy, thậm chí dùng đến những trò bỉ ổi như thuê đám đầu trâu mặt ngựa diễn kịch, vô cớ đến bắt bớ, phá vườn thuốc Nam của Hạ Vân. Nhân đó, hắn giả vờ ra tay cứu giúp theo kiểu “anh hùng cứu mỹ nhân”, hòng làm rung động trái tim người đẹp…
Vậy nhưng, hắn chẳng những không thể diễn tiếp vai đó và hái quả ngọt mà còn bị gậy ông, đập lưng ông vì bỗng đâu chính vở kịch do hắn cố tình dựng lên đã trao cơ hội cho nho sinh Tuấn Long.
Chẳng là, chàng nho sinh thông làu kinh sử này đang cùng người bạn tên Chính Tâm trên đường trảy kinh ứng thí kỳ thi trạng nguyên, ngang qua đúng lúc Hạ Vân bị bọn đầu trâu mặt ngựa ức hiếp, quấy phá.
Được hai chàng ra tay cứu giúp, Hạ Vân cảm động, lòng lưu luyến, mến thương. Tình duyên này càng nảy nở khi Tuấn Long bị trúng tên độc trả đũa của bọn Ấm Đại, phải ở lại nhà Hạ Vân để chữa trị. Đến ngày chia tay Tuấn Long tiếp tục trảy kinh quyết giành bảng vàng khoa cử, trái tim nàng đã thầm hẹn ước với chàng ngày được đoàn tụ, sum vầy…
Không giành được trái tim người đẹp, tên Ấm Đại không những chẳng chịu rút lui, trái lại hắn còn làm mọi cách để chia uyên rẽ thúy. Giông gió cứ thế nổi lên, nhất là khi được sự trợ giúp của tên quan tham.
Bởi thế, nàng Hạ Vân phải trốn khỏi làng vừa tránh bị nhà Ấm Đại tới ép cưới vừa để lên đường tìm cách kêu oan cho người thương. Tuấn Long cũng phải chịu hết tai ương này đến tai ương khác, thậm chí còn bị Ấm Đại mưu hại đến mất trí nhớ mà quên cả Hạ Vân…
Có thể thấy, câu chuyện được vở chèo này tái hiện không mới, nếu không nói là khá cũ với mô-típ cậu ấm con quan ham chơi, lười học nhiều thủ đoạn nhưng cuối cùng trắng tay và bị trừng trị còn anh học trò nghèo có chí lớn ắt gặp duyên kỳ ngộ…
Bởi thế, những phê phán đời sống xã hội thời bấy giờ được đề cập tới trong vở diễn như: Bọn nhà giàu cậy nhiều tiền, có thế lực mà cố tình ép duyên, hà hiếp người lành hay chuyện lo lót, đánh lận con đen (tráo bài thi giành thủ khoa)… cũng rất quen thuộc, dễ dàng nắm bắt.
Lẩy tứ ngọt ngào
Có lẽ, với khán giả mong đợi về một vở chèo kể tích mới và sự trẻ trung từ chất giọng đến gương mặt của nghệ sĩ cũng như những đột phá của hành động kịch thì “Lời ru tình yêu” chưa đáp ứng được.
Nhưng với người đến để thưởng thức những làn điệu chuẩn mực như đào liễu, quân tử vô dịch, sử rầu, tò vò, ngâm vỉa… hay muốn được đắm mình vào không gian ước lệ của nghệ thuật chèo truyền thống thì đây là một lựa chọn đáng giá.
Cũng bởi, qua bản dựng của đạo diễn, NSND Hoàng Quỳnh Mai, “Lời ru tình yêu” lẩy được cái tứ ngọt ngào, đậm chất chèo, dễ dàng đi vào lòng người. Đó là sự chữa lành cả về thể chất lẫn tâm hồn bằng những lời ru, điệu chèo quê hương vốn là nguồn mạch tinh thần thầm lặng dưỡng nuôi mỗi người lớn khôn.
Ba lần nàng Hạ Vân cất tiếng hát thổ tận can tràng là ba lần nàng chữa lành cho những tổn thương. Từ vườn thuốc Nam đổ rạp bởi cơn gió dữ đến chàng Tuấn Long vì cứu nàng mà gặp phen thập tử nhất sinh do trúng tên độc và lúc chàng bị kẻ ác hãm hại làm cho mất trí nhớ…
Song, điều đó chỉ thực sự đến từ câu hát rút ruột như tằm nhả tơ vàng óng của người con gái có tâm hồn thánh thiện, bản lĩnh, thấy sóng cả mà chẳng ngã tay chèo, dám khởi kiện đến cùng để vạch mặt kẻ thủ ác.
Tất cả đều là điều huyền diệu, là phép màu nhưng phải chăng đó cũng là khát vọng, tâm tư của bao người dân chân chỉ, thiện lành. Trong cuộc sống còn đó biết bao bất công và khổ đau, điểm tựa của họ chỉ có lời ru, tiếng hát vọng về từ nguồn cội, từ đất mẹ để được chữa lành và làm nên sức mạnh rồi đứng dậy và tiếp tục đấu tranh.
Nghệ sĩ Hà Thảo, người có giọng hát đẹp, vang – rền – nền - nảy, đã thể hiện vai diễn nàng Hạ Vân nền nếp gia phong, đôn hậu nhân từ cùng những lời ru, câu hát huyền diệu thật truyền cảm, lay động lòng người.
Cùng với đó là một không gian cách điệu lãng mạn, trữ tình lấy tạo hình trái tim xanh làm điểm nhấn. Nhịp điệu vở diễn cũng thư thả, êm ái đem đến cho khán giả cảm giác thư thái bước vào và đắm mình trong những giai âm tuyệt đẹp chan chứa tình người, tình đời được chuyên chở bởi nghệ thuật chèo truyền thống.
Tất nhiên, trong “Lời ru tình yêu” cũng có những quãng người xem được giải trí trong tiếng cười khi tuyến nhân vật phản diện như cậu Ấm Đại, bà Thình, anh hề, vợ chồng quan thị lang, màn múa chổi… xuất hiện và kẻ tung người hứng không ít trò đời.
Có khi khán giả được cười hỉ hả khi ở phân cảnh này gặp những kẻ bản chất dốt nát, xấu tính mà đòi đức cao vọng trọng, phân cảnh kia cặp vợ chồng quan tham mờ mắt vì tiền mà dám đổi trắng thay đen để rồi bị vạch mặt…
“Xuyên suốt vở là sự bừng hồng, uyển chuyển của cánh quạt (đặc trưng của chèo) bay trên thánh đường nghệ thuật; với sự vang vọng, mượt mà, sâu lắng từ những giọng hát ngọt ngào… Kết vở là sự đong đầy cảm xúc, đẫm chất tình ca, ngời sáng tính hiện thực…”, đến thưởng thức vở chèo “Lời ru tình yêu” trong đêm tổng duyệt, tác giả Giáng Hương ghi lại cảm xúc.
“Khởi nghiệp” và nổi tiếng từ cải lương song gần đây đạo diễn, NSND Hoàng Quỳnh Mai tiếp tục “lấn sân”, chinh phục các loại hình sân khấu khác như tuồng, chèo, kịch nói.
Trong đó có lẽ với chèo chị gặt hái được nhiều thành công hơn cả khi đã dàn dựng và để lại tiếng vang với các vở: “Trọn nghĩa non sông” (Huy chương Vàng Liên hoan Chèo toàn quốc năm 2019, Nhà hát Chèo Thái Bình), “Trung trinh liệt nữ” (Huy chương Vàng Liên hoan Sân khấu Thủ đô lần thứ V - 2022, Nhà hát Chèo Hà Nội).
Đến “Lời ru tình yêu”, đây là vở diễn đầu tiên chị hợp tác với Nhà hát Chèo Việt Nam và cũng là đạo diễn bên ngoài được nhà hát mời cùng cộng tác sáng tạo tác phẩm mới cho đơn vị, sau 1/4 thế kỷ.
Dẫu có không ít khó khăn, trở ngại song nữ nghệ sĩ đau đáu với nghề này luôn kiên trì vượt qua, cùng với ê-kíp sáng tạo (tác giả: NSƯT Phạm Ngọc Dương, thiết kế mỹ thuật: NSƯT Nguyễn Đạt Tăng, âm nhạc: NSƯT Duy Hòa, biên đạo múa: NSƯT An Chinh) và các nghệ sĩ Đoàn truyền thống của nhà hát (NSƯT Chử Long, NSƯT Thu Thủy, NSƯT Thanh Mai, Hà Thảo, Đình Lý, Xuân Chường, Hoàng Đan, Duy Đông, Phan Hiền…) hoàn thành tác phẩm nghệ thuật mới này và được đón nhận.
“Tôi học được nhiều điều khi trực tiếp làm việc với các nghệ sĩ tài năng, nhiều kinh nghiệm của Nhà hát Chèo Việt Nam. Nhất là những đòi hỏi khắt khe, kỹ càng về việc giữ gìn sự chuẩn mực của nghệ thuật chèo từ các bậc tiền bối là điều tôi ấn tượng và luôn ghi nhớ…
Nhưng tôi cũng mong rằng, bên cạnh việc giữ gìn vốn cổ thì nhà hát cần có những bước đổi mới, nhất là về nhịp điệu, cảnh trí, thiết kế mỹ thuật, âm thanh, ánh sáng…
Thật tuyệt diệu khi những làn điệu chèo của cha ông được gìn giữ và tỏa sáng trên sân khấu hiện đại và có thể trở thành món ăn tinh thần cuốn hút khán giả hôm nay, nhất là khán giả trẻ!”, đạo diễn, NSND Hoàng Quỳnh Mai bày tỏ.
“Vở chèo “Lời ru tình yêu” được Nhà hát Chèo Việt Nam dàn dựng theo chương trình đặt hàng của Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch, Cục Nghệ thuật biểu diễn năm 2023. Vở diễn đã được hoàn thành sau khoảng thời gian ê-kíp hăng say sáng tạo, nghệ sĩ tập luyện hết mình và sẽ được công diễn đến khán giả trong những ngày Xuân 2024” - TS.NSƯT, đạo diễn Lê Tuấn Cường - Phó Giám đốc phụ trách Nhà hát Chèo Việt Nam.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/co-mot-loi-ru-chua-lanh-post668216.html