Có một 'Miền thương' trong hội họa
Nhà văn, họa sĩ Trần Thị Trường gọi điện thông báo bà sắp mở một triển lãm chung, cùng 1 nhóm 4 nghệ sĩ gồm: Trần Thị Trường, Lê Thiếu Ngân, Nguyễn Thị Huyền và Nguyễn Bá Thanh. Triển lãm được đặt tên là 'Miền thương' sẽ diễn ra từ 23-29/12/2024 , tại Bảo tàng Mỹ Thuật Quốc gia, 66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội.
Tên triển lãm kể ra thì hơi có chút “sến súa”. Khi nghe tôi nói điều này, nhà văn Trần Thị Trường giải thích: Khi người họa sỹ sáng tác, dù là đề tài gì: xã hội, phong cảnh, tĩnh vật, hay chân dung... thì họ cũng đều yêu mến, gửi gắm vào tranh vẽ của mình những tình cảm yêu thương nhất, nâng niu nhất, để cho ra đời những bức tranh đẹp, những tác phẩm giá trị. Với ý nghĩa đó, 4 họa sỹ đã chọn tên gọi là Miền thương cho triển lãm của nhóm.
Ngay cả cách kết hợp 4 người trong một triển lãm cũng là một sự kết hợp hoàn toàn cảm xúc. Trong số 4 người, thì có 2 họa sĩ tuổi đã trên 70: Họa sĩ Trần Thị Trường và họa sĩ Lê Thiếu Ngân. Nhưng nếu xem tranh họ thì vẫn còn dồi dào sức sáng tạo lắm. Cứ như thể tuổi tác không làm khó ngọn lửa đam mê với màu sắc và bố cục của họ. 2 họa sĩ còn lại thì Nguyễn Thị Huyền sinh năm 1975, còn Nguyễn Bá Thanh sinh năm 1999. Về tuổi đời, có vẻ như là sự tiếp nối thế hệ, nhưng về hội họa thì không có khoảng cách thế hệ, vì 2 nữ họa sĩ lớn tuổi cũng bắt đầu nghiệp vẽ chưa lâu.
Trong số đó, nhà văn, họa sĩ Trần Thị Trường là gương mặt quen thuộc. Bà nổi tiếng vì viết văn, nhưng kể từ khi bước vào con đường hội họa thì tên tuổi bà được biết đến rộng rãi hơn. Học vẽ từ những năm 1965-1973, trong lớp nghệ thuật của họa sĩ Phạm Viết Song, năm 1973 bà thì đỗ Đại học Mỹ thuật công nghiệp, nhưng học dở dang, chưa tốt nghiệp. Bà có nhiều năm làm báo viết văn, ghi dấu ấn ở 7 tập truyện ngắn, 3 tiểu thuyết “Lời cuối cho em”, “Kẻ mắc chứng điên” và “Phố Hoài”. Bà từng sống và làm việc tại Bulgaria trong những năm của thập niên 1980 và nhiều lần đến Mỹ.
Năm 2019, Trần Thị Trường quay lại nghệ thuật giá vẽ, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Hải Kiên. Bà đã có triển lãm cá nhân mang tên “Những cảm xúc bằng màu” tháng 12/2019, tại 16 Ngô Quyền Hà Nội. Bà cũng đã từng mở triển lãm cùng họa sĩ Lê Thiếu Ngân. Và tham gia các triển lãm nhóm ở Hà Nội.
Tôi là người thân thiết với nhà văn Trần Thị Trường từ đã lâu, không nghĩ có ngày bà lại cầm bút vẽ. Từ những bức vẽ buổi ban đầu quả là khá “ngơ ngác” nay được biết bà vẽ xong bức nào chưa khô màu đã có người mua ngay. Có vẻ như người mua thích tranh tĩnh vật và hoa hồng của bà, vừa mang bút pháp phương Tây nhưng nữ tính phương Đông vẫn còn đó.
Trong các tác phẩm của mình, Trần Thị Trường chọn tĩnh vật là đối tượng sáng tác chính, coi tĩnh vật có linh hồn và có thể “đối thoại” với con người.
Họa sĩ Lê Thiếu Ngân bằng tuổi nhà văn, họa sĩ Trần Thị Trường. Bà vốn là cán bộ giảng dạy tại Đại học Ngoại Ngữ - Đại Học Quốc Gia Hà Nội. Bà tốt nghiệp Tiến sỹ ngành Ngôn ngữ học tại Đại học Tổng hợp Quốc Gia S. Peterburg (Liên bang Nga). Năm 2008, bà học vẽ màu nước tại Tokyo , Nhật Bản với hai họa sỹ Shoko Ohta và Suiko Ohta. Năm 2012, bà học vẽ sơn dầu với họa sỹ Văn Dương Thành. Từ năm 2020 bà học thêm về vẽ sơn dầu với họa sỹ Nguyễn Hải Kiên.
Bà từng trưng bày tranh tại Phòng Văn hóa, Đại Sứ Quán Việt Nam tại Tokyo, Nhật Bản năm 2009, 2010; tham gia trưng bày trong triển lãm màu nước thường niên cùng các họa sỹ Nhật Bản các năm 2009, 2010, 2011. Họa sĩ Lê Thiếu Ngân bày Triển lãm cá nhân tại Gallery Thu Hương năm 2014. Ngoài ra bà tham gia nhiều triển lãm nhóm và có tranh được treo tại nhiều triển lãm, bảo tàng ở Hàn Quốc, Nhật Bản...
Nguyễn Thị Huyền là cái tên tưởng mới nhưng không, chị đã xuất hiện từ lâu trong giới mỹ thuật, có tranh trong một số bộ sưu tập nhưng nữ họa sĩ ít nói, kín tiếng và ngại tiếp xúc thế giới bên ngoài. Sống nội tâm nhiều hơn, Nguyễn Thị Huyền thành công với bút pháp phóng khoáng và chất liệu bột màu. Nhưng khi vẽ sơn dầu chị cũng cho thấy một khả năng làm chủ cảm xúc, biểu cảm dịu dàng về màu sắc mà mạnh mẽ về thể hiện. Họa sĩ Nguyễn Thị Huyền được sinh ra tại Hưng Yên, trong một gia đình khá đặc biệt, có mẹ là nông dân và bố là họa sĩ. Năm chị 10 tuổi, gia đình chuyển lên sống tại Hà Nội, trong khu tập thể của giảng viên trường Yết Kiêu (Đại học Mỹ thuật Hà Nội). Trong các tác phẩm của mình, chị khai thác vẻ đẹp bình dị của những hình ảnh quen thuộc trong cuộc sống.
“Tôi khai thác sự thay đổi tinh tế của màu sắc, của khối, sự trải nhẹ của ánh sáng. Tuy chúng rất nhẹ nhàng, có vẻ gì đó mong manh nhưng cũng không kém phần sinh động. Một không gian bình yên với sự nhảy nhót của hòa sắc, của ánh sáng dù không dữ dội nhưng vẫn đủ cho ta cảm nhận có một mạch sống căng tràn bên trong. Qua những tác phẩm của mình, ngoài việc muốn lưu giữ lại vẻ đẹp bình dị, thuần khiết ở xung quanh. Là một phụ nữ, tôi còn hướng tới sự bình yên trong tâm hồn và cuộc sống.” – họa sĩ Nguyễn Thị Huyền tâm sự.
Trẻ nhất nhóm triển lãm lần này là Nguyễn Bá Thanh, rất trẻ, nhưng luôn được nhắc đến từ hồi còn trong đại học, thành công với chất liệu màu nước.
Họa sĩ Nguyễn Bá Thanh quê ở Thái Bình, tốt nghiệp trường Đại học sư phạm nghệ thuật Trung Ương. Là thành viên của câu lạc bộ màu nước Hà Nội. Đã từng tham gia nhiều triển lãm và cuộc thi về hội họa màu nước trong nước và quốc tế. Trước khi gắn bó với chất liệu màu nước Nguyễn Bá Thanh đã nghiên cứu nhiều chất liệu khác như sơn mài, sơn dầu, khắc gỗ… Với mỗi chất liệu anh đều làm việc với sự nghiên cứu nghiêm túc và chỉn chu.
Nguyễn Bá Thanh theo đuổi trường phái hiện thực và anh chọn màu nước là chất liệu cho sự nghiệp hội họa của mình vì sự trong trẻo của chất liệu này. Đề tài sáng tác trong tranh của Thanh thường gần gũi, thân thuộc, thường sử dụng những gam màu tươi sáng.
Thanh từng được giải Khuyến khích Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc 2023, Giải Nhất cuộc thi “Rực rỡ Ba Lan” do Đại sứ quán Ba Lan tại Hà Nội tổ chức...
Là một họa sĩ tuổi đời còn trẻ, anh luôn có tinh thần cầu thị. Với mong ước mang nghệ thuật đến với cuộc sống và được sống với nghệ thuật. Với anh, hội họa không chỉ là đam mê mà là một nỗ lực không ngừng nghỉ và thành quả của nó là món quà gửi tới mọi người và cho chính bản thân mình.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/co-mot-mien-thuong-trong-hoi-hoa-10295110.html