Có một 'phố cổ' giữa lòng xã nhỏ nhất Hà Tĩnh
Giữa một vùng quê ven sông La - nơi được biết đến là xã nhỏ nhất của tỉnh Hà Tĩnh lại tồn tại một góc phố mang dáng dấp cổ kính, phảng phất hồn xưa như một 'phố cổ Hà Nội' thu nhỏ.

Thôn Bến Hến (xã Đức Minh, Hà Tĩnh) có hơn 199 hộ dân sinh sống (850 nhân khẩu), nằm nép mình bên dòng sông La hiền hòa. Nhưng điều đặc biệt không nằm ở con số hay vị trí địa lý mà ở sự biến chuyển thần kỳ của một vùng quê nghèo – nơi từ những ngôi nhà tranh vách đất nay đã dần thay thế bằng những ngôi nhà mái ngói đỏ, cửa gỗ, tường vàng sầm uất như gợi nhớ đến hình ảnh đặc trưng của phố cổ Hà Nội.

Trong những năm gần đây, Bến Hến đã thay da đổi thịt mạnh mẽ. Nhưng điều đặc biệt không nằm ở sự hiện đại, mà ở cách người dân giữ lại phần “cũ” một cách đầy trân trọng, không chỉ trong kiến trúc mà cả trong nếp sinh hoạt hàng ngày. Giữa những chuyển động hiện đại, Bến Hến không vội vàng thay đổi, mà chọn gìn giữ cái hồn xưa của làng Việt, thứ được hun đúc từ chính những khoảng cách gần gũi giữa người với người.

Ngay từ cổng làng Bến Hến, du khách đã bắt gặp chợ Trôộc – một khu chợ quê có lịch sử từ xa xưa, là điểm tụ họp không chỉ để mua bán mà còn để giữ gìn nét sinh hoạt cộng đồng đặc trưng của làng. Chợ họp từ giữa buổi sáng đến hết ngày, bày bán đủ thứ: từ rau củ, hến - giắt, thức ăn sẵn cho đến đồ gia dụng thiết yếu. Trong cái nhịp sống yên bình ấy, chợ Trôộc vẫn giữ được tiếng rao, mùi hương và cảnh mua bán thân quen mà bao thế hệ người Bến Hến đã lớn lên cùng.


Với những người con xa quê, chợ Trôộc không chỉ là nơi ghé qua, mà còn là chốn để “check-in ký ức” để họ tìm lại hương vị món ăn tuổi thơ, ánh mắt người quen cũ và không khí đậm chất xưa mà thời công nghệ không thể có được. Giữa thời đại của siêu thị và chợ online, chợ Trôộc vẫn bền bỉ tồn tại như một lát cắt sống động của văn hóa cổ truyền.



Hiện nay, thôn Bến Hến có 3 trục đường chính gồm NX 43, 46 và 50, mỗi lối rộng chừng 3 mét, vừa đủ cho xe máy tránh nhau. Từ các lối chính ấy, hàng chục ngõ nhánh nhỏ tỏa ra chi chít, đan xen như mạng nhện, tạo nên một không gian sống đặc biệt, vừa chật hẹp, vừa ấm cúng như gợi nhớ rõ nét hình ảnh phố cổ Hà Nội với những ngõ sâu, hẻm nhỏ, tường nhà san sát nhau.

"Người ta hay nói sống gần nhau quá dễ va chạm nhưng ở Bến Hến, chính cái gần ấy lại là sợi dây ràng buộc thương yêu. Ở đây, chỉ cần nghe tiếng dao thớt là biết nhà bên đang nấu món gì, thấy ánh đèn chưa tắt là biết chắc có người đang thao thức. Ngõ nhỏ thôi, nhưng lòng người rộng, không ai thấy khó chịu, ngược lại, đó là cách để người ta quan tâm nhau tự nhiên như hơi thở", ông Nguyễn Kim Thường (bên trái) chia sẻ.


Chính kết cấu ấy đã góp phần tạo nên bản sắc riêng của Bến Hến – nơi con người không bị chia cắt bởi khoảng cách, mà gần nhau từng bước chân, từng lời hỏi thăm qua khe cửa sổ. Cũng từ đó, lối sống cộng đồng, sự gắn kết giữa các gia đình càng được bồi đắp sâu sắc hơn qua từng thế hệ.

Giữa sự chuyển mình của nông thôn mới, Bến Hến vẫn giữ được hồn quê. Những đường làng bê tông hóa nhưng không thẳng tắp khô cứng mà mềm mại uốn quanh theo thế đất. Hoa giấy, cau cảnh, những mái hiên cổ, tường đầy rêu phong tạo nên bức tranh vừa xưa, vừa sống động.


Dù là một làng quê nhỏ ven sông, nhịp sống ở Bến Hến không hề chậm rãi như những miền quê khác. Với hàng trăm hộ dân sinh sống sát nhau, từng con ngõ nhỏ luôn rộn rã tiếng người qua lại, tiếng rao hàng từ chợ Trôộc và những cuộc trò chuyện thân tình của bà con. Không khí tấp nập, vội vã đôi lúc nhộn nhịp chẳng khác gì một góc phố Hà Nội thu nhỏ. Mỗi người một việc, tất bật trong những con ngõ nhỏ chật hẹp, tạo nên bức tranh sống động và đầy nhịp sống giữa lòng miền quê bình dị.

"Nơi đây mang dáng dấp một phố nhỏ nhưng vẫn giữ được cái chân chất của miền sông nước. Người dân sống sát nhau không chỉ vì đất hẹp mà bởi truyền thống làm nghề sông nước, lúc hoạn nạn có nhau, kề vai lúc bão lũ, khó khăn. Chính sự gần gũi ấy đã gắn kết cộng đồng và giữ cho Bến Hến luôn ấm áp, bền chặt suốt bao đời", ông Thái Kim Đồng - Bí thư Chi bộ thôn Bến Hến cho biết.


Những phong tục truyền thống như lễ cúng tổ nghề, lễ Đền Hoàng Làng vẫn được duy trì trang trọng, thu hút cả con cháu xa quê trở về.

Trong cách sống và ứng xử, người Bến Hến vẫn giữ vẹn nguyên những giá trị xưa: nghĩa tình, thủy chung, trọng đạo hơn trọng của như chính dòng sông La lặng lẽ mà bền bỉ chảy qua bao thế hệ.
Bến Hến là địa bàn có mật độ dân cư cao, quỹ đất hạn chế do phần lớn người dân sống dựa vào nghề sông nước nên chủ yếu dùng đất để làm nhà ở. Đường sá trước đây nhỏ hẹp, việc đi lại gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai dự án kè tả ngạn sông La, xã đã tận dụng quỹ đất mở rộng, phân bổ lại lưu lượng giao thông hợp lý hơn.
Đối với Bến Hến, chúng tôi đã chỉ đạo thảm nhựa các tuyến đường để cải thiện hạ tầng. Trong thời gian qua, địa phương đã hoàn thành thảm nhựa nguội đoạn đường trục thôn dài 160m và đang tiếp tục mở rộng ra các ngõ xóm. Đồng thời, xã cũng đã quy hoạch vùng đất phía Bắc để từng bước giãn dân, giảm áp lực về không gian sống.
Mặc dù đất chật người đông, nhưng người dân nơi đây luôn giữ được nếp sống văn minh, sạch sẽ, trật tự – đó cũng là nét đặc trưng riêng của Bến Hến mà chúng tôi rất tự hào.
Ông Lê Đình Tài - Phó Chủ tịch UBND xã Đức Minh
Video: Dấu xưa trong một làng nhỏ Hà Tĩnh.
Nguồn Hà Tĩnh: https://baohatinh.vn/co-mot-pho-co-giua-long-xa-nho-nhat-ha-tinh-post291429.html