Nhà trọ 'cháy' phòng, hàng quán tăng khách sau sáp nhập
Chỉ hơn một tuần sau khi tỉnh Gia Lai và Bình Định sáp nhập thành tỉnh Gia Lai mới, nhiều khu vực trung tâm phường Quy Nhơn đã ghi nhận sự gia tăng rõ rệt về mật độ dân cư. Các dịch vụ như nhà trọ, ăn uống, vận chuyển... cũng trở nên sôi động hơn, tạo nên bức tranh nhộn nhịp chưa từng thấy.
Nhiều quán ăn mới khai trương
Nắm bắt thời cơ từ việc sáp nhập tỉnh, nhiều hộ kinh doanh đã nhanh chóng triển khai các mô hình quán ăn mới, hướng đến nhóm khách hàng từ cao nguyên xuống. Trong đó, quán Gà nướng cơm lam Trần Nghĩa tại 146 Nguyễn Thái Học vừa khai trương ngày 26-6 đã tạo được dấu ấn riêng.

Quán Gà nướng cơm lam Trần Nghĩa mới mở phục vụ khách. Ảnh: Hải Yến
Bà Lê Thị Hà-chủ quán-chia sẻ: “Tôi muốn bán một món đặc sản chưa phổ biến ở Quy Nhơn nhưng lại gần gũi khẩu vị với người từ Gia Lai (cũ) xuống. Tôi nghĩ ngay đến cơm lam gà nướng, món ăn đặc trưng của vùng Tây Nguyên”.
Bà Hà cho biết thêm, cơm lam được nhập nguyên ống từ phường Pleiku, còn gà lấy từ các xã Tuy Phước, Tuy Phước Bắc... Đặc biệt, gia vị ướp và nước sốt đều do bà tự nghiên cứu để giữ công thức riêng, tạo vị ngon độc đáo. Sau 12 ngày đi vào hoạt động và bán với giá bình dân, quán đã được nhiều thực khách ủng hộ.
Không riêng gì quán Gà nướng cơm lam Trần Nghĩa, nhiều quán ăn khác cũng lần lượt khai trương, tạo nên “làn sóng đặc sản mới” ở Quy Nhơn. Có thể kể đến như: Cơm nhà tại số 12 Hà Huy Tập phục vụ bữa trưa, hay quán Phở khô Gia Lai nằm ngay Trung tâm thương mại Quy Nhơn chuyên phục vụ món ăn đặc trưng của vùng cao nguyên. Nhiều quán đầu tư công thức riêng, khẳng định sự chuyên biệt để níu chân thực khách.
Nhà trọ “cháy phòng”, căn hộ khan hiếm
Từ đầu tháng 6, nhiều cán bộ, công chức đã tất bật chuẩn bị cho việc chuyển từ tỉnh Gia Lai (cũ) xuống Quy Nhơn công tác. Phân khúc nhà trọ có giá 2-3 triệu đồng/phòng trở thành lựa chọn chính của họ. Tuy nhiên, số lượng phòng trống gần như không còn.

Nhà trọ, căn hộ ở phường Quy Nhơn được thuê hết sau khi sáp nhập tỉnh. Ảnh: HẢI YẾN
Bà Nguyễn Thị Mỹ Liệu (phường Pleiku) cho biết: “Cơ quan tôi thông báo đến ngày 1-8 sẽ chuyển toàn bộ cán bộ xuống phường Quy Nhơn làm việc. Ban đầu, tôi không có tên nên chủ quan. Đến khi thông báo thay đổi, chỉ còn 1 tháng chuẩn bị, tôi mới lo tìm chỗ ở thì đã quá muộn. Phòng trọ vừa túi tiền đều hết”.
Nhờ sự giúp đỡ của bạn bè tại Quy Nhơn, bà Liệu thuê được căn nhà hai tầng giá 3,5 triệu đồng/tháng. “Căn hộ đủ cho cả gia đình sinh hoạt. Tôi đã đặt cọc, sửa chữa lại để kịp dọn về đầu tháng 8 cho con cái đi học ổn định”-bà Liệu chia sẻ.
Tình trạng “cháy” phòng còn diễn ra tại các khu nhà trọ lâu năm. Bà Lê Thị Tần-Chủ dãy trọ số 162/15 Nguyễn Thái Học-cho hay: “Trước đây, khách thuê là sinh viên hoặc người đi làm. Gần đây, cán bộ, công chức hỏi thuê phòng ngày càng đông nhưng nhà tôi không còn phòng trống. Khách vừa chuyển đi là có người mới tới thuê ngay. Mặc dù nhiều nơi tăng giá vì nhu cầu cao nhưng tôi vẫn giữ giá bình dân để khách yên tâm ở lâu dài”.
Không chỉ nhà trọ, các căn hộ tại các chung cư như TMS, FLC, An Phú Thịnh… cũng nhanh chóng kín chỗ. Trước đó, nhiều căn còn bỏ trống vì khó tìm khách thì nay gần như đã “lấp đầy”.
Những người môi giới nhà đất tại phường Quy Nhơn xác nhận nhu cầu tìm nhà ở tăng gấp đôi so với trước. Khách gọi điện đến hỏi nhiều nhưng họ đành hẹn lại hoặc giới thiệu căn hộ xa trung tâm.

Nhà trọ, căn hộ ở phường Quy Nhơn được thuê hết sau khi sáp nhập tỉnh. Ảnh: Hải Yến
Song song với nhu cầu nhà ở và dịch vụ ăn uống, lượng phương tiện di chuyển giữa Pleiku-Quy Nhơn cũng tăng đột biến, đặc biệt vào cuối tuần, thời điểm người dân và cán bộ tranh thủ về thăm nhà, giải quyết việc cá nhân.
Ông Nguyễn Hồng Sơn (phường Pleiku) kể: “Tôi đặt vé trước 3 ngày đi chặng Pleiku-Quy Nhơn mà vẫn không có chỗ. Nhờ người quen mới tìm được 1 ghế về vào chiều thứ bảy”. Theo ông Sơn, các hãng xe nên chủ động tăng cường chuyến vào dịp cao điểm, đặc biệt là khi nhu cầu đi lại của cán bộ, công chức sẽ tiếp tục tăng.
Sự chuyển dịch nhân sự không chỉ mang đến áp lực tạm thời về nhà ở, dịch vụ mà còn mở ra cơ hội mới cho kinh tế địa phương. Từ các mô hình ẩm thực độc đáo đến sự “bùng nổ” của dịch vụ cho thuê nhà trọ, căn hộ và cả vận tải hành khách… cho thấy một thị trường năng động đang tự điều chỉnh để đáp ứng với sự thay đổi.


Định hình cực tăng trưởng du lịch rừng - biển
01/07/2025 14:56