Có một Sài Gòn rất đỗi thân quen trong hoài niệm mà những ngày này người ta cứ nhớ hoài
Sài Gòn luôn có những điều thật đặc biệt mà bất kỳ ai đã phải lòng với nơi này đều cảm thấy vô cùng bình dị, gần gũi và đầy ấm áp. Có rất nhiều niềm yêu thương và tử tế lan tỏa giữa mọi người, có cả những dễ thương thường ngày ít thấy. Tất cả đều trở nên vô cùng sống động, nhiều màu sắc và thú vị qua bộ tranh vô cùng đáng yêu về thành phố này.
Sài Gòn những ngày này, bỗng có cảm giác thật lạ khi một thành phố vốn khiến người ta mê mẩn bởi sự hối hả, nhộn nhịp của mình, nay lại chìm vào không khí im lìm, trống trải. Vẻ "trầm tĩnh" ấy mới khiến người ta thấy nhớ biết bao cuộc sống tấp nập, náo nhiệt thường ngày, từ một góc vỉa hè, những hàng quán đầy ắp mùi hương, mùi thịt nướng thơm phức,... đến cả những nét lao động đường phố mộc mạc, sờn cũ.
Với niềm đam mê theo đuổi ngành thiết kế, chàng kiến trúc sư Tăng Quang đã kết nối một nhóm bạn cùng tham gia vẽ và thực hiện một bộ tranh ký họa về cuộc sống và con người Sài Gòn.
Tất cả tác giả của bộ tranh này đều là dân không chuyên, ban ngày đi làm, tối về vẽ. Ở đó, có tranh của những bé 10 tuổi, các em sinh viên, các bạn du học sinh, và cả các cô chú ngoài 60 tuổi.
Dự án hiện tại có khoảng 50 bức ký họa, được thực hiện từ tháng 6, khi Sài Gòn ở những ngày đầu giãn cách. Chia sẻ về quá trình thực hiện bộ tranh, anh Quang tâm sự: "Kỷ niệm vui và thú vị nhất là sau khi thu thập tranh về và viết nội dung cho từng tranh. Đối với mình, điều này khá khó vì mình không phải người Sài Gòn, lại cần tìm một mạch liên kết hết toàn bộ câu chuyện với nhau.
Lúc viết, mình phải vừa viết vừa tra từ điển phương ngữ người Sài Gòn để được gần gũi, chân thật. Các bạn ở miền Tây có góp ý cho mình nhiều để câu văn nghe ra chất Nam Bộ. Nên đằng sau bộ tranh, tụi mình cũng có nhiều kỷ niệm vui cùng nhau, và nhờ vẽ tranh mà tụi mình giảm bớt sự lo lắng, suy nghĩ trong mùa dịch."
Mỗi câu chuyện có những lăng kính và góc nhìn khác nhau, tuy đôi chỗ còn lấm lem, nhưng đó là cảm nhận chân thành nhất của mỗi người về Sài Gòn. Mời bạn hãy cùng thưởng thức nhé!
Văn hóa vỉa hè, điều làm cho Sài Gòn trở nên vô cùng sống động, gần gũi và thú vị. Những hàng quán hè phố đã đi vào cuộc sống của bao nhiêu thế hệ như một phần không thể thiếu. Đó có thể là một quầy nước ven đường, nơi mình ngồi nghỉ ngơi tránh nắng, hàn huyên và làm một ly trà đá mát trời ông địa.
Văn hóa vỉa hè, điều làm cho Sài Gòn trở nên vô cùng sống động, gần gũi và thú vị. Những hàng quán hè phố đã đi vào cuộc sống của bao nhiêu thế hệ như một phần không thể thiếu. Đó có thể là một quầy nước ven đường, nơi mình ngồi nghỉ ngơi tránh nắng, hàn huyên và làm một ly trà đá mát trời ông địa.
Hay những chuyến xích lô gắn liền với kỷ niệm, 3 - 4 đứa cùng được chú đèo qua những con đường rợp bóng cây, tiếng xe kêu kót két, tiếng chú cười hào sảng giữa xì xầm thanh âm phố thị. Rồi thỉnh thoảng ngồi lại, làm một trái dừa tươi quá xá là ngon.
Chợ lúc nào cũng ồn ào, huyên náo, chen chúc, xô bồ… nhưng ở đó từ sáng đến tối không bao giờ ngớt tiếng cười nói, hay những câu chuyện tầm xàm ba láp mà vui rân trời. Người Sài Gòn hối hả, chiều đi làm dề tranh thủ tạt xe ghé ngang quầy chợ mua bó rau, chứ không thong dong cà rịt cà tang như ở quê. Nên mấy cô biết ý, bỏ sẵn rau củ vào từng bịch, mỗi bao 10 ngàn, mua nhanh gọn, khỏi lo kẹt xe à nhen. Bó rau 10 ngàn, nhưng mà nụ cười miễn phí, con lấy nhiêu cũng được.
Đằng sau tiếng cười giòn tan, còn là giọt mồ hôi, những nhọc nhằn dưới cái nắng nóng oi bức buổi trưa. Rồi những lo toan cho hôm bán ế, chiều dề không đủ mua miếng thịt cho sắp nhỏ ở nhà, lo không đủ tiền đóng học phí cho đứa lớn. Những hôm Sài Gòn đổ mưa, khách đi đâu mút mùa lệ thủy, ngồi chùm hum buồn xo một góc vì bán cả ngày mà chỉ quề trớt, chẳng được nhiu.
Chúng ta có rất nhiều điểm khác nhau, nhưng cùng có một niềm đam mê bất diệt, mãi mãi trường tồn, mãi mãi phồn vinh cho bánh tráng trộn.
- Cô ơi, cho con một hộp nhiều bánh tráng, nhiều topping mà tiền "u như kỹ" nha cô!
- Khỉ gió à, đồ quỷ sứ!
Bánh mì - đặc sản Sài Gòn. Xuất phát từ những ổ baguette người Pháp mang đến Việt Nam ăn với pate từ đầu thế kỷ 20, người Sài Gòn đã cải tiến thành một món ăn nổi tiếng toàn thế giới. Bánh mì giò chả, bánh mì thịt nướng, bánh mì xíu mại… ôi ngon bá cháy! Và chính từ những gánh hàng rong, những xe đẩy bình dân trên mọi nẻo đường đó, các cô chú đã âm thầm tạo nên một nét văn hóa phổ biến khắp mọi nơi mang tên bánh mì.
Sài Gòn cũng là nhà của rất nhiều hoàn cảnh không may mắn có được một cơ thể trọn vẹn. Họ vẫn sống, vẫn ầm thầm lao động, và đóng góp như tất cả những người con bình thường khác của thành phố. Không mơ ước gì cao xa, các cô chú chỉ mong có sức khỏe để mỗi ngày có thể lao động nuôi sống bản thân và gia đình. Và Sài Gòn luôn đầy nghĩa tình khi không bao giờ lãng quên họ. Cứ mỗi khi có một hoàn cảnh khó khăn cần chia sẻ, cộng đồng đều cùng chung tay giúp đỡ.
Chú Thuận từ thuở lọt lòng đã mồ côi, khi lớn lên thì chú lại mang thương tật rất nhiều (chú bị hư một mắt, không còn chân, và 4 ngón tay). Dù đã ngoài 60, hằng ngày chú vẫn rong ruổi Sài Gòn bên xe bong bóng. Nhìn nụ cười hiền hậu của chú, vừa thương lại vừa khâm phục ý chí của một con người vẫn miệt mài lao động dẫu qua bao giông bão cuộc đời.
Bộ tranh không chỉ là tình yêu với Sài Gòn, với những nét đẹp lao động rất thơ và rất thật, mà còn gửi gắm lời cảm ơn đến các y bác sĩ, chiến sĩ đang chiến đấu để bảo vệ sức khỏe người dân, bảo vệ thành phố. Mong Sài Gòn mau khỏe, cố gắng lên nhé để lại trở thành nơi luôn đầy ắp tình người, đáng yêu và đáng sống.