Có nên bỏ hình thức kỷ luật đình chỉ học tập đối với học sinh vi phạm?

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đang lấy ý kiến dự thảo thông tư quy định về khen thưởng và kỷ luật học sinh. Theo đó, học sinh nếu vi phạm Luật Giáo dục, nội quy của trường hoặc cơ quan chức năng, tùy mức độ, các em ở bậc tiểu học bị nhắc nhở hoặc yêu cầu xin lỗi; học sinh cấp THCS, THPT bị nhắc nhở, phê bình hoặc viết bản tự kiểm điểm. Nếu so với quy định hiện hành, dự thảo thông tư mới đã bỏ hình thức kỷ luật 'đình chỉ học' đối với học sinh vi phạm.

Nhiều học sinh và giáo viên cho rằng, về lý thuyết, việc xóa bỏ hình thức đình chỉ học trong kỷ luật học sinh là chủ trương nhân văn, hướng đến việc không bỏ rơi học sinh, dùng kỷ luật tích cực để uốn nắn sai phạm của học sinh, hướng tới lớp học hạnh phúc, trường học hạnh phúc. Tuy vậy, hình thức kỷ luật cao nhất đối với học sinh vi phạm là phê bình, nhắc nhở và viết bản tự kiểm điểm như trong dự thảo thông tư là chưa đủ sức răn đe đối với các hành vi nguy hiểm và nghiêm trọng.

Sử dụng các hình thức kỷ luật học sinh cần đảm bảo hài hòa giữa tính nhân văn và nghiêm minh. Ảnh minh họa

Sử dụng các hình thức kỷ luật học sinh cần đảm bảo hài hòa giữa tính nhân văn và nghiêm minh. Ảnh minh họa

Cô Nguyễn Thúy Lan, giáo viên Trường THPT Trương Định (Hà Nội) cho biết, cô đồng tình với việc bỏ biện pháp buộc thôi học 1 năm đối với học sinh vi phạm. Bởi vì đình chỉ 12 tháng đối với học sinh là quá dài, có thể khiến các em dễ sa chân vào những tiêu cực khác. Các em cũng cần động viên tinh thần, cần giữ được động lực học tập và trong thời gian này các em cũng cần những biện pháp khuyến khích gắn kết từ giáo viên, nhà trường.

Tuy vậy, trong điều kiện hiện nay, việc sử dụng hình thức kỷ luật cao nhất đối với học sinh vi phạm là "viết bản kiểm điểm" là quá nhẹ. Điều này sẽ gây khó khăn cho giáo viên và các nhà trường trong việc giáo dục học sinh cá biệt, học sinh vi phạm ở mức độ “báo động”.

Cũng theo cô Lan, giáo dục tích cực không có nghĩa là loại bỏ mọi hình thức kỷ luật mà phải là kết hợp giữa sự yêu thương và các giới hạn rõ ràng. Nếu không có kỷ cương, học sinh rất dễ nhầm lẫn giữa quyền được tôn trọng và quyền được hành động không giới hạn. Nhân văn trong giáo dục chỉ thật sự có ý nghĩa khi đi kèm với trách nhiệm và rèn luyện đạo đức. Do đó, ngoài ba hình thức kỷ luật như trong dự thảo, vẫn cần phải có hình thức cao nhất trong kỷ luật học sinh vi phạm là "tạm dừng học 1 tuần".

Thầy Trần Trung Hiếu, giáo viên Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) cũng cho rằng, việc loại bỏ hoàn toàn các hình thức kỷ luật nghiêm khắc như cảnh cáo trước toàn trường, đình chỉ học tạm thời hoặc dài hạn là một “bước lùi” trong bối cảnh các hành vi vi phạm nội quy học đường đang ngày càng tinh vi và nguy hiểm như bạo lực học đường, xúc phạm thầy cô, gian lận thi cử, sử dụng chất cấm, lạm dụng mạng xã hội để công kích bạn học, thầy cô. Những hình thức xử lý mang tính “nhẹ nhàng” như nhắc nhở, phê bình, hay viết bản kiểm điểm không đủ sức răn đe với những học sinh có hành vi sai phạm nghiêm trọng.

Trong thực tế, nhiều em học sinh viết kiểm điểm một cách qua loa, đối phó nhưng hành vi sai trái vẫn tiếp diễn. Khi nhà trường không có biện pháp xử lý đủ mạnh, tính nghiêm minh trong giáo dục sẽ bị xói mòn, kỷ luật trở nên hình thức. Bên cạnh đó, việc loại bỏ các hình thức kỹ luật nghiêm khắc cũng làm suy yếu công bằng trong giáo dục và vai trò của giáo viên bởi một hệ thống kỷ luật lỏng lẻo sẽ khiến những học sinh nghiêm túc cảm thấy bất công, vì hành vi vi phạm không bị xử lý thích đáng. Điều này dễ dẫn tới tâm lý chán nản, giảm động lực học tập và tinh thần tập thể.

Đáng lo ngại hơn, giáo viên, người trực tiếp giữ gìn trật tự lớp học sẽ bị hạn chế nghiêm trọng trong việc xử lý học sinh vi phạm. Khi không có công cụ phù hợp, giáo viên sẽ trở nên “lực bất tòng tâm”, uy tín và quyền hạn của người thầy sẽ bị suy giảm. Điều này làm tổn thương mối quan hệ dạy- học vốn dựa trên sự tôn trọng và chuẩn mực hành xử.

Thay vì xóa bỏ toàn bộ các hình thức kỷ luật nghiêm khắc, thầy Trần Trung Hiếu cho rằng, dự thảo thông tư cần được điều chỉnh theo hướng phân loại hành vi vi phạm thành ba mức độ: Nhẹ, trung bình, nghiêm trọng; đồng thời giữ lại một số hình thức kỷ luật công khai hoặc đình chỉ học tập tạm thời áp dụng đối với những hành vi có tính chất nghiêm trọng, có chủ ý, tái phạm.

Từ góc độ chuyên gia, ThS. Nguyễn Viết Hiền, giảng viên Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, thành viên Ban chấp hành Hội Tâm lý trị liệu Việt Nam cũng khẳng định kỷ luật tích cực đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành nhân cách, nâng cao năng lực xã hội và giảm thiểu hành vi vi phạm kỷ luật trong nhà trường một cách bền vững. Kỷ luật tích cực không phải là sự mềm yếu hay dung túng mà là một phương pháp giáo dục dựa trên sự tôn trọng, đồng cảm và khuyến khích học sinh phát triển hành vi đúng đắn một cách chủ động.

Trái ngược với những hình thức kỷ luật trừng phạt đơn thuần, kỷ luật tích cực không nhằm gây tổn thương hay hạ thấp học sinh, mà tập trung giúp các em hiểu hậu quả hành vi, nhận thức được giá trị bản thân và sửa sai trên tinh thần trách nhiệm. Phương pháp này dựa trên các nguyên lý của tâm lý học phát triển và giáo dục hiện đại, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến: Xây dựng mối quan hệ thầy- trò tích cực; tạo môi trường an toàn để học sinh bày tỏ cảm xúc; giúp học sinh nội tâm hóa quy tắc và tự điều chỉnh hành vi.

Theo ThS. Nguyễn Viết Hiền, trong môi trường học đường, không thể tránh khỏi những học sinh có hành vi lệch chuẩn, cá biệt - từ vi phạm nội quy lớp học đến hành vi mang tính bạo lực, đe dọa sự an toàn của bạn bè hoặc giáo viên.

“Với những trường hợp như vậy, việc áp dụng kỷ luật tích cực nghĩa là gì? Nhiều giáo viên cũng chia sẻ với tôi, họ không thể “nhẹ nhàng” với học sinh được, vậy họ có vi phạm quy tắc về kỉ luật tích cực không? Trong trường hợp này, chúng ta vẫn cần xử lý nghiêm minh vi phạm nhưng vẫn giữ nhân phẩm và cơ hội phát triển cho học sinh.

Giáo viên cần phân loại rõ hành vi vi phạm, áp dụng các hình thức kỷ luật mang tính phục hồi và làm việc chặt chẽ với gia đình và chuyên gia. Thậm chí, trong một số trường hợp, giáo viên vẫn phải áp dụng hình thức cảnh cáo công khai, tạm đình chỉ học có thời hạn trong khoảng 1 tuần nhưng đồng thời nhà trường cần tạo điều kiện hỗ trợ để học sinh quay lại môi trường học đường với tâm thế tích cực hơn, để học sinh hiểu rằng, các em vẫn được chấp nhận, nhưng hành vi sai thì nhà trường không thể dung thứ”, Ths. Nguyễn Viết Hiền chia sẻ.

Huyền Thanh

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/giao-duc/co-nen-bo-hinh-thuc-ky-luat-dinh-chi-hoc-tap-doi-voi-hoc-sinh-vi-pham--i768264/