Cha mẹ đồng hành, con vững bước

Mùa tuyển sinh 2025 đã gõ cửa, và với sự chủ động, đồng hành từ gia đình, các sĩ tử chắc chắn sẽ bước đi tự tin hơn trên con đường mình chọn...

Đồng hành cùng con bước vào kỳ thi đại học

Đồng hành cùng con bước vào kỳ thi đại học

Tính đến đầu tháng 5.2025, hơn 25 trường đại học trên cả nước đã chính thức công bố điểm sàn xét tuyển dựa trên kết quả các kỳ thi đánh giá năng lực (ĐGNL) và đánh giá tư duy (ĐGTD).

Việc công bố sớm điểm sàn giúp thí sinh và phụ huynh chủ động hơn trong việc lựa chọn ngành học, ngôi trường phù hợp với năng lực, đam mê và điều kiện thực tế.

Giữa muôn vàn lựa chọn, mỗi con số là một tín hiệu định hướng rõ ràng, giúp gia đình cùng con vững tin xây dựng chiến lược học tập hiệu quả, tránh áp lực chạy theo số đông.

Kỳ thi ĐGNL, ĐGTD tăng quy mô - mở rộng cánh cửa đại học

Trong làn sóng đổi mới không ngừng của giáo dục đại học Việt Nam, các kỳ thi ĐGNL và ĐGTD đang ngày càng khẳng định vị thế là những “cánh cửa thứ hai” đáng tin cậy bên cạnh kỳ thi tốt nghiệp THPT truyền thống.

Đây không chỉ là sự thay đổi về hình thức tuyển sinh, mà còn là sự chuyển mình toàn diện của tư duy “lấy người học làm trung tâm”, tạo thêm cơ hội công bằng cho mọi thí sinh.

Năm 2025 đánh dấu bước phát triển đột phá của các kỳ thi riêng, được tổ chức bởi ba đơn vị chủ lực là Đại học Quốc gia Hà Nội (HSA), Đại học Quốc gia TP.HCM (APT) và Đại học Bách khoa Hà Nội (TSA), ghi nhận quy mô thí sinh dự thi đạt mức kỷ lục: Gần 30.800 thí sinh dự thi HSA trong hai đợt đầu; hơn 126.000 thí sinh thử sức với APT và khoảng 40.000 thí sinh đăng ký TSA.

Điểm sàn, mức tối thiểu để nộp hồ sơ xét tuyển, đã được các trường công bố với sự phân hóa rõ nét. Đại học Ngoại thương tiếp tục khẳng định vị thế đầu tàu khối kinh tế khi đưa ra mức sàn cao nhất: 100/150 điểm với HSA, 850/1.200 điểm với APT và 60/100 điểm với TSA.

Trong khi đó, các trường như Đại học Hoa Sen, Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột... có mức điểm “mềm” hơn, mở rộng cánh cửa cho những thí sinh ở phân khúc học lực trung bình - thấp.

Sự đa dạng này mang ý nghĩa tích cực, giúp thí sinh và phụ huynh dễ dàng hơn trong việc chọn trường, chọn ngành phù hợp với năng lực, điều kiện tài chính và cả giấc mơ riêng của từng em.

Không còn những cuộc đua điểm số căng thẳng kiểu “được ăn cả, ngã về không”, ĐGNL, ĐGTD mang đến một lối đi mới - công bằng, khoa học và giàu tính nhân văn hơn.

Cấu trúc đa dạng của các bài thi, từ toán học, ngôn ngữ, khoa học xã hội đến tư duy logic, cũng tạo cơ hội cho những học sinh có tư duy toàn diện, không giỏi theo kiểu truyền thống nhưng giàu tiềm năng, tố chất phát triển.

Đó là một tín hiệu tích cực cho giáo dục Việt Nam - khi năng lực học sinh được đánh giá một cách đa chiều, sát thực tế và định hướng nghề nghiệp rõ ràng hơn.

Tuy nhiên, cùng với sự mở rộng quy mô là những bài toán mới. Đó là sự chênh lệch cơ hội giữa các vùng miền, mức độ tiếp cận thông tin không đồng đều và áp lực chi phí đối với các gia đình có hoàn cảnh khó khăn... Đây là lúc nhà trường, xã hội và chính sách cần cùng vào cuộc, để đảm bảo mọi giấc mơ vào đại học đều được tiếp lửa công bằng.

Kỳ tuyển sinh 2025 đang mở ra một hành trình chọn lối đi cho tuổi trẻ Việt. Trong hành trình ấy, từng quyết định, từng con số điểm sàn, dù cao hay thấp, cũng đều mang thông điệp rõ ràng: Khi gia đình và con cái cùng nhìn về một hướng, đại học không chỉ là đích đến - mà là khởi đầu của một tương lai đầy hy vọng.

Giữa “ma trận” thông tin tuyển sinh, điều quan trọng nhất lúc này là sự sáng suốt trong lựa chọn ngành và trường, bởi đây vừa là quyết định mang tính chiến thuật, vừa là lựa chọn mang tính chiến lược cho cả sự nghiệp phía trước.

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT 2024

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT 2024

Đừng vì trào lưu, hãy tự hiểu mình!

Điểm sàn là ngưỡng tối thiểu để nộp hồ sơ, nhưng điểm trúng tuyển thực tế, đặc biệt ở các trường top đầu hay ngành “hot”, thường cao hơn đáng kể. Đơn cử, với kỳ thi HSA, Đại học Ngoại thương yêu cầu 100/150 điểm là điểm sàn, nhưng điểm chuẩn hằng năm có thể chạm mốc 120- 130.

Tương tự, ngành Công nghệ thông tin tại Đại học Bách khoa Hà Nội có điểm chuẩn TSA dao động từ 75-80/100, vượt xa mức sàn 50-60. Vì vậy, thí sinh cần đối chiếu kết quả của mình với dữ liệu điểm sàn và tham khảo điểm chuẩn các năm trước, đồng thời lên danh sách nguyện vọng theo chiến lược “thang điểm an toàn”: Một vài ngành ở mức cao hơn khả năng (mạo hiểm hợp lý), đa số ngành phù hợp năng lực (mục tiêu chính) và một số ngành thấp hơn để đảm bảo (dự phòng).

Việc chọn ngành học không thể chỉ dựa vào điểm số hay thị hiếu nhất thời. Đó là quyết định cần gắn với năng lực thực sự, sở thích cá nhân và định hướng nghề nghiệp lâu dài.

Các kỳ thi ĐGNL và ĐGTD, với cấu trúc bài thi đa dạng từ logic, ngôn ngữ, khoa học đến tư duy phản biện, giúp thí sinh nhận diện thế mạnh của bản thân - một công cụ hữu hiệu cho lựa chọn ngành nghề.

Phụ huynh nên đồng hành chứ không áp đặt, bởi con đường đại học và sự nghiệp sau này thuộc về chính các em. Áp lực từ cha mẹ hay sự chạy theo ngành “hot” dễ khiến thí sinh rơi vào lối rẽ sai ngay từ đầu.

Nếu không đủ điểm vào các trường top như Đại học Ngoại thương, Bách khoa Hà Nội hay Y Dược TP.HCM, thì những lựa chọn khác như Đại học Hoa Sen (HSA 67/150), Đại học Công nghiệp TP.HCM (APT 600/1200) vẫn là những cánh cửa phù hợp với năng lực và điều kiện của từng em.

Trong hệ thống giáo dục đa dạng như hiện nay, giá trị của tấm bằng đại học không chỉ đến từ tên trường, mà còn phụ thuộc vào cách học, sự nỗ lực và hành trình phát triển cá nhân trong suốt quãng đời sinh viên.

Thời điểm chọn trường, chọn ngành là lúc thí sinh cần nhất sự lắng nghe, hỗ trợ và định hướng từ gia đình. Đó là những tính toán về điểm số, tài chính, chỗ ở, sự sẻ chia và tin tưởng để các em bước vào một chặng đường mới với tâm thế vững vàng.

Hành trình đại học không bắt đầu từ giảng đường, mà khởi nguồn từ chính quyết định chọn ngành, chọn trường hôm nay. Hãy để mỗi lựa chọn được xây dựng trên nền tảng của hiểu biết, định hướng rõ ràng và sự đồng hành từ cha mẹ - để tương lai các em không chỉ “đậu đại học”, mà còn chạm tới ước mơ và hạnh phúc thật sự.

HOÀNG HƯƠNG

Nguồn Văn hóa: http://baovanhoa.vn/doi-song/cha-me-dong-hanh-con-vung-buoc-134470.html