Không lạm dụng nghiên cứu khoa học để kinh doanh thương mại

Trẻ em phải được bảo vệ, không bị lợi dụng vì bất kỳ lý do nào, đặc biệt là để phục vụ mục tiêu lợi nhuận của doanh nghiệp.

Sản phẩm sữa Milo của Công ty TNHH Nestlé Việt Nam

Sản phẩm sữa Milo của Công ty TNHH Nestlé Việt Nam

Như trước đó, Báo Giáo dục và Thời đại đăng tải bài viết: “Viện Dinh Dưỡng xuất hiện trên quảng cáo sữa Nestlé Milo”, thông tin về sản phẩm sữa Milo đóng hộp uống liền của Công ty TNHH Nestlé Việt Nam (sau đây gọi tắt là Nestlé Việt Nam) lấy Viện Dinh Dưỡng đưa vào quảng cáo có đảm bảo quy định pháp luật? Bên cạnh đó, Viện Dinh Dưỡng có những căn cứ khoa học ra sao về kiểm nghiệm lâm sàng đối với sản phẩm này?

Thông tin tới báo chí, TS. BS. Nguyễn Hồng Trường – Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng cho biết, năm 2022-2023, Viện Dinh dưỡng đã hợp tác với Nestlé Việt Nam triển khai đề tài nghiên cứu khoa học “Hiệu quả giáo dục thể chất kết hợp với sử dụng sản phẩm bổ sung sữa lúa mạch NESTLÉ MILO lên tình trạng dinh dưỡng, thể lực và trí lực của học sinh tại một số trường tiểu học tỉnh Ninh Bình”.

Đề tài nghiên cứu được tiến hành từ tháng 6/2022 – 3/2023 thuộc nghiên cứu thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng tại cộng đồng trên 576 học sinh tiểu học tại Ninh Bình (300 nhóm trẻ ở nhóm can thiệp, 276 ở trẻ nhóm chứng). Thiết kế nghiên cứu là thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng tại cộng đồng nhằm đánh giá hiệu quả của giáo dục thể chất kết hợp với sử dụng sản phẩm…

Có không việc lạm dụng nghiên cứu khoa học để quảng cáo sản phẩm?

Đề tài nghiên cứu này đã được Hội đồng nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ KHCN cấp cơ sở và có kết luận: Hoạt động thể lực theo giáo án và kết hợp sử dụng sản phẩm thực phẩm bổ sung “Sữa lúa mạch Nestlé Milo” cho học sinh tiểu học không ghi nhận hiệu quả cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho học sinh sau 3 tháng nghiên cứu.

Hoạt động thể lực theo giáo án và kết hợp sử dụng sản phẩm thực phẩm bổ sung “Sữa lúa mạch Nestlé Milo” cho học sinh tiểu học góp phần cải thiện tất cả các thành tố trong tố chất thể lực như sức nhanh, sức mạnh, sức bền, độ mềm dẻo và năng lực khéo léo của học sinh tiểu học sau 3 tháng.

Hoạt động thể lực theo giáo án và kết hợp sử dụng sản phẩm thực phẩm bổ sung “Sữa lúa mạch Nestlé Milo” cho học sinh tiểu học không ghi nhận hiệu quả cải thiện tình trạng trí lực cho học sinh tiểu học sau 3 tháng nghiên cứu.

Ở góc nhìn pháp lý, luật sư Diệp Năng Bình – Đoàn luật sư TPHCM nhìn nhận, học sinh tiểu học là người chưa thành niên, thuộc nhóm đối tượng đặc biệt nhạy cảm, dễ bị tổn thương và chịu sự bảo vệ đặc biệt của pháp luật.

Theo Luật Trẻ em 2016, mọi hoạt động liên quan đến trẻ em phải đảm bảo quyền được bảo vệ về thân thể, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm và đặc biệt là quyền được tham gia một cách tự nguyện, có sự đồng thuận của cha mẹ hoặc người giám hộ hợp pháp.

Bên cạnh đó, căn cứ Nghị định số 109/2016/NĐ-CP về cấp chứng chỉ hành nghề và cấp giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, và Thông tư 45/2018 của Bộ Y tế quy định về nghiên cứu lâm sàng, nghiên cứu có sự tham gia của con người phải tuân thủ các điều kiện: Phải được Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học thẩm định, chấp thuận trước khi triển khai. Đối với nghiên cứu trên người chưa thành niên, phải có sự đồng ý của người đại diện hợp pháp (cha, mẹ hoặc người giám hộ). Sự đồng thuận của chính trẻ em, nếu các em có đủ khả năng nhận thức.

Luật sư cũng lưu ý thêm, với mục đích và tính chất thương mại của nghiên cứu, mặc dù được giới thiệu là nghiên cứu khoa học, nhưng việc sử dụng kết quả nghiên cứu để quảng cáo sản phẩm có mục tiêu thương mại có thể bị xem là lạm dụng nghiên cứu khoa học cho mục đích tiếp thị trá hình.

“Trẻ em không phải công cụ marketing, càng không phải “chuột bạch” cho các chiến dịch tiếp thị trá hình đội lốt nghiên cứu khoa học.

Trong một xã hội văn minh, trẻ em phải được bảo vệ, không bị lợi dụng vì bất kỳ lý do nào, đặc biệt là để phục vụ mục tiêu lợi nhuận của doanh nghiệp. Việc này không chỉ cần lên án, mà cần phải được xem xét theo quy định pháp luật để làm gương, bảo vệ trẻ em và giữ vững chuẩn mực đạo đức trong nghiên cứu và quảng cáo”, chuyên gia pháp lý nêu quan điểm.

 Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Hà

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Hà

Không bán rẻ đạo đức truyền thông

Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Hà (đoàn Bắc Ninh), việc tên Viện Dinh dưỡng – một cơ quan y tế uy tín trực thuộc Bộ Y tế xuất hiện trong quảng cáo sản phẩm thương mại như sữa Milo dễ khiến người tiêu dùng hiểu rằng sản phẩm đã được Bộ Y tế hoặc cơ quan chuyên môn xác nhận, chứng nhận hoặc khuyến nghị sử dụng.

Trong bối cảnh người tiêu dùng, đặc biệt là các bậc phụ huynh, thường đặt niềm tin cao vào các tổ chức y tế, việc xuất hiện tên viện trong quảng cáo có thể khiến người tiêu dùng hiểu sai sản phẩm có giá trị dinh dưỡng vượt trội hoặc có tác dụng y học đặc biệt, trong khi thực tế không có thẩm định nào khẳng định như vậy.

“Ngay cả khi Viện Dinh Dưỡng thực hiện thử nghiệm khoa học trên sản phẩm, việc trích dẫn hoặc gắn tên Viện Dinh Dưỡng vào quảng cáo mà không giải thích rõ ràng hoặc khiến người dân hiểu sai về mức độ chứng nhận đều tiềm ẩn nguy cơ vi phạm quy định pháp luật và đạo đức truyền thông”, Đại biểu Quốc hội nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Thị Hà nhìn nhận, việc đưa hình ảnh Viện Dinh dưỡng cùng với các thông tin như "được kiểm nghiệm, thử nghiệm lâm sàng trên học sinh" là hành vi dễ khiến người dân hiểu rằng sản phẩm đã được Bộ Y tế hoặc đơn vị quản lý Nhà nước xác nhận hiệu quả hoặc khuyến nghị sử dụng. Trong khi trên thực tế, không phải bất kỳ nghiên cứu nào cũng được tiến hành tại cơ sở y tế đều mang tính khuyến nghị hay có giá trị quảng bá.

Thời gian qua, trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng xuất hiện hình ảnh của một số cơ quan quản lý Nhà nước quảng cáo cùng các sản phẩm như sữa học đường, thực phẩm chức năng khiến người tiêu dùng khó phân biệt đâu là thật, đâu là giả.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Hà, đây là một vấn đề rất đáng lo ngại. Việc hình ảnh của các cơ quan quản lý Nhà nước, Viện Dinh dưỡng… hay các tổ chức trực thuộc xuất hiện bên cạnh sản phẩm thương mại như sữa học đường, thực phẩm chức năng… đều có thể gây ra sự hiểu nhầm lớn cho người sử dụng hiểu rằng các sản phẩm này đã được Nhà nước chứng nhận, bảo đảm hoặc thậm chí khuyến cáo sử dụng.

Bảo Hân

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/khong-lam-dung-nghien-cuu-khoa-hoc-de-kinh-doanh-thuong-mai-post731076.html