Có nên cấp 'chứng chỉ giao thông' cho học sinh?
Hiện nay, học sinh điều khiển xe máy điện, xe gắn máy rất phổ biến nhưng nhiều trường hợp trong số đó chưa nắm rõ các quy định, quy tắc giao thông. Điều này dẫn đến nguy cơ gây mất an toàn cho chính bản thân các cháu cũng như người tham gia giao thông khác. Tình trạng học sinh vi phạm trật tự an toàn giao thông là vấn đề đáng lo ngại. Vậy, một 'chứng chỉ giao thông' chứng nhận đủ điều kiện điều khiển phương tiện giao thông cho học sinh liệu có phải là một giải pháp cho vấn đề này?
Thực trạng đáng lo ngại
Hình ảnh học sinh THPT điều khiển xe máy điện, xe máy có dung tích xi-lanh dưới 50cm3 tham gia giao thông trên đường đã trở nên phổ biến, nhất là trước giờ học và thời điểm học sinh tan trường. Bởi, theo quy định của pháp luật hiện hành, người từ đủ 16 tuổi trở lên được điều khiển xe máy điện, gắn máy có dung tích xi-lanh từ 50cm3 mà không cần giấy phép lái xe. Điều này như một tất yếu nhằm đáp ứng nhu cầu di chuyển, chủ động của học sinh trong việc học hành.
Tuy nhiên, vì không cần có giấy phép lái xe nên vấn đề nhận thức, ý thức và kỹ năng điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông của các em đang bị bỏ ngỏ. Chuyện các em vi phạm các quy tắc về ATGT cũng đáng lo ngại. Đó là việc không đội mũ bảo hiểm, phóng nhanh vượt ẩu, lạng lách đánh võng trên đường, vượt đèn đỏ, sang đường thiếu quan sát, đi trái đường…
Trên thực tế đã xảy ra rất nhiều vụ va chạm, tai nạn giao thông liên quan đến học sinh, trong đó có những vụ việc xảy ra để lại hậu quả, mất mát to lớn.
Ông Phạm Minh Tuấn, xóm Huống Trung, xã Huống Thượng (TP. Thái Nguyên): Tôi thấy việc các cháu học sinh điều khiển xe máy điện, xe máy tham gia mà chưa được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng là điều đáng lo ngại. Con tôi vừa lái xe gây tai nạn nên tôi càng thấu hiểu điều đó.
Theo thống kê từ đầu năm đến ngày 15-11, qua tuần tra, kiểm soát, Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh) đã phát hiện, xử lý trên 840 trường hợp học sinh vi phạm trật tự ATGT. Tất cả các trường hợp này đơn vị đều gửi thông báo đến gia đình, trường học. Trong khi đó, lực lượng chức năng toàn tỉnh phát hiện 4.352 trường hợp học sinh vi phạm trật tự ATGT, tạm giữ trên 1.820 xe mô tô và 1.498 xe máy điện.
Riêng trong tháng cao điểm tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp thanh thiếu niên, học sinh vi phạm quy định của pháp luật về trật tự ATGT (tháng 10-2024), lực lượng chức năng toàn tỉnh đã phát hiện 4.073 hành vi vi phạm, lập biên bản xử lý 2.613 trường hợp là học sinh, phạt tiền trên 530 triệu đồng; tạm giữ 766 xe mô tô và 1.328 phương tiện khác. Hành vi vi phạm của các em học sinh chủ yếu là chưa đủ tuổi điều khiển xe mô tô, xe máy, không đội mũ bảo hiểm…
Từ đầu năm 2024 đến ngày 15-11, toàn tỉnh xảy ra 618 vụ tai nạn giao thông làm chết 101 người, bị thương 613 người, thiệt hại tài sản trên 6,9 tỷ đồng. Trong đó, xảy ra 122 vụ tai nạn giao thông liên quan đến lứa tuổi học sinh, làm chết 6 người, bị thương 106 người.
Một trong những điều đáng lo ngại là học sinh do thiếu hiểu biết pháp luật, thiếu kỹ năng xử lý tình huống trên đường hoặc khi bị lực lượng chức năng phát hiện, yêu cầu dừng xe để xử lý. Thậm chí có trường hợp còn có biểu hiện chống đối, không chấp hành hiệu lệnh.
Điển hình là vụ việc xảy ra ngày 11-10, tại huyện Định Hóa. Đó là trường hợp của nam sinh lớp 11 đang học tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện, điều khiển xe máy lao xe vào Cảnh sát giao thông, khiến một chiến sĩ công an ngã, bị thương.
Tất nhiên, nam sinh này đã bị xử lý theo quy định của pháp luật. Nhưng qua đó cho thấy sự hiểu biết về luật pháp và kỹ năng xử lý tình huống của nam sinh này là rất hạn chế, gây nguy hiểm cho chính mình và người khác.
Một ví dụ khác là vụ việc nhóm thanh, thiếu niên (gồm 25 nam, nữ sinh) tụ tập chở nhau trên khoảng 12, 13 xe máy, rồi tăng ga lạng lách, đánh võng, vượt đèn đỏ, đi tốc độ cao qua các trục đường chính ở trung tâm TP. Thái Nguyên vào tháng 2-2024, gây tai nạn trên đường Lương Ngọc Quyến khiến 1 người bị thương nặng. Nhóm thanh niên này không chỉ bị xử lý hành chính liên quan đến vi phạm trật tự ATGT mà còn bị truy tố về tội gây rối trật tự công cộng.
Chứng chỉ liệu có là một giải pháp?
Có thể thấy, thực trạng và những nguy cơ tiềm ẩn đối với học sinh THPT điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông là điều khiến xã hội không khỏi băn khoăn, lo lắng. Khách quan mà nói, những năm qua, các cấp, ngành chức năng đã thường xuyên phối hợp với các trường học tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về ATGT.
Không những vậy, các cơ quan chức năng và trường học, gia đình đã ký cam kết về việc chấp hành, không vi phạm trật tự ATGT của học sinh.
Tuy nhiên, đây cơ bản là phương pháp tuyên truyền một chiều. Còn việc học sinh tiếp thu được đến đâu, trang bị cho mình kỹ năng gì khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông thì chưa có sự đánh giá, kiểm chứng.
Về vấn đề này, Thiếu tá Nguyễn Đắc Thái Anh, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh), cùng quan điểm: Việc tổ chức tuyên truyền hay mở các lớp đào tạo, hướng dẫn về lý thuyết, kỹ năng lái xe khi tham gia giao thông cho các em học sinh cần được đánh giá, nhận xét là điều cần thiết. Qua đó, chúng ta có thể biết được điều đọng lại trong các em là những gì, thể hiện ra sao, từ đó giúp các em nâng cao nhận thức, tham gia giao thông an toán hơn.
Em Vũ Hoàng Cường, học sinh lớp 11A7, Trường THPT Dương Tự Minh: Em thấy việc tham gia một khóa học về ATGT là cần thiết với mỗi học sinh. Chúng em sẽ được trang bị thêm những kiến thức, kỹ năng để tham gia giao thông thêm an toàn.
Trên thực tế, việc tham gia giao thông an toàn không cần nhiều kỹ năng phức tạp. Đó đơn giản là việc điều khiển phương tiện đúng tốc độ, đội mũ bảo hiểm đúng cách, đi đúng phần đường, quan sát khi chuyển hướng, tránh điểm mù của xe khách, xe tải, biết dự đoán hoặc tránh những tình huống có thể gây nguy hiểm…
Theo chúng tôi, có thể coi kiến thức, kỹ năng về ATGT như một môn học, có giảng bài, học bài và cần có sự kiểm tra đánh giá. Nói như vậy không có nghĩa là một yêu cầu cứng, bắt buộc bởi hiện nay pháp luật chưa quy định nhưng rõ ràng đây là một kỹ năng quan trọng cho sự an toàn của học sinh, tránh được những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra.
Theo thầy giáo Mai Phúc Toàn, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Đào Duy Từ (TP. Thái Nguyên), việc mở những lớp ngắn hạn, cơ bản không cần ở trình độ như giấy phép lái xe hạng A1 mà chỉ đào tạo, hướng dẫn cho học sinh hiểu biết về luật, kỹ năng điều khiển phương tiện an toàn và xử lý tình huống đơn giản khi tham gia giao thông… là cần thiết và có ý nghĩa. Điều này giúp cho việc tham gia giao thông an toàn cho học sinh.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, cũng tham khảo ý kiến của đại diện các cấp, ngành chuyên môn có liên quan, việc mở những khóa đào tạo, hướng dẫn, cung cấp kiến thức, kỹ năng lái xe an toàn cơ bản cũng như tổ chức kiểm tra, đánh giá cho học sinh không mất quá nhiều thời gian, có thể chỉ trong khoảng 1-2 ngày là có thể hoàn thành.
Tất nhiên, để làm được điều này cần sự quan tâm vào cuộc phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường và gia đình và các cơ quan chức năng có thẩm quyền. Sau khi các em được tuyên truyền, hướng dẫn thực hành và kiểm tra đánh giá đạt có thể được cấp giấy chứng nhận hoặc chứng chỉ đủ điều kiện lái xe tham gia giao thông.
Ông Trần Văn Long, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải, Phó Trưởng Ban ATGT tỉnh: Để đảm bảo an toàn, các bậc phụ huynh không nên giao phương tiện cho các cháu khi con em mình chưa đủ điều kiện để tham gia giao thông theo quy định của pháp luật...
Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ (có hiệu lực từ 1/1/2025) có nhiều điểm mới. Trong đó đáng chú ý là việc quy định giáo dục kiến thức pháp luật về trật tự ATGT đường bộ trong các cơ sở giáo dục nhằm trang bị, nâng cao kiến thức và kỹ năng tham gia giao thông, ý thức chấp hành pháp luật về trật tự ATGT.
Luật chưa quy định về giấy phép lái xe đối với người điều khiển xe máy điện, xe máy dưới 50cm3. Tuy nhiên, trước thực tế đang diễn ra thì việc đánh giá, kiểm chứng kiến thức pháp luật về giao thông, kỹ năng lái xe và tham gia giao thông an toàn (nhất đối với học sinh từ 16-18 tuổi) là vấn đề cần được các cấp, ngành chức năng nghiên cứu, đánh giá một cách nghiêm túc.
Đề xuất của đại diện các cơ quan chức năng
Theo tiến sĩ Trần Hữu Minh, Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia: Để học sinh hiểu biết quy tắc giao thông và có kỹ năng lái xe, nhóm trẻ từ 16 đến 18 tuổi nên được kiểm tra lý thuyết và cấp chứng chỉ giấy phép lái xe. Nhà trường có thể kết hợp với Cảnh sát giao thông, cơ sở đào tạo tổ chức thi, cơ quan chức năng để ban hành tài liệu hướng dẫn cơ bản để gia đình tham khảo, hướng dẫn trẻ và nhà trường tổ chức thi.
Luật sư Trương Thị Hòa, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn dân chủ và Pháp luật, Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hồ Chí Minh, đề xuất: Nên có lộ trình để thực hiện, có thể khi luật được thông qua thì sẽ có hiệu lực chậm hơn để tổ chức việc học, tránh áp lực cho người học và quá tải cho đơn vị giảng dạy, đào tạo. Ngoài ra nên quan tâm đến tất cả các phí liên quan đến việc đào tạo, cấp giấy phép lái xe...
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, cho rằng: Cơ quan quản lý nhà nước cần nghiên cứu sâu hơn, đánh giá cụ thể hơn đề xuất này để tránh gây tốn kém thời gian, công sức, tiền bạc. Theo quy định của pháp luật, từ 16 đến dưới 18 tuổi là lứa tuổi chưa có đầy đủ năng lực, hành vi trách nhiệm. Nếu quy định phải đào tạo, sát hạch rồi cấp giấy phép lái xe cho nhóm đối tượng này thì cơ quan quản lý nhà nước phải nghiên cứu thêm bởi đòi hỏi đầu tư công sức, nguồn nhân lực và kinh phí không nhỏ.