Có nên đánh thuế người độc thân?
Nhóm ủng hộ đánh thuế người độc thân đưa ra 2 lập luận. Một là họ nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết để bảo vệ sự tồn tại của quốc gia. Hai là họ lo lắng người độc thân sẽ trở thành gánh nặng cho cộng đồng lúc về già.
Sau khi đăng tải loạt bài về tỷ lệ sinh giảm và câu chuyện áp lực sinh thêm con của nhiều người trẻ ở Việt Nam, VietNamNet nhận được không ít ý kiến của độc giả cho rằng, “nên đánh thuế người độc thân” để khuyến khích sinh con. Tuy nhiên, cũng nhiều người lên tiếng phản đối mạnh mẽ ý kiến này.
Anh Minh Khang – người kinh doanh tự do ở Hà Nội - lập luận: “Người trẻ không muốn kết hôn, sinh con là vì cuộc sống quá tốn kém khi phải nuôi một đứa trẻ. Người ta khó khăn quá mới không dám kết hôn. Bạn còn bắt người ta phải đóng thuế?”.
Anh Khang cho rằng, đề xuất này là thiếu nhân đạo với người độc thân nếu nó được phê duyệt và đi vào thực tế.
Đồng quan điểm, chị Minh Châu – một nhân viên văn phòng ở Hà Nội - than: “Đừng nhắc đến việc đóng thêm thuế nữa! Lương tôi 12 triệu còn đang chưa đủ sống, giờ lại còn thuế độc thân thì làm sao chịu nổi!
Hãy nhìn nhận khách quan và công bằng. Đừng vì lo cho thế hệ tương lai mà gây khó khăn cho thế hệ hiện tại, bạn thấy có bất công không?”.
Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, anh Lê Văn Hùng – một công chức ở Hà Nội - nói, trong cuộc sống hiện đại, tình trạng độc thân có thể do 2 nguyên nhân. Một là kinh tế khó khăn đến mức không dám kết hôn, hoặc kết hôn mà không dám sinh con. Nguyên nhân thứ 2 là do chưa tìm được người phù hợp để chung sống.
“Nếu cứ áp dụng đổ đồng đánh thuế tất cả những người độc thân là không công bằng. Chẳng có ai vì bị đánh thuế mà yêu gấp, cưới vội. Thế nên, giải pháp này sẽ không mang lại hiệu quả trong việc khuyến khích sinh đẻ”.
Anh Đỗ Tiến Mạnh (Hải Phòng) cũng cho rằng việc đánh thuế người độc thân nhằm mục đích khuyến khích sinh đẻ là không công bằng và không mang lại hiệu quả.
“Nuôi một đứa trẻ ở thành thị trung bình mỗi tháng tốn 5-10 triệu đồng. Người ta sẽ không vì vài trăm nghìn tiền thuế mà đảo ngược quyết định sinh con. Vả lại, phương án gây áp lực về tài chính để bắt người dân sinh con, theo tôi là một cách xử lý ngược.
Để giải quyết được bài toán này cần cả hệ thống giáo dục, y tế, an sinh xã hội… vào cuộc, thay đổi để nâng cao đời sống người dân, giảm các chi phí ăn học, khám chữa bệnh, vui chơi, giải trí… Người dân chỉ yên tâm nuôi một đứa trẻ khi thu nhập của họ đủ để chi trả cho các chi phí vui chơi, ăn uống, học tập của con cái.
Xây thêm trường học, bệnh viện, công viên, sửa sang, nâng cấp hệ thống giao thông, đô thị… là những thứ thiết thực nhất mà người dân cần để nuôi một đứa trẻ. Những giải pháp bên ngoài như thưởng, phạt chỉ mang tính phụ trợ mà thôi!”.
Chị Mai Nga, một nhân viên kinh doanh còn độc thân ở Hà Nội, thì chia sẻ chị không quan tâm nhiều đến việc này, trừ khi mức thuế bị đánh quá cao.
“Thực tế, chúng tôi vẫn còn độc thân vì nhiều lý do – người thì chưa tìm được bạn đời phù hợp, người thì sợ trách nhiệm làm mẹ, làm vợ, người muốn tập trung cho sự nghiệp... Việc đánh thuế để khuyến khích chúng tôi sinh con sẽ chẳng có tác dụng gì vì so với chi phí nuôi con, vài trăm nghìn tiền thuế cũng chỉ là một con số nhỏ”.
Ngoài ra, chị Nga cho rằng, thực ra người độc thân ở Việt Nam cũng đã phải đóng thuế “gián tiếp”. Bởi vì những người phải nuôi con và bố mẹ già bao giờ cũng được áp dụng chính sách “giảm trừ gia cảnh” khi đóng thuế. “So với những người có con, chúng tôi đã phải đóng mức cao hơn rồi”.
Hàn Quốc – quốc gia có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới (0,78) từng đưa ra đề xuất “đánh thuế người độc thân”. Ngay lập tức, đề xuất này đã nhận được sự chỉ trích dữ dội từ cộng đồng. Tuy nhiên, trong một cuộc khảo sát với hơn 4.000 người trong độ tuổi 20-50, 21% ủng hộ đánh thuế người chưa lập gia đình hoặc người không sinh con.
Nhóm ủng hộ đánh thuế người độc thân đưa ra 2 lập luận. Một là họ nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết để bảo vệ sự tồn tại của quốc gia. Hai là họ lo lắng người độc thân sẽ trở thành gánh nặng cho cộng đồng lúc về già.
Trước nguy cơ thiếu nguồn lao động trầm trọng trong tương lai, Chính phủ Hàn Quốc cũng nỗ lực đưa ra các giải pháp thiết thực hơn như tăng trợ cấp hàng tháng cho cha mẹ có con nhỏ dưới 1 tuổi lên 700.000 won (gần 13 triệu đồng), và dự kiến tiếp tục tăng lên 1 triệu won vào năm 2024.
Cùng với đó, các đề xuất tăng lương, tăng giờ nghỉ làm để chăm sóc con cũng đang được thảo luận.
Không chỉ ở Hàn Quốc, ở Mỹ, người độc thân cũng chịu thiệt thòi khi phải trả thêm khoản thuế nếu đi thuê căn hộ một phòng ngủ và chỉ sống một mình. Mức “thuế độc thân” này sẽ dao động tùy thuộc vào nơi cư trú nhưng nhìn chung đều rất cao.
Một cuộc khảo sát khác của Forbes chỉ ra: Có tới 93% người Mỹ độc thân cảm thấy áp lực trước loại thuế này. 30% trong số những người được hỏi thừa nhận, họ phải cố gắng duy trì mối quan hệ yêu đương lâu hơn một phần vì lợi ích tài chính.
Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/co-nen-danh-thue-nguoi-doc-than-2236855.html