Có nên dự kiến phát triển điện hạt nhân?

Có nên bổ sung dự kiến phát triển điện hạt nhân vào Quy hoạch tổng thể quốc gia hay không? Các chuyên gia có quan điểm khác nhau về vấn đề này.

“Chưa thể thay thế điện hạt nhân”

Dự thảo báo cáo tổng hợp Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 (gọi tắt là Quy hoạch tổng thể quốc gia) đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư lấy ý kiến, trong đó đặt ra định hướng và tổ chức không gian phát triển các ngành, lĩnh vực.

Cần xem xét kỹ lưỡng việc có nên bổ sung dự kiến phát triển điện hạt nhân vào Quy hoạch tổng thể quốc gia. Nguồn ITN

Cần xem xét kỹ lưỡng việc có nên bổ sung dự kiến phát triển điện hạt nhân vào Quy hoạch tổng thể quốc gia. Nguồn ITN

Cụ thể, theo dự thảo, đối với hạ tầng năng lượng chia làm 3 phân ngành gồm: phân ngành điện lực và năng lượng tái tạo (nhiệt điện than, nhiệt điện khí; năng lượng mới và năng lượng tái tạo gồm điện gió, điện mặt trời, các loại năng lượng tái tạo khác, thủy điện, năng lượng tái tạo cho sản xuất nhiệt và mục đích khác); phân ngành dầu khí; phân ngành than.

Theo TS. Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Quy hoạch tổng thể quốc gia cần bổ sung vào định hướng phát triển hạ tầng năng lượng về dự kiến phát triển điện hạt nhân. Bởi lẽ trong giai đoạn 2021 - 2030 chắc chắn chưa có công nghệ sản xuất điện nào thay thế được điện hạt nhân, trong khi các nguồn năng lượng khác đã gần cạn kiệt. Thêm nữa, Việt Nam đã cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 (COP-26). "Có định hướng phát triển điện hạt nhân mới có thể đầu tư cho đào tạo chuyên gia công nghệ và an toàn hạt nhân, quá trình này mất nhiều thời gian trước khi khởi động lại dự án điện hạt nhân", ông nói.

Quan điểm này nhận được sự đồng tình của GS. Trần Đình Long, Trưởng ban Khoa học công nghệ, Hội Điện lực Việt Nam. Theo ông Long, điện hạt nhân là dạng năng lượng sạch, tiềm năng cũng rất lớn, bảo đảm khả năng phát điện ổn định. Vấn đề môi trường từng là mối lo ngại thì hiện ngày càng được cải thiện nhờ sự phát triển của công nghệ. “Rất nhiều nước, kể cả các nước đang phát triển cũng đều xem xét khả năng của loại năng lượng này trong cân bằng năng lượng quốc gia”.

Cũng theo ông Long, Quy hoạch tổng thể quốc gia xác định tầm nhìn đến năm 2050 là khoảng thời gian tương đối xa và có thể có những thành tựu về khoa học công nghệ mới. Do đó, Ban soạn thảo cần xem xét một cách toàn diện trên cơ sở xác định cân bằng năng lượng nhiên liệu đến năm 2050. “Cần xem xét khả năng xuất hiện của điện hạt nhân vào lúc nào, công suất bao nhiêu, trình tự ra sao để có sự chuẩn bị”, GS. Trần Đình Long đề xuất.

Hai lý do chưa nên bổ sung điện hạt nhân

Trái lại, TS. Đoàn Văn Bình, Viện trưởng Viện Khoa học năng lượng chưa đồng tình bổ sung dự kiến phát triển điện hạt nhân vào Quy hoạch tổng thể quốc gia, bởi hai lẽ.

Thứ nhất, Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11.2.2020 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 không đề cập đến phát triển điện hạt nhân. Nghị quyết chỉ nêu: Sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực đã được đào tạo về năng lượng hạt nhân đi đôi với đào tạo nâng cao; khẩn trương triển khai các cam kết quốc tế trong việc nghiên cứu ứng dụng năng lượng hạt nhân cho mục đích hòa bình. “Quy hoạch tổng thể quốc gia phải tuân thủ theo chủ trương, đường lối của Đảng”, ông Bình nhấn mạnh.

Thứ hai, điện hạt nhân có lợi thế phát điện ổn định, chạy nền công suất cao, vấn đề an toàn được bảo đảm. Song, “quan trọng nhất là nó đắt”. Hiện, giá thành sản xuất 1kWh có thể lên tới 18,9 cent, trong khi điện gió ngoài khơi chỉ có 12 - 13 cent. “Trong dự thảo Quy hoạch điện VIII đã tính đến kịch bản có điện hạt nhân rồi nhưng vì nó đắt nên kịch bản đó không được lựa chọn. Thêm nữa, trong vòng 10 - 15 năm nữa, nếu Việt Nam muốn làm điện hạt nhân thì hoàn toàn phải nhập khẩu, từ thiết kế, chế tạo thiết bị, xây dựng, vận hành, trong khi các nước có lợi thế về điện hạt nhân mà Việt Nam có thể nhập khẩu lại nhạy cảm về mặt chính trị”, ông Bình chỉ rõ.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang trong quá trình xây dựng Quy hoạch tổng thể quốc gia. Việc có nên bổ sung dự kiến phát triển điện hạt nhân vào quy hoạch cần được Ban soạn thảo nghiên cứu, xem xét kỹ lưỡng, trên cơ sở tham vấn ý kiến rộng rãi, huy động sự tham gia của các nhà khoa học, chuyên gia trước khi đưa ra quyết định.

Chưa thuyết phục

Một trong những nhiệm vụ, giải pháp được Nghị quyết số 55-NQ/TW nêu ra là phải hình thành và phát triển một số trung tâm năng lượng tái tạo tại các vùng và các địa phương có lợi thế. Trong dự thảo Quy hoạch điện VIII nêu quan điểm của Chính phủ là hạn chế không truyền tải điện từ vùng này sang vùng khác.

Từ căn cứ đó, nhìn sang dự thảo báo cáo tổng hợp Quy hoạch tổng thể quốc gia thấy bộc lộ một số điểm thiếu thuyết phục.

Cụ thể, theo dự thảo, định hướng phân bố không gian phát triển đối với công nghiệp năng lượng tái tạo là sẽ hình thành vành đai công nghiệp năng lượng tái tạo lớn của cả nước ở một số khu vực như: ven biển Nam Trung Bộ từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận; khu vực ven biển Tây Nam Bộ tập trung ở Sóc Trăng - Bạc Liêu - Cà Mau; Bắc Trung Bộ từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị; Tây Nguyên tập trung ở Đắk Lắk - Đắk Nông - Gia Lai.

Ở một số vùng, điển hình như ven biển Nam Trung Bộ từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận hay Đắk Lắk - Đắk Nông - Gia Lai, phụ tải điện rất thấp nhưng không thấy bố trí không gian công nghiệp, vậy phát triển năng lượng tái tạo ở đây rồi bán điện đi đâu? Nếu chỉ phát triển công nghiệp năng lượng tái tạo ở những vùng đó rồi phát lên lưới là bị tắc nghẽn truyền tải, mà phải làm đồng bộ là kéo phụ tải, kéo khu công nghiệp, cụm công nghiệp, kéo hạ tầng xã hội về đó để tiêu thụ năng lượng tại chỗ mới hiệu quả: vừa tận dụng được năng lượng tốt, giá rẻ vừa giảm mật độ phát triển ở khu đô thị. Tiếc là dự thảo báo cáo Quy hoạch tổng thể quốc gia không thể hiện được điều này.

Mặt khác, đến năm 2030 và giai đoạn 2031 - 2045, nhu cầu điện ở miền Bắc rất lớn, đặc biệt ở vùng kinh tế trọng điểm Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và đã có sẵn phụ tải. Tuy nhiên, dự thảo báo cáo tổng hợp Quy hoạch tổng thể quốc gia lại không đề cập năng lượng tái tạo ở vùng này, trong khi có tiềm năng về điện gió ngoài khơi khá lớn và thực tế các tỉnh ven biển Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình đã đề xuất hàng chục GW điện gió ngoài khơi.

Ngoài ra, ở những điểm giao giữa hành lang kinh tế Đông - Tây với trục Bắc - Nam mà có điều kiện phát triển năng lượng tái tạo cũng cần xem xét phát triển, kéo khu công nghiệp về các điểm giao đó.

Quy hoạch tổng thể quốc gia cần xem xét kỹ lưỡng các vấn đề này để bảo đảm cho sự phát triển đất nước, đúng theo định hướng, chủ trương của Đảng và Nhà nước.

TS. Đoàn Văn Bình, Viện trưởng Viện Khoa học năng lượng

Đan Thanh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-xa-hoi/co-nen-du-kien-phat-trien-dien-hat-nhan-i296398/