Có nên duy trì trường chuyên ?

Cuối tháng 1.2022, Bộ GD&ĐT tổng kết Đề án phát triển hệ thống trường THPT chuyên giai đoạn 2010-2020. Đây là hội nghị lớn nhất của Bộ GD&ĐT để bàn về loại hình trường chuyên trong vòng mười năm qua. Một vấn đề không mới nhưng luôn gây ý kiến trái chiều: bỏ hay giữ loại hình trường chuyên? Ngay khi Bộ GD&ĐT nêu quyết tâm giữ lại loại hình trường này, vẫn còn nhiều ý kiến nhìn nhận: trường chuyên không còn phù hợp.

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2021 tại Trường THPT chuyên Hoàng Lê Kha

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2021 tại Trường THPT chuyên Hoàng Lê Kha

VAI TRÒ TIÊN PHONG

Đánh giá vai trò, nhiệm vụ, vị trí của trường chuyên, Bộ GD&ĐT nhìn nhận, năm 2010, cả nước có 68 trường chuyên, năm 2020 tăng lên 77 trường. Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có ít nhất một trường chuyên, có nơi 2 trường chuyên, phù hợp với mục tiêu phát triển của địa phương. Tổng số học sinh chuyên chiếm khoảng 2,7% số học sinh THPT trên toàn quốc. Các trường chuyên được đầu tư nâng cấp thành các trường đạt chuẩn quốc gia, từ 21 trường năm 2010 lên 60 trường chuẩn năm 2020 và có chất lượng giáo dục cao. Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho việc dạy học của các trường chuyên từng bước được tăng cường, như thiết bị dạy học môn chuyên phục vụ cho giảng dạy, bồi dưỡng học sinh năng khiếu. Đã có 15 trường trọng điểm quốc gia phát triển, trở thành hình mẫu của các vùng.

Các tỉnh đều có quy định về chính sách đặc thù để thu hút giáo viên về dạy trường chuyên, bảo đảm số lượng, hợp lý về cơ cấu và đạt mức cao của chuẩn nghề nghiệp; tăng cường đầu tư kinh phí cho việc bồi dưỡng, phát triển chuyên môn, nghiệp vụ, tin học, ngoại ngữ cho đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý trường chuyên.

Chất lượng giáo dục trong các trường chuyên có chuyển biến tích cực. Các trường chủ động, linh hoạt xây dựng kế hoạch trên cơ sở chương trình giáo dục phổ thông phù hợp với điều kiện và mục tiêu của từng trường nhằm thực hiện giáo dục toàn diện và phát huy cao nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của từng học sinh, qua đó dần tiếp cận với chương trình giáo dục hiện đại trong khu vực và trên thế giới… Trường chuyên đã tạo ra được một môi trường học tập năng động, sáng tạo, chủ động, tích cực cho cả học sinh, giáo viên và cán bộ quản lý. Chất lượng giáo dục đại trà được cải thiện. Tỷ lệ học sinh giỏi của trường chuyên trong cả nước tăng dần qua các năm. Đối với giáo dục mũi nhọn, trong các năm gần đây, số lượng, chất lượng giải quốc tế của học sinh Việt Nam có được sự chuyển biến rất tích cực. Năm 2020, 24/24 thí sinh Việt Nam tham dự các kỳ thi quốc tế đều đoạt giải; trong đó có 9 huy chương vàng, 8 huy chương bạc, 5 huy chương đồng và 2 bằng khen.

“Vẫn duy trì trường chuyên nhưng phải nâng cao chất lượng của loại hình trường này. Thời gian qua, một số tỉnh có trường chuyên xuất hiện dấu hiệu đào tạo chạy theo mũi nhọn, không đáp ứng được mục tiêu, sứ mệnh của trường chuyên. Đào tạo học sinh giỏi chỉ là một mảng của trường chuyên”- ông Ngô Khắc Đức, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường THPT chuyên Hoàng Lê Kha cho biết.

Mặc dù loại hình hoạt động của trường chuyên trong 10 năm qua khẳng định được phần nào vị trí là hình mẫu để có thể nhân rộng về chất lượng giáo dục tại các trường phổ thông khác, hệ thống trường chuyên vẫn bộc lộ một số hạn chế. Một số tỉnh chưa đạt mục tiêu về quy mô học sinh. Tỷ lệ trường chuyên chưa đạt chuẩn quốc gia còn khá cao. Trình độ ngoại ngữ của giáo viên chuyên và cán bộ quản lý hiện nay chưa thể đáp ứng và theo kịp với tốc độ hội nhập quốc tế.

Ở một số nơi vẫn coi nặng việc tổ chức bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi, chưa tăng cường cho học sinh các kỹ năng thực hành, thí nghiệm, nghiên cứu khoa học và kỹ năng mềm khác. Các chương trình tiên tiến của nước ngoài để đưa vào nhà trường tham khảo còn khiêm tốn. Việc tổ chức dạy học thí điểm các môn khoa học bằng tiếng Anh hạn chế. Liên thông giữa trường chuyên và đại học chưa sâu rộng.

KHÔNG CHẠY THEO THÀNH TÍCH

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn nhận định: Đề án “Phát triển hệ thống trường THPT chuyên giai đoạn 2010-2020” ban hành kèm theo Quyết định số 959/QĐ-TTg ngày 22.6.2010 của Thủ tướng Chính phủ đã hoàn thành được các mục tiêu đề ra, mang lại những kết quả tốt đẹp, đóng góp quan trọng vào phát triển giáo dục của đất nước, nhất là giáo dục phổ thông. Đề án đã có tác động điều chỉnh về nhận thức của xã hội đối với hệ thống trường chuyên và việc bồi dưỡng nhân tài. Quá trình thực hiện Đề án cũng là quá trình lãnh đạo các địa phương quan tâm hơn đến công tác bồi dưỡng nhân tài, gia tăng chất lượng đào tạo tại địa phương thông qua đầu tư phát triển hệ thống trường chuyên.

Hệ thống cơ sở vật chất trường chuyên đã có những thay đổi đáng kể, một số trường chuyên của các địa phương được đầu tư hàng trăm tỷ đồng, nhiều trường đạt chuẩn quốc gia, khu vực. Đề án trường chuyên còn là “cú hích” để các địa phương, đơn vị đầu tư xây dựng, phát triển đội ngũ nhà giáo, góp phần gia tăng chất lượng đội ngũ không chỉ cho trường chuyên mà còn cho hệ thống giáo dục phổ thông nói chung.

Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn, phát hiện, bồi dưỡng nhân tài và để nuôi dưỡng được nhân tài cần phương pháp phù hợp, trong đó cần phát huy được năng lực tự học của học sinh, khích lệ để tài năng tỏa sáng. Trong sự phát triển trường chuyên, ngoài cơ sở vật chất, cần lưu ý phương pháp giảng dạy phù hợp cho hệ thống này.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, học sinh các trường chuyên đạt được nhiều kết quả trong các kỳ thi quốc gia, quốc tế, là nguồn tuyển rất tốt cho bậc đại học cũng như nhân lực chất lượng cao. “Đề án Phát triển hệ thống trường THPT chuyên giai đoạn 2010-2020 đã trở thành “cú hích”, đóng góp chung vào sự nghiệp đổi mới giáo dục đào tạo, mà trực tiếp nhất là giáo dục phổ thông”- Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói. Ông nhìn nhận, cần tiếp tục phát triển trường chuyên trong đổi mới giáo dục và đào tạo nói chung; củng cố, phát huy tính tiên phong, mũi nhọn của hệ thống trường chuyên, vai trò của trường chuyên không chỉ cho trường chuyên và cần lan tỏa trong hệ thống, đặc biệt là về phương pháp, cách thức tổ chức và khoa học giáo dục.

“Một số trường chuyên hiện nay đạt đến đào tạo nhân tài với quan điểm, phương pháp phù hợp, nhưng một phần vẫn đang dừng ở mức là trường chất lượng cao và trường chọn mà chưa phải trường chuyên. Cần tránh quan điểm coi trường chuyên là để có học sinh giỏi, có các giải thưởng, huân chương, huy chương… mà phải có quan điểm đúng về phương diện đào tạo, bồi dưỡng nhân tài và lấy đó làm trọng tâm trong phát triển”- báo chí dẫn lời Bộ trưởng.

Đào tạo chuyên cần theo hướng toàn diện, không thiên lệch, đào tạo không phải vì tấm huy chương, mà trước hết vì chính con người họ, đó cũng là nền tảng để có nhân lực chất lượng cao. Quyết không chạy theo thành tích, ứng thí, huân chương, huy chương, câu chuyện học thật, thi thật, nhân tài thật triển khai đầu tiên phải là ở các trường THPT chuyên. Người đứng đầu Bộ GD&ĐT lưu ý, đầu tư lớn cho hệ thống trường chuyên nhưng không vì thế không lưu ý đến giáo dục phổ thông và chính sách bình đẳng trong giáo dục. “Không nên quá đầu tư cho hệ thống trường chuyên mà quên hệ thống trường khác. Đành rằng trong điều kiện khó khăn phải đầu tư tập trung nhưng bên cạnh trường chuyên được đầu tư lộng lẫy là nhóm trường khác còn chưa được kiên cố hóa thì thực sự phản cảm. Phát triển nhóm trên nhưng phải nâng đỡ nhóm dưới một cách hài hòa”- Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu.

Xác định trường chuyên là môi trường áp dụng các phương pháp giáo dục đặc biệt, do đó, Bộ trưởng bày tỏ sự cổ vũ với phương pháp giáo dục cá thể hóa. Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, phát hiện, bồi dưỡng nhân tài và để nuôi dưỡng được nhân tài cần phương pháp phù hợp, trong đó cần phát huy được năng lực tự học của học sinh, khích lệ để tài năng tỏa sáng. Trong sự phát triển trường chuyên, ngoài cơ sở vật chất, ngoài đầu tư, cần lưu ý phương pháp phù hợp cho hệ thống này.

NHIỀU Ý KIẾN TRÁI CHIỀU

Bộ GD&ĐT cũng chỉ ra 3 hạn chế của trường chuyên hiện nay. Trước tiên, việc xây dựng các trường chuyên có cơ sở vật chất, trang thiết bị đồng bộ và hiện đại, có chất lượng giáo dục ngang tầm với các trường trung học tiên tiến trong khu vực, quốc tế chưa được triển khai ở nhiều địa phương. Một số trường chuyên chưa thực sự phát huy được vai trò đi đầu trong việc đổi mới tổ chức và quản lý hoạt động dạy học, quản lý nhà trường; chưa chứng tỏ được vai trò hình mẫu của các trường THPT về cơ sở vật chất, đội ngũ nhà giáo và tổ chức các hoạt động giáo dục. Việc huy động các nguồn lực từ hợp tác quốc tế, thu hút đầu tư nước ngoài vào giáo dục để xây dựng cơ sở vật chất, tăng cường phương tiện, trang thiết bị dạy học hiện đại; việc hợp tác, liên kết với cơ sở giáo dục nước ngoài về xây dựng chương trình, bồi dưỡng giáo viên vẫn còn khiêm tốn.

Từ lâu, có nhiều ý kiến nhìn nhận, hệ thống trường chuyên ban đầu có vai trò to lớn trong việc đào tạo đội ngũ học sinh giỏi. Phần lớn những nhà khoa học, kỹ sư tài năng đều học trường THPT chuyên. Nhưng cũng như tình hình chung của giáo dục phổ thông, hệ thống trường chuyên về sau chỉ lo đào tạo học sinh giỏi để đi thi. Nhà trường căn cứ vào thành tích thi cử của học sinh để… báo cáo thành tích đào tạo. Trong tám môn học cơ bản (thuộc hai khối tự nhiên và xã hội), mỗi trường chuyên sẽ có một hoặc hai lớp dành cho các môn chuyên. Nhưng thực tế, nhiều trường chuyên phải “đóng cửa” một số môn chuyên vì tuyển sinh không được.

Việt Đông

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/co-nen-duy-tri-truong-chuyen--a141835.html