Có nên gộp taxi truyền thống và taxi công nghệ?
Bộ GTVT vừa trình Chính phủ dự thảo Luật Giao thông Đường bộ (GTĐB) sửa đổi, trong đó, nội dung đáng chú ý, loại hình xe hợp đồng điện tử dưới 9 chỗ, hay còn gọi là taxi công nghệ, sẽ được gộp chung với taxi truyền thống thành taxi.
Taxi công nghệ phải dán nhận diện phương tiện
Theo đại diện Vụ Vận tải (Bộ GTVT), về bản chất, xe hợp đồng điện tử dưới 9 chỗ và xe taxi cùng chở khách, cùng tính theo km nhưng lại chịu hai điều kiện quản lý khác nhau là không hợp lý, không công bằng. Vì vậy, trong dự thảo Luật GTĐB sửa đổi vừa được trình Chính phủ, Bộ GTVT dự kiến gom tất cả xe dưới 9 chỗ lại thành loại hình xe taxi.
Nếu được thông qua, taxi công nghệ sẽ phải kê khai giá cước, phải dán nhận diện phương tiện, phải nộp nghĩa vụ thuế và có trách nhiệm với người lao động như các hãng taxi truyền thống.
Ông Nguyễn Văn Thanh, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Ô tô Việt Nam cho rằng, việc tất cả xe dưới 9 chỗ được ghép chung lại thành loại hình xe taxi sẽ khắc phục được các bất cập trong quản lý giá cước, điều kiện gia nhập thị trường, nộp thuế, thiết lập quy trình quản lý an toàn giao thông... Điều đó sẽ tạo ra sự cạnh tranh công bằng với các hãng taxi truyền thống.
Đồng tình với giải pháp gộp taxi công nghệ với taxi truyền thống, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội Bùi Danh Liên cho rằng cùng là xe dưới 9 chỗ, cùng chở khách, cùng tính theo km nhưng 2 loại hình taxi công nghệ và truyền thống lại chịu 2 điều kiện quản lý khác nhau là không hợp lý, không công bằng. Không thể phủ nhận được hiệu quả thời gian, kinh tế… khi công nghệ thông tin đưa các ứng dụng vào cuộc sống. Đường truyền tốc độ cao, dữ liệu lớn, các phần mềm ứng dụng…, đã giúp cuộc sống sinh hoạt cũng như việc sản xuất của con người có bước tiến bộ vượt bậc.
Cùng với sự gia tăng chóng mặt về số lượng phương tiện, điều kiện kinh doanh đối với loại hình tương đồng với taxi này cũng được cho là thiếu công bằng so với taxi truyền thống. Trong khi taxi truyền thống phải chịu các quy định rất chặt chẽ về giá cước, nhận diện phương tiện, số lượng xe, nghĩa vụ thuế và trách nhiệm với người lao động thì loại hình vận tải sử dụng hợp đồng điện tử lại không phải chịu các quy định này, từ đó tạo ra mâu thuẫn. Giải quyết mâu thuẫn là cần thiết để phát triển thị trường lành mạnh, cạnh tranh công bằng.
Tuy nhiên, bài toán khó lúc này là gộp lại nhưng quản lý như thế nào? Trong khi taxi công nghệ về bản chất là một ứng dụng trung gian giữa người dùng và lái xe. Vấn đề là tìm cách quản lý như thế nào cho phù hợp với tình hình mới. Bộ GTVT không thể quản lý taxi công nghệ như cách đã quản lý taxi truyền thống và ngược lại. Mục tiêu quan trọng của việc sửa luật là, vừa tạo ra môi trường cạnh tranh công bằng, vừa phát huy được lợi ích của công nghệ, và hơn hết là đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người tiêu dùng.
Cuộc chiến taxi công nghệ và taxi truyền thống đến hồi kết?
Ông Nguyễn Văn Thanh cho rằng, Bộ GTVT đang rất lúng túng trong việc đưa ra một môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp kinh doanh vận tải trong khi đáng lẽ dự thảo này đã phải được trình Chính phủ ban hành từ rất lâu rồi. Sau 5 năm soạn thảo và 12 lần thay đổi, đến năm 2020, Nghị định 10/2020/NĐ-CP thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô mới được ban hành. Trong đó, Bộ GTVT đã xác định xe công nghệ là đơn vị kinh doanh vận tải, chứ không đơn thuần cung cấp ứng dụng. Tuy nhiên, Nghị định 10 đến nay vẫn chưa giải quyết dứt điểm các bất cập giữa hai loại hình và cuộc chiến vẫn tiếp dẫn.
2 loại hình này cùng bản chất chở khách và tính km nhưng lại có điều kiện kinh doanh khác nhau. Trong khi taxi phải chịu các quy định rất chặt chẽ về giá cước, nhận diện phương tiện, số lượng xe, nghĩa vụ thuế và trách nhiệm với người lao động thì taxi công nghệ có những điều kiện dễ chịu hơn, không nhận diện phương tiện, được đi vào đường cấm (với những đường cấm taxi vì xe công nghệ lúc đó nhìn như xe du lịch) giá cước linh hoạt, nộp thuế khoán, không phải đóng bảo hiểm cho người lao động...
Theo ông Thanh, nước ta chưa áp dụng phần mềm quản lý vận tải tự động nên các lực lượng chức năng không thể kiểm tra, giám sát, xử lý được các vi phạm. Mặt khác, quản lý bằng công nghệ là điều kiện tiên quyết để gỡ bỏ rất nhiều thủ tục, điều kiện kinh doanh vận tải, đón đầu và bắt nhịp với cách mạng công nghiệp 4.0, đồng thời bảo đảm phù hợp và đồng bộ với công tác quản lý của các ngành khác như thuế, thương mại điện tử… Việc sửa luật phải tạo ra môi trường cạnh tranh công bằng, vừa phát huy được lợi ích của công nghệ, và hơn hết là đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người tiêu dùng.
Như vậy, dự kiến gom tất cả xe dưới 9 chỗ lại thành loại hình xe taxi trong dự thảo Luật GTĐB sửa đổi được thông qua thì đồng nghĩa với việc mọi chi phí của taxi công nghệ sẽ được doanh nghiệp áp vào giá thành, triệt tiêu lợi ích của cả doanh nghiệp và người tiêu dùng, đồng thời, cản trở sáng tạo công nghệ số, xóa bỏ kinh tế chia sẻ.
Theo quy định của Luật Giao thông đường bộ năm 2008, vận tải khách đường bộ có 5 loại hình gồm vận tải khách tuyến cố định, taxi, xe buýt, xe hợp đồng và du lịch. Việc phân loại này đã bộc lộ nhiều bất cập, nhất là từ khi xuất hiện các ứng dụng gọi xe. Đến năm 2020, trải qua gần 5 năm soạn thảo với 12 lần sửa đổi, Nghị định 10/2020/NĐ-CP của Chính phủ thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ôtô được ban hành, trong đó xác định các hãng gọi xe công nghệ là đơn vị kinh doanh vận tải; doanh nghiệp taxi truyền thống và công nghệ được quyền lựa chọn loại hình kinh doanh. Đáng chú ý, Nghị định 10/2020/NĐ-CP cho phép taxi và taxi công nghệ được lựa chọn gắn hộp đèn với chữ TAXI, hoặc dán logo phản quang, thay vì quy định cứng bắt buộc gắn hộp đèn trên nóc xe.
Nghị định này cũng không bắt buộc xe hợp đồng điện tử phải gắn hộp đèn, nhưng yêu cầu dán phù hiệu phản quang bên trong xe. Nghị định mới quy định niêm yết (dán cố định) cụm từ "XE HỢP ĐỒNG" trên kính phía trước và kính phía sau xe. Theo đó, xe hợp đồng như Grab hay BE phải có phù hiệu "XE HỢP ĐỒNG" và được dán cố định phía bên phải mặt trong kính trước của xe.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Tô Hội