Có nên sàng lọc ung thư tuyến giáp trong cộng đồng?
Trong thời gian gần đây, tỷ lệ bệnh nhân mắc ung thư tuyến giáp (UTTG) có xu hướng gia tăng, và đang là mối quan tâm lớn của cộng đồng. Vậy có nên sàng lọc UTTG để phát hiện sớm và điều trị sớm?
Tuyến giáp là một tuyến nội tiết lớn nhất cơ thể, có vai trò đặc biệt quan trọng trong sự phát triển cơ thể và chuyển hóa năng lượng. Khi các tế bào biểu mô tuyến giáp biến đổi do nhiều nguyên nhân như môi trường nhiễm xạ, biến đổi gen và do đặc tính di truyền gây ra ung thư tuyến giáp. UTTG được chia làm 4 thể bệnh chính trong đó hay gặp nhất là UTTG biệt hóa chiếm 85-90% (gồm UTTG thể nhú và UTTG thể nang).
Qua thống kê của Mỹ, tỷ lệ phát hiện UTTG đã tăng lên khoảng 4,5%/năm trong vòng 10 năm qua, tăng nhanh hơn bất kỳ các loại ung thư nào khác. Ở Hàn Quốc, tỷ lệ mắc UTTG đứng hàng thứ nhất. Ở Việt Nam, UTTG xếp hàng thứ 8 trong các ung thư ở nữ giới và những ca mắc mới tăng gấp 4 lần so với trước đây.
Nhưng thật sự may mắn là UTTG biệt hóa tuy tăng cao nhưng tiên lượng bệnh lại rất tốt, tỷ lệ sống sau 5 năm chiếm trên 98,1%. Nhờ có những tiến bộ trong phương pháp phẫu thuật và điều trị i-ốt phóng xạ (I131), xạ trị (xạ trị điều biến liều) đã mang lại những hiệu quả rất tốt với UTTG.
Một điều đáng chú ý trong UTTG biệt hóa là bệnh hay tái phát hạch, nhất là những trường hợp ung thư thể nhú. UTTG thể biệt hóa đáp ứng tốt với điều trị i-ốt nhưng có một tỷ lệ nhỏ bệnh trở nên kháng i-ốt khi xuất hiện đột biến gen BRAF V600E. Mặc dù những trường hợp UTTG biệt hóa đã di căn hạch hay di căn xa thì việc điều trị (bằng phẫu thuật và i-ốt phóng xạ) vẫn rất hiệu quả. Di căn xa ở những bệnh nhân lớn tuổi có tỷ lệ sống sau 5 năm vẫn trên 50%. Ngay cả khi UTTG thể nhú mang đột biến gen BRAF V600E có liên quan đến tình trạng kháng I131 thì việc điều trị vẫn mang lại kết quả tốt với thuốc điều trị đích sorafenib đã được Cơ quan quản lý thuốc và thực phẩm Mỹ (FDA) cấp phép điều trị cho nhóm bệnh nhân ung thư tuyến giáp biệt hóa, tái phát, di căn thất bại với điều trị I131.
Chính vì vậy, khuyến cáo của Lực lượng đặc nhiệm phòng bệnh của Mỹ (U.S. Preventive Services Task Force) là:
Không sàng lọc UTTG cho người lớn không có triệu chứng.
Không có bằng chứng đầy đủ về mức độ chính xác của khám lâm sàng và siêu âm là những biện pháp cho sàng lọc UTTG ở người không có triệu chứng.
Sàng lọc UTTG ở những người không có triệu chứng dẫn đến những tác hại lớn hơn lợi ích.
Chính vì vậy, không khuyến cáo việc sàng lọc UTTG trong cộng đồng.
ThS.BS Ngô Thị Minh Hạnh
(Bệnh viện TWQĐ 108)
Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/co-nen-sang-loc-ung-thu-tuyen-giap-n170345.html