Có nên sửa tên gọi 'kỳ họp bất thường'?
Thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội chiều nay, 12.2, một số đại biểu Quốc hội đã đặt vấn đề nên sửa khái niệm 'kỳ họp bất thường' thành 'kỳ họp chuyên đề' bởi các Kỳ họp bất thường được tổ chức từ đầu nhiệm kỳ đến nay đều mang tính chất chuyên đề, nhằm giải quyết những vấn đề cấp bách thực tiễn đặt ra.
Tán thành với Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật về dự án Luật, ĐBQH Lê Xuân Thân (Khánh Hòa) nhận thấy, dự thảo Luật đã thể hiện tinh thần mới trong công tác xây dựng, ban hành pháp luật theo hướng ngắn gọn, đầy đủ những nội dung căn bản, ổn định.
Quan tâm đến đến việc Quốc hội tổ chức các kỳ họp bất thường, ngoài các kỳ họp thường lệ 2 kỳ họp/năm, đại biểu Lê Xuân Thân nhận thấy, các kỳ họp bất thường được Quốc hội tổ chức từ đầu nhiệm kỳ đến nay đều mang tính chất chuyên đề, nhằm giải quyết những vấn đề cấp bách thực tiễn đặt ra.
![ĐBQH Lê Xuân Thân (Khánh Hòa) phát biểu. Ảnh: Hồ Long](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_592_51460578/d2d9b3dc84926dcc3483.jpg)
ĐBQH Lê Xuân Thân (Khánh Hòa) phát biểu. Ảnh: Hồ Long
Cho rằng, việc Quốc hội tổ chức kỳ họp bất thường chỉ nên diễn ra trong những tình huống khẩn cấp, chiến tranh, đột xuất, đại biểu Lê Xuân Thân kiến nghị nên thay khái niệm “kỳ họp bất thường” thành "kỳ họp chuyên đề”. Theo đó, đề nghị bổ sung khoản 3 tại Điều 90 dự thảo Luật theo hướng “ngoài hai kỳ họp thường lệ, Quốc hội có thể họp chuyên đề theo triệu tập của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhằm giải quyết những vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội”.
![ĐBQH Nguyễn Anh Trí (TP. Hà Nội) phát biểu. Ảnh: Hồ Long](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_592_51460578/b8ead0efe7a10eff57b0.jpg)
ĐBQH Nguyễn Anh Trí (TP. Hà Nội) phát biểu. Ảnh: Hồ Long
Cũng băn khoăn về tên gọi “kỳ họp bất thường” vì nghe “hơi căng", ĐBQH Nguyễn Anh Trí (TP. Hà Nội) đề nghị nên nghiên cứu có tên gọi phù hợp hơn. Đại biểu cũng nhấn mạnh, “khi nào nhân dân cần, đất nước cần thì Quốc hội họp, họp thật hiệu quả, thật hợp lý và tiết kiệm thời gian”.
Cùng quan điểm này, ĐBQH Dương Khắc Mai (Đắk Nông) cũng cho rằng, cái gì bất thường nhiều sẽ thành bình thường, do đó đề nghị, nếu đổi tên từ “kỳ họp bất thường” thành “kỳ họp chuyên đề” để mỗi kỳ họp trở thành công việc bình thường của Quốc hội nhằm kịp thời giải quyết các vấn đề quan trọng của đất nước.
![ĐBQH Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) phát biểu. Ảnh: Hồ Long](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_592_51460578/b721c824ff6a16344f7b.jpg)
ĐBQH Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) phát biểu. Ảnh: Hồ Long
Nêu quan điểm về tên gọi của Kỳ họp bất thường của Quốc hội, ĐBQH Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) cho rằng, tên gọi “kỳ họp bất thường” không phải vấn đề bởi lẽ việc Quốc hội tổ chức kỳ họp bất thường phù hợp với giai đoạn hiện nay, nhằm đáp ứng yêu cầu về giải quyết, tháo gỡ những điểm nghẽn về thể chế, pháp luật vốn được xem là “điểm nghẽn của điểm nghẽn” trong thúc đẩy sự phát triển của đất nước. Đại biểu Tạ Văn Hạ nhấn mạnh, việc Quốc hội tổ chức kỳ họp bất thường nhằm giải quyết những vấn đề thực sự cấp bách thực tiễn đặt ra, cần phải giải quyết “ngay, sớm và gấp” mà không thể chờ đến kỳ họp thường kỳ.
Mặc dù từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Quốc hội đã tổ chức 9 kỳ họp bất thường, song đại biểu Tạ Văn Hạ cũng nhấn mạnh, hy vọng của cử tri, Nhân dân và các đại biểu Quốc hội là càng về sau Quốc hội sẽ không cần phải tổ chức nhiều kỳ họp bất thường nữa do các “điểm nghẽn” về thể chế, pháp luật dần được tháo gỡ, hệ thống pháp luật ngày càng được hoàn thiện hơn. Do đó, đại biểu Tạ Văn Hạ cho rằng, không cần phải chuyển “kỳ họp bất thường” thành kỳ họp bình thường.
![Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng tại phiên thảo luận. Ảnh: Hồ Long](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_592_51460578/1a85638054cebd90e4df.jpg)
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng tại phiên thảo luận. Ảnh: Hồ Long
Tiếp thu, giải trình vấn đề này tại phiên thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng tên gọi “kỳ họp không thường kỳ” hay “kỳ họp chuyên đề” đều không vướng quy định của Hiến pháp và cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến của ĐBQH và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định ghi nhận, các ý kiến tại phiên thảo luận đều rất cụ thể, thể hiện tinh thần trách nhiệm rất cao, tâm huyết của các ĐBQH, với mong muốn sửa đổi, bổ sung những nội dung đáp ứng yêu cầu về đổi mới tổ chức bộ máy, đáp ứng yêu cầu đặt ra của thực tiễn.
![Đại biểu Quốc hội thảo luận tại phiên họp. Ảnh: Hồ Long](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_592_51460578/b77c35780236eb68b227.jpg)
Đại biểu Quốc hội thảo luận tại phiên họp. Ảnh: Hồ Long
“Ngay sau phiên họp này, từ tối nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo tổ chức các nhóm làm việc, chỉ đạo Ban soạn thảo và các cơ quan liên quan khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu nghiêm túc, giải trình đầy đủ 76 ý kiến của các ĐBQH đã phát biểu tại các phiên thảo luận tại Tổ và tại Hội trường về dự án Luật và các ý kiến góp ý bằng văn bản nếu có, nhằm hoàn chỉnh dự thảo Luật với chất lượng cao nhất. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ có báo cáo tiếp thu, giải trình gửi các ĐBQH và trình Quốc hội xem xét quyết định vào cuối Kỳ họp này theo chương trình Kỳ họp”, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.