Có nên tách riêng vụ án có người chưa thành niên phạm tội để giải quyết?

Việc có tách vụ án hình sự có người chưa thành niên phạm tội hay không là một nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, tranh luận khi thảo luận về dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên tại phiên họp sáng 23.10. Một số ý kiến đề nghị, cần phân tích thấu đáo, nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế để có quy định phù hợp, khoa học và khả thi hơn.

Có nên tách vụ án hình sự có người chưa thành niên phạm tội?

Việc có tách vụ án hình sự có người chưa thành niên phạm tội hay không là một trong những nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau khi Quốc hội Khóa XV cho ý kiến lần đầu với dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên tại Kỳ họp thứ Bảy.

Báo cáo về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, để thể chế hóa các yêu cầu của Đảng về “phát triển hệ thống tư pháp thân thiện và bảo vệ trẻ em”, thực thi đầy đủ các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, dự thảo Luật đã bổ sung nhiều chính sách và quy định chuyên biệt, thân thiện và nhân văn hơn dành cho người chưa thành niên.

 Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Cụ thể, thời hạn điều tra, truy tố, xét xử đối với người chưa thành niên không quá 1/2 thời hạn đối với người trưởng thành, trừ trường hợp vụ án có tính chất đặc biệt phức tạp. Người tiến hành tố tụng phải đáp ứng điều kiện đã được đào tạo hoặc có kinh nghiệm điều tra, truy tố, xét xử vụ án liên quan đến người chưa thành niên. Quy định trình tự, thủ tục, thời hạn chuyên biệt và cụ thể để xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng tại cộng đồng và biện pháp xử lý chuyển hướng giáo dục tại Trường giáo dưỡng đối với người chưa thành niên. Ngoài ra, dự thảo Luật còn nhiều chính sách chuyên biệt khác chỉ áp dụng với người chưa thành niên trong quá trình giải quyết vụ án hình sự…

Để thực hiện được đầy đủ các chính sách nhân văn này, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Tòa án Nhân dân tối cao cũng cho rằng, việc tách vụ án hình sự trong trường hợp vụ án có bị can là người chưa thành niên và người trưởng thành là phù hợp.

Tuy nhiên, về thời điểm tách vụ án trong giai đoạn điều tra, Bộ Công an đề nghị quy định khi xét thấy đã làm rõ hành vi phạm tội của người chưa thành niên và các tình tiết có liên quan. Tòa án Nhân dân Tối cao đề nghị không quy định cụ thể thời điểm tách vụ án trong Luật và nên giao cho liên ngành tư pháp trung ương quy định chi tiết để bao quát các trường hợp trong thực tiễn giải quyết án.

Tiếp thu ý kiến của đa số đại biểu Quốc hội và các cơ quan hữu quan, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu rõ, quy định của dự thảo Luật được giữ lại theo hướng tách vụ án có người chưa thành niên phạm tội trong giai đoạn điều tra để giải quyết, nhằm bảo đảm thực thi đầy đủ, hiệu quả các chính sách nhân văn, thân thiện, tiến bộ của dự thảo Luật.

 ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Vẫn giữ quan điểm “không phải vụ án nào cũng tách xử lý người chưa thành niên và người trưởng thành”, ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng, việc tách tất cả các vụ án hình sự có người chưa thành niên phạm tội chưa hẳn sẽ hợp lý. Bởi lẽ, có những trường hợp tình tiết trong xử lý vụ án mà người chưa thành niên có liên quan rất lớn, đặc biệt là các vụ án đặc biệt nghiêm trọng mà nếu tách ra sẽ gây khó khăn cho các cơ quan điều tra, xét xử. Do đó, đại biểu Phạm Văn Hòa ủng hộ quan điểm của Tòa án Nhân dân Tối cao “không quy định cụ thể thời điểm tách vụ án trong dự thảo Luật và nên giao cho liên ngành tư pháp trung ương quy định chi tiết”, vì như vậy sẽ bao quát hết các trường hợp trong thực tiễn giải quyết án.

ĐBQH Lê Tất Hiếu (Vĩnh Phúc) nêu thực tế, hiện nay tội phạm có người chưa thành niên đang tiếp tục tăng, rất nhiều vụ án người chưa thành niên giữ vai trò chủ mưu, cầm đầu, khi xét xử cần phải có đầy đủ lời khai, đối chất trực tiếp của tất cả các bị cáo tại phiên tòa thì mới có đủ căn cứ để giải quyết vụ án. Nếu tách ra thì cả những bị cáo là người chưa thành niên và bị cáo đã thành niên đều phải có mặt tham dự cả hai phiên tòa.

 ĐBQH Lê Tất Hiếu (Vĩnh Phúc) phát biểu

ĐBQH Lê Tất Hiếu (Vĩnh Phúc) phát biểu

Đặc biệt hơn, trường hợp vụ án phải giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự (như việc tranh chấp về bồi thường thiệt hại) thì sẽ giải quyết ở phiên tòa nào - phiên tòa người chưa thành niên hay phiên tòa người đã thành niên?

Mặt khác, về nguyên tắc trong tố tụng, các bị cáo, những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đều phải có mặt tại phiên tòa, vì các bị cáo phải chịu trách nhiệm chung liên quan đến việc chia thị phần và quyết định kháng cáo của các bị cáo liên quan đến bản án nào?

Nêu một số vấn đề đang phát sinh trong thực tiễn xét xử các vụ án hình sự, đại biểu Lê Tất Hiếu tán thành quan điểm của Tòa án Nhân dân Tối cao, và đề nghị thể hiện tại dự thảo Luật theo hướng không quy định "cứng" việc tách vụ án hình sự có người chưa thành niên phạm tội. “Nên quy định tùy nghi, nếu có đủ điều kiện tách sẽ buộc phải tách, nếu trong trường hợp đặc biệt không tách được thì cho phép tùy nghi và sẽ không tách vụ án”, đại biểu Lê Tất Hiếu đề nghị.

Phải bàn thấu đáo về nội dung này

Tán thành với việc tách vụ án có người chưa thành niên phạm tội trong giai đoạn điều tra để giải quyết, ĐBQH Phan Thị Nguyệt Thu (Hà Tĩnh) cho rằng, cùng với các chính sách khác dành cho người chưa thành niên đã được quy định tại dự thảo Luật, thì việc giữ quy định "tách vụ án hình sự có người chưa thành niên phạm tội trong giai đoạn điều tra để giải quyết" sẽ góp phần bảo đảm thực thi đầy đủ, hiệu quả các chính sách nhân văn, thân thiện, tiến bộ của dự thảo Luật.

 ĐBQH Phan Thị Nguyệt Thu (Hà Tĩnh) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

ĐBQH Phan Thị Nguyệt Thu (Hà Tĩnh) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Tranh luận về vấn đề này, ĐBQH Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hòa) cho rằng, cần bàn thấu đáo nội dung này. Bởi, dù việc tách vụ án hình sự có người chưa thành niên phạm tội có tính nhân văn, nhưng thực tế sẽ có thể nảy sinh nhiều vấn đề khó có thể lường hết được, trong khi các cơ quan chức năng cũng chưa tổng kết về công tác này.

Cùng bày tỏ lo ngại sẽ có nhiều tình huống khó lường xảy ra nếu quy định "cứng" về việc tách các vụ án hình sự có người chưa thành niên phạm tội để xử lý, ĐBQH Bùi Sỹ Hoàn (Hải Dương) cho rằng, nếu tách các vụ án này có thể sẽ khiến cùng một vụ án phải mở nhiều phiên tòa khác nhau, và khi đó người chưa thành niên sẽ phải tham gia vào nhiều quy trình tố tụng.

 ĐBQH Bùi Sỹ Hoàn (Hải Dương) phát biểu

ĐBQH Bùi Sỹ Hoàn (Hải Dương) phát biểu

Mặt khác, trong một số trường hợp việc tách vụ án chưa chắc đã dẫn đến việc có lợi hơn cho người chưa thành niên mà có khi còn dẫn đến bất lợi hơn. Bởi, với quy định pháp luật hiện hành, thì người chưa thành niên phạm tội sẽ bị tổng hợp hình phạt của các bản án nếu tách vụ án hình sự. Như vậy, khi nhập vụ án lại thì người chưa thành niên chỉ thêm tình tiết tăng nặng là phạm tội 2 lần trở lên, mức hình phạt khi đó sẽ nhẹ hơn so với việc tách vụ án, đại biểu Bùi Sỹ Hoàn nêu rõ.

Qua tham khảo kinh nghiệm quốc tế, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh đề nghị, dự thảo Luật chỉ quy định tách vụ án hình sự ngay sau khi có chứng cứ xác định hành vi phạm tội của bị can là người chưa thành niên. Cơ quan tiến hành tố tụng có thể tách vụ án hình sự để giải quyết vụ án độc lập đối với các bị can là người chưa thành niên hoặc người bị hại, và "không phải vụ nào cũng tách". Đề xuất phương án này, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh cho rằng, cần có bước chuyển tiếp thực hiện thì sẽ hợp lý hơn.

Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh, việc Quốc hội ban hành Luật Tư pháp người chưa thành niên sẽ không chỉ là thành tựu nổi bật đối với lĩnh vực cải cách tư pháp ở Việt Nam mà còn là dấu ấn của Quốc hội Khóa XV. Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tổng hợp đầy đủ ý kiến thảo luận và chỉ đạo các cơ quan nghiên cứu thấu đáo, kỹ lưỡng ý kiến của các đại biểu Quốc hội, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thảo luận trong thời gian giữa 2 đợt họp của Kỳ họp thứ Tám này, để hoàn thiện dự thảo Luật với chất lượng tốt nhất khi trình Quốc hội xem xét, thông qua.

Thanh Hải

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/co-nen-tach-rieng-vu-an-co-nguoi-chua-thanh-nien-pham-toi-de-giai-quyet-post394098.html