Có nên trẻ hóa đối tượng được cấp bằng lái xe máy?
Đề xuất trẻ hóa đối tượng được cấp giấy phép lái xe hạng A1 đang được dư luận quan tâm và nhận những ý kiến khác nhau.
Thảo luận về dự án Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ do Bộ Công an được giao chủ trì xây dựng, có ý kiến đề xuất trẻ hóa đối tượng được cấp giấy phép lái xe hạng A1. Tuy nhiên, cũng có quan điểm cho rằng cần thận trọng trong việc giảm tuổi với người được cấp bằng lái xe máy.
Đề xuất trẻ hóa đối tượng được cấp bằng lái xe máy
Tham luận tại hội thảo “Luận cứ khoa học và thực tiễn của việc xây dựng dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ” mới đây, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho rằng, quy định độ tuổi được cấp giấy phép lái xe hiện nay chưa phù hợp với thực tiễn và nhu cầu.
Cụ thể, học sinh THPT đi xe máy nói chung và môtô nói riêng đến trường đang là nhu cầu có thật và rộng khắp, nhất là ở các thành phố lớn. Tại cấp THPT, nhất là lớp 11 và 12, học sinh phải đi học trái buổi, ngoại khóa tại trường và học thêm khá nhiều. Tuy nhiên, phương tiện công cộng chưa phát triển đủ để đáp ứng.
Theo pháp luật hiện hành, người từ 16 tuổi trở lên được đi xe máy dưới 50 cc và từ 18 tuổi trở lên mới được học lấy giấy phép lái xe để đi xe 50-175 cc (hạng A01). Thực tế, người từ 16 đến dưới 18 tuổi không được học luật giao thông đầy đủ vì chưa đủ tuổi được cấp giấy phép lái xe nhưng vẫn đi xe đạp điện, xe máy điện hoặc xe gắn máy dưới 50 cc. Sự phát triển về sức khỏe (chiều cao, cân nặng), tâm lý của thế hệ trẻ ngày nay đã có những bước phát triển vượt bậc so với trước đây.
Ông Hiểu nhận xét, quy định hiện hành đã lạc hậu so với thực tiễn. Do vậy, ông đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu để trẻ hóa đối tượng được cấp giấy phép lái xe hạng A01. Ông dẫn chiếu Thái Lan, độ tuổi để lấy bằng và đi xe có động cơ 110 cc trở xuống là 15 tuổi, độ tuổi để lấy bằng và đi xe có động cơ trên 110 cc và ôtô là 18 tuổi; tại Mỹ, công dân từ 16 tuổi đã có thể thi lấy bằng lái ôtô...
Về đề xuất trẻ hóa độ tuổi cấp bằng lái xe máy nêu trên, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia Khuất Việt Hùng tán thành, cần nghiên cứu giấy phép dành cho người điều khiển xe dưới 50 cc để đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông.
Ngoài ra, để đảm bảo tính khả thi của dự án Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, ông Ngọ Duy Hiểu cho rằng, dự luật cần đảm bảo rõ thẩm quyền, tránh chồng chéo trong quản lý; hạn chế phát sinh thủ tục hành chính... Cụ thể, ban soạn thảo nghiên cứu thấu đáo, đánh giá kỹ các tác động về quản lý, đào tạo, cấp giấy phép lái xe; thay đổi hạng giấy phép lái xe; các hình thức cấp biển số xe cơ giới...
Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động Việt Nam đánh giá, sau 25 năm ngành Giao thông vận tải quản lý, công tác đào tạo, cấp giấy phép lái xe đã có bước tiến dài, hoàn thiện nội dung chương trình theo hướng tiếp cận các nước tiên tiến. Các quy chuẩn, cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch được ứng dụng công nghệ hiện đại; thực hiện nhất quán chủ trương xã hội hóa, ứng dụng công nghệ trong quản lý, đảm bảo minh bạch, giám sát chặt chẽ, tương đương với các nước phát triển.
Giấy phép lái xe của Việt Nam đã được nhiều nước trên thế giới công nhận và Việt Nam cũng đã cấp giấy phép lái xe quốc tế. Việc đổi giấy phép lái xe cũng đã tiên phong thực hiện dịch vụ công cấp độ 4 (hoàn toàn trực tuyến), được người dân đánh giá cao… Từ đó, ông Hiểu quan niệm, vấn đề chuyển đổi cơ quan quản lý đào tạo, cấp giấy phép lái xe giữa Bộ Giao thông vận tải và Bộ Công an cần được nghiên cứu thấu đáo để tránh gây xáo trộn, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tham gia giao thông (đối tượng chịu tác động lớn nhất).
Chỉ nên cấp giấy chứng nhận
Nhiều phụ huynh có con trong độ tuổi đang học THPT ủng hộ việc cấp giấy phép dành cho người điều khiển xe dưới 50cc bởi công việc của họ không thể hàng ngày đưa đón con đi học ngoại khóa, trái buổi. Tuy nhiên, không ít ý kiến băn khoăn về thủ tục cấp giấy phép cho con em họ liệu có dễ dàng, đơn giản, thuận tiện hay không.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp Phạm Văn Hòa cũng cho rằng việc quản lý, đào tạo, cấp giấy phép lái xe cần giữ nguyên theo quy định hiện hành (tức vẫn thuộc thẩm quyền của Bộ Giao thông vận tải). Còn về đề xuất “trẻ hóa” độ tuổi cấp bằng lái xe máy, theo ông Hòa là không nên. Ông phân tích, người dưới 18 tuổi có những quyền và nghĩa vụ nhất định mà chúng ta phải bảo vệ, nếu cho phép cấp bằng lái xe phân khối từ hơn 50cc trở lên thì trường hợp xấu xảy ra, ai sẽ là người phải chịu trách nhiệm?
Ông Hòa đề xuất, cần tiếp tục chỉ nên cho phép người dưới 18 tuổi (có thể bao gồm cả các cháu đang học lớp 8, lớp 9 ở thành thị) đi xe gắn máy có động cơ dưới 50cc. Tuy nhiên, cần tổ chức tập huấn, hướng dẫn pháp luật về giao thông cho nhóm đối tượng này được nhận thức, hiểu biết pháp luật và tham gia giao thông an toàn; thời gian tập huấn có thể là 1 tuần và người dưới 18 tuổi phải dự đầy đủ mới được cấp giấy chứng nhận đã tham gia lớp tập huấn.
Bên cạnh đó, mục đích cấp giấy chứng nhận phải rõ ràng, rạch ròi là cấp để người dưới 18 tuổi đi học từ nhà đến trường, từ trường về nhà, chứ không cấp để đối tượng này tụ tập lạng lách, đua xe… nhằm hạn chế tối đa các vi phạm đáng tiếc xảy ra và khi họ vi phạm sẽ xử lý theo quy định pháp luật.
Theo anh Nguyễn Doãn Thành (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội), người dưới 18 tuổi vẫn là trẻ em theo quy định hiện hành nên nếu tổ chức thi cử, sát hạch như người đủ 18 tuổi sẽ gây khó khăn không nhỏ cho các cháu. Anh kiến nghị các cơ quan chức năng nghiên cứu có giải pháp phù hợp để vừa bảo vệ quyền lợi cho các cháu vừa bảo đảm an toàn khi các cháu tham gia giao thông.