Có ngân hàng trả cổ tức bằng tiền mặt, có ngân hàng để tăng vốn

Mùa đại hội cổ đông ngân hàng năm 2025 lại đến, hầu hết nhà đầu tư mong muốn nhận được cổ tức bằng tiền mặt thay cho các hình thức khác.

Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) vừa thông qua kế hoạch chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 7% vốn điều lệ. Tính đến cuối năm 2024, VIB có vốn điều lệ 29.791 tỷ đồng, ước tính số tiền để chi trả cổ tức năm nay là hơn 2.085 tỷ đồng.

Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) cũng dự kiến chia cổ tức bằng tiền mặt, với tỷ lệ 7%, tổng cộng 1.726 tỷ đồng. Đây là lần đầu tiên OCB có kế hoạch chia cổ tức tiền mặt kể từ khi lên sàn chứng khoán.

Một số ngân hàng có kế hoạch chia cổ tức bằng tiền mặt.

Một số ngân hàng có kế hoạch chia cổ tức bằng tiền mặt.

Trước đó, ngân hàng này và nhiều nhà băng khác chủ yếu chia cổ tức bằng cổ phiếu hoặc phát hành cổ phiếu thưởng để tăng vốn điều lệ.

Được biết, lợi nhuận trước thuế của OCB năm 2024 đạt 4.006 tỷ đồng, giảm 3% so với năm 2023 và chỉ hoàn thành 58% kế hoạch. Sau khi trừ thuế, trích lập các quỹ, lợi nhuận còn lại là 2.508 tỷ đồng và lợi nhuận còn lại lũy kế là 3.706 tỷ đồng.

Chuẩn bị cho kỳ đại hội cổ đông, nhiều ngân hàng có kế hoạch chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ và tỷ lệ chia khá cao 15 - 49,5%, tùy ngân hàng.

Ngay đối với OCB, bên cạnh tỷ lệ 7% cổ tức bằng tiền mặt, ngân hàng này dự kiến phát hành 197,2 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tương đương tỷ lệ 8%. Theo đó, vốn điều lệ sẽ tăng từ 24.657 tỷ đồng lên 26.630 tỷ đồng.

Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB) có kế hoạch sử dụng 7.500 tỷ đồng từ đợt phát hành 750 triệu cổ phiếu riêng lẻ trong năm 2025, để tăng vốn điều lệ từ 11.780 tỷ đồng lên 19.280 tỷ đồng, tương đương tăng 63,67%.

Với Ngân hàng TMCP An Bình (ABBANK), cổ đông ngân hàng này đã thông qua phương án phân phối lợi nhuận năm 2024 với việc không chia cổ tức, mà để lại toàn bộ số lợi nhuận nhằm bổ sung nguồn vốn thực hiện kế hoạch chiến lược, tạo tích lũy nội tại.

Năm 2024, lợi nhuận sau thuế, sau khi trích lập các quỹ là 470,4 tỷ đồng, cộng với lợi nhuận còn lại của các năm trước chưa sử dụng, tổng lợi nhuận chưa phân phối của ABBank tính đến cuối năm 2024 là 2.311 tỷ đồng (chưa tính các quỹ dự trữ tăng vốn điều lệ, quỹ dự phòng tài chính đã thực hiện trích lập).

Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) cũng giữ lại lợi nhuận năm vừa qua, không chia cổ tức nhằm tăng năng lực tài chính, bổ sung nguồn vốn kinh doanh thời gian tới. Trong năm 2025, SeABank dự kiến tăng vốn điều lệ từ 28.450 tỷ đồng lên 28.650 tỷ đồng.

Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) dự kiến phát hành gần 670 triệu cổ phiếu để chia cổ tức, tương đương tỷ lệ 15%. Nếu hoàn thành, vốn điều lệ Ngân hàng sẽ tăng thêm 6.700 tỷ đồng, từ 44.666 tỷ đồng lên 51.366 tỷ đồng.

Trong nhóm “Big4”, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) chốt danh sách cổ đông để chia cổ tức bằng cổ phiếu.

Số cổ phiếu dự kiến phát hành là hơn 2,7 tỷ đơn vị, tổng giá trị theo mệnh giá hơn 27.666 tỷ đồng, nguồn vốn phát hành từ nguồn lợi nhuận còn lại sau thuế, sau trích lập các quỹ lũy kế đến hết năm 2018 và lợi nhuận còn lại năm 2021.

Sau khi hoàn tất đợt phát hành này, vốn điều lệ của Vietcombank sẽ tăng từ 55.891 tỷ đồng lên khoảng 83.557 tỷ đồng.

Hà Linh

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/co-ngan-hang-tra-co-tuc-bang-tien-mat-co-ngan-hang-de-tang-von-701099.html