Cố nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Bách: Phóng viên ảnh đầu tiên của Báo Lạng Sơn thời kỳ mới thành lập

Nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Vũ Bách sinh năm 1934, ông thuộc thế hệ phóng viên đầu tiên của báo Lạng Sơn. Có mặt ở tòa soạn báo từ những ngày đầu thành lập, suốt những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1964-1975), ông đã lặn lội tác nghiệp khắp mọi nơi trong tỉnh và đã để lại những dấu ấn khó phai mờ trong lịch sử báo chí của tỉnh giai đoạn này.

“Cố NSNA Vũ Bách chọn ảnh thời kỳ chống Mỹ do ông chụp phục vụ in sách Lạng Sơn 70 năm thi đua ái quốc của tỉnh”

“Cố NSNA Vũ Bách chọn ảnh thời kỳ chống Mỹ do ông chụp phục vụ in sách Lạng Sơn 70 năm thi đua ái quốc của tỉnh”

Ngày 1/5/1964, khi báo Lạng Sơn ra số đầu tiên thì ảnh của ông đã xuất hiện trên mặt báo với cả ba tấm ảnh do tòa soạn đăng tải trong số này. Đó là hình ảnh cán bộ, công nhân viên, bộ đội, các cơ quan tỉnh và thị xã tham gia lao động xã hội chủ nghĩa (XHCN) tại công trình thủy lợi Pò Đứa (xã Mai Pha) để kịp thời lấy nước cho 108 mẫu ruộng vụ mùa; ảnh xã viên hợp tác xã Than Muội (xã Quang Lang, huyện Chi Lăng) bắc ống dẫn nước do máy bơm đưa nước suối lên cao để kịp cày ải, cấy lúa kịp thời vụ. Bên cạnh đó là ảnh đoàn viên Công đoàn ngành giáo dục Lạng Sơn thông qua quyết tâm thư gửi lên Trung ương Đảng và Hồ Chủ tịch hứa thực hiện tốt phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt” để hưởng ứng lời dạy của Bác “Mỗi người làm việc bằng hai”.

Năm 1964, khi Vũ Bách chuyển từ Đài Truyền thanh của tỉnh sang, trở thành phóng viên ảnh của Báo Lạng Sơn thì ông đã có kinh nghiệm nhiều năm công tác trong lĩnh vực truyền thông và 7 năm cầm máy với nhiều bức ảnh có giá trị. Ông không chỉ chụp ảnh mà còn có khả năng viết tin, bài. Xem những bức ảnh của ông, độc giả luôn thấy có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa tố chất của một người viết báo và một người chụp ảnh. Các chú thích ảnh của ông thường ngắn gọn, súc tích nhưng thường kèm theo lời dẫn rất đầy đủ, chi tiết để người xem hiểu được hoàn cảnh ra đời của tác phẩm ảnh báo chí một cách tường tận. Thời kỳ đó máy ảnh được coi là một thứ xa xỉ, rất ít người có, công nghệ làm ảnh lại phức tạp, dịch vụ chưa phổ biến như bây giờ nên ông là một trong số rất hiếm hoi những người cầm máy ở thị xã Lạng Sơn khi đó. Do đó, khi về báo Lạng Sơn, là phóng viên chuyên ảnh của tòa soạn, ông trở thành tác giả duy nhất của những bức ảnh Lạng Sơn thời kỳ chống Mỹ ở tỉnh hiện còn đến ngày nay.

Những năm NSNA Vũ Bách công tác ở Báo Lạng Sơn cũng là những năm cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc đang trong giai đoạn ác liệt, máy bay Mỹ ném bom phá hoại đường bộ, đường sắt nhằm ngăn chặn sự tiếp tế của các nước XHCN cho Việt Nam qua Lạng Sơn. Toàn tỉnh dấy lên phong trào hăng hái thi đua lao động sản xuất xây dựng CNXH, tích cực chi viện cho chiến trường miền Nam và chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Là phóng viên sắc sảo, dày dạn kinh nghiệm, ông đã không quản ngại đến những nơi xa xôi, gian khó, thậm chí hiểm nguy để chụp những bức ảnh nóng hổi tính thời sự phục vụ công tác thông tin, tuyên truyền của báo. Tình hình lao động sản xuất trong tỉnh, phong trào thi đua làm thủy lợi, phong trào phụ nữ “Ba đảm đang”, thanh niên “Ba sẵn sàng”; tình hình Chi Lăng, Hữu Lũng bị máy bay Mỹ đánh phá, tinh thần quyết chiến quyết thắng của Nhân dân Lạng Sơn… đã được ông ghi lại một cách toàn diện, sâu sắc và đầy cảm xúc.

Trong câu chuyện với chúng tôi, ông thường nhắc đến việc ông là một trong ba đảng viên đầu tiên của Chi bộ báo Lạng Sơn (Chi bộ thành lập năm 1967 trên cơ sở tách ra từ chi bộ ghép: Tuyên giáo, Văn hóa, Báo Lạng Sơn), vì tính chất bảo vệ an ninh nội bộ nghiêm ngặt thời chiến nên ông mới được cử đi tác nghiệp tại nhiều sự kiện chính trị quan trọng của tỉnh, nhất là trong giai đoạn 1966 – 1973. Do đó ông mới có những bức ảnh giá trị về hoạt động chính trị của tỉnh như: Đại hội Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn lần thứ VI (tháng 6/1971); ảnh đón đoàn Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam với rất nhiều anh hùng, dũng sĩ nổi tiếng ra thăm Lạng Sơn năm 1973; ảnh các phái đoàn quốc tế Ba Lan, Liên Xô, Thụy Điển đến thăm và ủng hộ cuộc kháng chiến chống Mỹ của Nhân dân Lạng Sơn; ảnh Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Lê Duẩn thăm Lạng Sơn năm 1968, các đồng chí lãnh đạo tỉnh đón tiếp bà Nguyễn Thị Định – Phó Tư lệnh quân Giải phóng miền Nam, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Miền Nam thăm Lạng Sơn…

Ảnh “Nữ dân quân Quang Lang đón lõng, bắn máy bay Mĩ xâm phạm vùng trời quê hương” của cố NSNA Vũ Bách đăng trong cuốn sách “Lạng Sơn chiến thắng” do Ty Văn hóa Lạng Sơn xúat bản năm 1966 - (Tác giả chụp từ sách Lạng Sơn chiến thắng)

Ảnh “Nữ dân quân Quang Lang đón lõng, bắn máy bay Mĩ xâm phạm vùng trời quê hương” của cố NSNA Vũ Bách đăng trong cuốn sách “Lạng Sơn chiến thắng” do Ty Văn hóa Lạng Sơn xúat bản năm 1966 - (Tác giả chụp từ sách Lạng Sơn chiến thắng)

Tôi biết tên tuổi ông từ những ngày đầu đi công tác qua những bức ảnh quen thuộc, nổi tiếng của ông mà Bảo tàng tỉnh đã sưu tầm, qua các ấn phẩm viết về thời kỳ kháng chiến chống Mỹ của Lạng Sơn như: Nữ dân quân du kích Quang Lang; anh hùng Nông Văn Nghi phá bom; thanh niên xung phong N57 làm đường; máy bay Mỹ ném bom ga Đồng Mỏ; Đại đội Phòng không của Tỉnh đội Lạng Sơn (C101) chiến đấu bảo vệ vùng trời quê hương ở Chi Lăng, Hữu Lũng… Rồi đến một ngày, vào tháng 3/2017 Bảo tàng tỉnh được cấp trên giao nhiệm vụ sưu tầm, làm một cuốn album ảnh về hoạt động kết nghĩa của Lạng Sơn với Đắk Lắk để phục vụ chuyến công tác của tỉnh tại Đắk Lắk do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Trần Sỹ Thanh làm trưởng đoàn. Giám đốc Bảo tàng tỉnh khi đó là đồng chí Hà Thì Lư rất lo lắng vì đã gần 60 năm trôi qua kể từ ngày tổ chức kết nghĩa, số lượng ảnh về hoạt động kết nghĩa thời kỳ chống Mỹ có lẽ cũng không nhiều. Khi cán bộ bảo tàng đến gặp NSNA Vũ Bách, ông đã rất nhiệt tình tìm kiếm và đã tập hợp được khá nhiều ảnh quý hiếm có chủ đề này như: phụ nữ Lạng Sơn giao lưu với phụ nữ Đắk Lắk; đón đoàn con em cán bộ miền Nam (trong đó có con em tỉnh kết nghĩa Đắk Lắk đến nuôi dưỡng, đào tạo tại Lạng Sơn làm cán bộ nguồn cho miền Nam ruột thịt; con em cán bộ miền Nam (trong đó có con em tỉnh kết nghĩa Đắk Lắk) vui chơi, học tập tại H72 (Trường phổ thông dân tộc nội trú Trung ương); Đoàn đại biểu tỉnh kết nghĩa Đắk Lắk đến thăm và chụp ảnh lưu niệm tại Bảo tàng khởi nghĩa Bắc Sơn, tại Cửa khẩu Hữu Nghị năm 1970… Trong số đó có cả những bức ảnh chụp từ năm 1962. Cuối cùng Bảo tàng đã hoàn thành một cuốn album ảnh khá dày dặn để tặng cho tỉnh Đắk Lắk kết nghĩa. Hình ảnh của Lạng Sơn những năm tháng chống Mỹ hiện lên sống động qua các bức ảnh báo chí có nội dung đầy biểu cảm của ông.

Về sau, xuất phát từ nhu cầu cần có ảnh Lạng Sơn những năm kháng chiến chống Mỹ minh họa cho sách, chúng tôi đã nhiều lần tìm đến đề nghị ông giúp đỡ, vì ngoài ông ra thì không ai có những bức ảnh như vậy cả. Những năm cuối đời, tuy tuổi đã cao, trí nhớ có phần giảm sút nhưng khi được hỏi thì ông vẫn có thể nói rất rành mạch về thời gian, địa điểm chụp, nội dung từng bức ảnh... Những bức ảnh quan trọng, tâm đắc được ông trân trọng nâng niu gìn giữ như những báu vật của riêng mình. Ông thường để ở những nơi dễ thấy để khi cần là có thể tìm được ngay trong số hàng trăm bức ảnh ông còn lưu giữ được. Thật may mắn trong điều kiện kỹ thuật, dịch vụ ảnh và in ấn khó khăn thời kỳ đó, NSNA Vũ Bách vẫn giữ được cho riêng mình những bức ảnh đậm chất lịch sử, vô cùng quý giá như: giải tỏa hàng hóa bất kể ngày đêm phục vụ chiến trường những năm chống Mỹ cứu nước 1965 – 1973; vận chuyển xăng dầu từ “Cảng nổi” phục vụ chiến trường; Đội vận tải xe trâu Hợp tác xã giao thông thị xã Lạng Sơn giải tỏa, vận chuyển hàng hóa từ khu ga về nơi an toàn; bà Đường Thị Kim –Tỉnh ủy viên, Hội trưởng Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh tới trao súng cho đơn vị nữ dân quân xã Quang Lang tháng 7/1965, Nhân dân thị xã Lạng Sơn mừng ngày miền Nam giải phóng 30/4/1975… Trong số này có bức chưa từng được công bố hoặc ngày nay không ai biết vì chỉ được in một lần đã quá lâu. Và có lẽ trong suốt 12 năm công tác tại báo thời chống Mỹ, số lượng ảnh do ông sáng tác còn lớn hơn nhiều lần những gì ông giữ lại được đến hôm nay. Nhiều bức ảnh của ông có giá trị vượt thời gian, được nhiều báo lớn ở trung ương đăng tải, được lựa chọn trưng bày ở Bảo tàng Việt Bắc, Bảo tàng tỉnh Lạng Sơn, trong các phòng truyền thống, được in trong các ấn phẩm của tỉnh như "Lạng Sơn chiến thắng" (xuất bản năm 1965), "UBND tỉnh Lạng Sơn qua các thời kỳ" (1945-2005) (xuất bản năm 2007), "Lạng Sơn 70 năm thi đua ái quốc" (năm 2018), Lịch sử Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn (1930–1985)… Nhiều bức ảnh đã được giải thưởng khu vực, trong nước và quốc tế. Đó là những tác phẩm đã tạo nên tên tuổi của ông, để ông được vinh dự đứng trong hàng ngũ Liên đoàn Nghệ thuật Nhiếp ảnh Quốc tế (FIAP), Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam (VAPA) từ rất sớm. Năm 2019 ông đã được Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam vinh danh là nghệ sĩ có trên 40 năm đóng góp cho sự phát triển của Nhiếp ảnh Việt Nam.

Có thể nói, bên cạnh nỗ lực cá nhân, Báo Lạng Sơn là nơi đã nâng bước để NSNA Vũ Bách tôi luyện, trưởng thành, có nhiều đóng góp cho quê hương, đất nước. Đưa tin bằng hình ảnh kịp thời, chính xác, ông đã góp phần cùng tập thể cán bộ, phóng viên Tòa soạn Báo Lạng Sơn làm tròn sứ mệnh cao cả của báo chí trong công tác chính trị tư tưởng ở địa phương, hoàn thành tốt mục đích, tôn chỉ của báo như đã được nói rõ trong số báo đầu tiên ra mắt ngày 1/5/1964. Đó cũng chính là những đóng góp quan trọng của Báo Lạng Sơn đối với sự nghiệp chống Mỹ cứu nước của tỉnh thời kỳ 1964-1975.

NGÂN HÀ

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/co-nghe-si-nhiep-anh-vu-bach-phong-vien-anh-dau-tien-cua-bao-lang-son-thoi-ky-moi-thanh-lap-5006779.html