Có phải thời Lê Sơ, người dân không mặc áo dài, khăn đóng?
'Dệt nên triều đại' là dự án sách lịch sử về trang phục cổ Việt Nam, được bắt đầu gọi vốn từ năm 2018. Đến nay, cuốn sách đã đến giai đoạn hoàn thiện.
Dệt nên triều đại là cuốn sách song ngữ Việt - Anh, khái lược về cổ phục cung đình Việt Nam thời Lê Sơ, giai đoạn từ 1437-1471.
Cuốn sách do NXB Dân Trí phối hợp Vietnam Centre và Comicola thực hiện, phỏng dựng các bộ trang phục giai đoạn này dựa trên nhiều nghiên cứu như Ngàn năm áo mũ (Trần Quang Đức), Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí (Phan Huy Chú) cùng các hiện vật bảo tàng, tranh, tượng tại di tích, đình chùa...
Trong Dệt nên triều đại, nhóm dự án miêu tả kỹ các loại cổ phục thường được sử dụng dưới thời Lê Sơ và cả cách mặc. Phổ biến nhất trong giai đoạn đó, người dân thường mặc áo Giao Lĩnh (dáng áo thụng, có tay rộng) và Viên Lĩnh (áo có cổ hình tròn).
Quan viên (cả nam và nữ giới) dùng áo Bào Viên Lĩnh cổ tròn cùng mũ Phốc Đầu có hai cánh chuồn. Điều này cũng cho thấy dáng áo Viên Lĩnh được sử dụng rất phổ biến trong giai đoạn đó.
Trang phục thời Lê Sơ như thế nào?
Chia sẻ với Zing, Nguyễn Khánh Dương, người sáng lập và vận hành hệ thống Comicola, cho biết vấn đề lớn nhất mà nhóm gặp phải là độc giả quá quen với phục trang thời Nguyễn với khăn đóng áo dài trong các sản phẩm lịch sử trước đây.
Ai cũng cho rằng cổ phục của người Việt trong giai đoạn phong kiến phải là áo dài, khăn đóng. Vì thế, nhiều người từ chối chấp nhận trang phục thời Lê được thể hiện trong cuốn sách.
Ban đầu, nhiều ý kiến cho rằng những bộ cổ phục trong Dệt nên triều đại có quá nhiều nét giống với hanbok của Hàn Quốc. Từ dáng áo rộng, màu sắc trang phục đến đai áo và cả phần cổ giao lĩnh.
Vì vậy, trong giai đoạn đầu tiên của dự án, việc thuyết phục mọi người về ông cha ta ăn mặc như thế nào thời Hậu Lê quả thực rất khó khăn, dù thông tin được lấy từ nghiên cứu lịch sử.
Trong Dệt nên triều đại, thông tin dựa trên những nghiên cứu lịch sử như cuốn Ngàn năm áo mũ của học giả Trần Quang Đức, Lịch triều Hiến chương Loại chí của Phan Huy Chú hay các hiện vật trang phục lưu trữ ở Bảo tàng Hưng Yên...
Tuy nhiên, về sau, với nỗ lực của nhóm bạn trẻ, dự án về cổ phục đã được ủng hộ. Phản ứng của những bạn đọc đầu tiên được sở hữu cuốn sách cũng rất tốt.
Bên cạnh đó, nhóm thực hiện dự án cũng gặp các vấn đề liên quan tìm tư liệu. Nhóm phải dựa vào tranh, tượng cổ và ghi chép trong sách sử để phục dựng.
Thêm nữa, quá trình gọi vốn cộng đồng cũng là một trong những vấn đề cần giải quyết. Theo quy định, các dự án gọi vốn cộng đồng chỉ được tiến hành khi gọi đủ vốn. Nếu hết thời hạn mà vẫn không đủ, hệ thống sẽ phải hoàn tiền cho những người ủng hộ.
Bất ngờ về giới trẻ
Theo Nguyễn Khánh Dương, bản thảo Dệt nên triều đại hoàn tất vào cuối năm 2019 và được in ngay sau Tết. Nhưng do dịch bệnh, cuốn sách phải hoãn ra mắt tới tận tháng 5 năm nay.
Ý tưởng của Dệt nên triều đại là của nhóm Vietnam Centre, gồm các bạn trẻ yêu văn hóa Việt sinh sống tại Sydney (Australia) và Việt Nam. Tất cả đều chung niềm yêu thích với các tác phẩm giải trí, văn hóa liên quan cổ trang.
Họ nhận thấy vấn đề rất lớn trong việc tạo ra sản phẩm giải trí (phim điện ảnh, phim truyền hình, truyện tranh...) là đều có khó khăn trong việc tìm trang phục. Kỳ vọng của nhóm là làm ra sản phẩm giải trí cổ trang.
“Tôi cũng là người sáng tác các nội dung lịch sử (bộ Long Thần Tướng). Trước đây, chúng ta thường nghe thông tin trên phương tiện truyền thông rằng giới trẻ Việt có vẻ không quan tâm lịch sử. Nhưng trong quá trình triển khai Dệt nên triều đại này, tôi và mọi người mới nhận ra nhiều điều.
Thực ra, giới trẻ Việt Nam rất quan tâm lịch sử nước nhà. Điều chúng ta cần là một sản phẩm, dự án, ý tưởng đủ trẻ, mới lạ, để tạo hứng khởi cho các bạn đọc", Khánh Dương nói.
Nhóm bạn trẻ thực hiện dự án hy vọng những người yêu mến lịch sử Việt Nam sẽ chung tay làm thêm nhiều sản phẩm khác, góp phần tạo ra môi trường nghiên cứu lịch sử của những người trẻ, vui vẻ, sáng tạo, có tính ứng dụng thực tế không bị quá hàn lâm.