Cổ phiếu Angimex (AGM) công ty liên quan ông Đỗ Thành Nhân tăng trần liền 10 phiên bất chấp thua lỗ
Công ty Angimex (mã AGM) liên quan tới ông Đỗ Thành Nhân (đã bị bắt vì thao túng giá cổ phiếu họ nhà Louis). AGM thua lỗ liền 5 quý nhưng cổ phiếu vẫn tăng trần 10 phiên liên tiếp
Vào tháng 4 năm 2022, ông Đỗ Thành Nhân đã bị bắt với tội danh thao túng chứng khoán đối với họ cổ phiếu Louis. Sau sự việc này, CTCP Xuất nhập khẩu An Giang - Angimex (Mã AGM) đơn vị có liên quan tới ông Đỗ Thành Nhân đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc duy trì hoạt động kinh doanh.
Những khó khăn của Angimex thể hiện rõ khi công ty liên tiếp ghi nhận thua lỗ trong nhiều quý. Đồng thời Angimex cũng mất khả năng thanh toán với một số lô trái phiếu đến hạn.
Doanh thu sụt giảm mạnh, Angimex thua lỗ liên tiếp 5 quý
Tình trạng thua lỗ của Angimex bắt đầu kể từ quý 2/2022, là ngay sau thời điểm ông Đỗ Thành Nhân bị bắt với tội danh thao túng chứng khoán. Tại kỳ kinh doanh này, Angimex đạt doanh thu 1.361,6 tỷ đồng, lỗ sau thuế 9,8 tỷ đồng.
Bước sang các quý tiếp theo, quy mô doanh thu của Angimex liên tục sụt giảm, xuống mức 710,4 tỷ trong quý 3/2022 và chạm đáy ở mức 159,3 tỷ đồng trong quý 1/2023.
Lợi nhuận sau thuế của Angimex trong quý 3/2022 là âm 28,9 tỷ đồng, chạm đáy ở quý 4/2022 với khoản lỗ 104,3 tỷ. Sang quý 1/2023, khoản thua lỗ đã được tiết giảm xuống chỉ còn 17,9 tỷ đồng.
Trong kỳ kinh doanh gần nhất quý 2/2023, Angimex chỉ đạt doanh thu 162,3 tỷ đồng. Trong đó giá vốn đã chiếm tới 154,8 tỷ khiến lợi nhuận gộp chỉ còn ở mức 7,5 tỷ đồng. Doanh thu hoạt động tài chính của công ty giảm nhẹ xuống 26,1 tỷ.
Chi phí tài chính ghi nhận ở 45,2 tỷ đồng nhưng điều đáng nói đó là chi phí lãi vay tăng gần gấp 3 lần, từ 15,8 tỷ lên 44,3 tỷ đồng. Điều này cho thấy rằng công ty đang phải gia tăng các khoản vay nợ khiến chi phí lãi vay tăng đột biến, đè nặng lên doanh thu.
Bù lại, chi phí bán hàng được tiết giảm từ 49,6 tỷ xuống chỉ còn 10,5 tỷ đồng. Tuy nhiên chi phí quản lý doanh nghiệp lại tăng từ 6,6 tỷ lên 12,2 tỷ đồng. Chỉ tính riêng trong hoạt động kinh doanh chính, AGM đã lỗ tới 35,6 tỷ đồng.
Sau khi tính thêm các thu nhập khác cùng chi phí về thuế thu nhập doanh nghiệp, lợi nhuận sau thuế của AGM là âm 33,7 tỷ đồng. Lỗ lũy kế trong năm 2023 của AGM đã lên tới 56,4 tỷ đồng.
Cơ cấu nợ chiếm phần lớn tài sản, rủi ro tài chính cao khi nợ vay gấp 3,6 lần vốn chủ
Tính tới cuối quý 2/2023, tổng tài sản của Angimex đạt 1.555,8 tỷ đồng. Trong đó tiền và các khoản tương đương tiền chỉ ở mức 13,3 tỷ đồng. Công ty đang nắm giữ 24,3 tỷ tiền gửi tại ngân hàng, giảm hơn một nửa so với thời điểm đầu năm. Ngoài ra, AGM cũng đang nắm 31,7 tỷ đồng chứng khoán.
Lượng hàng tồn kho của công ty tương đối ít, chỉ 93,4 tỷ đồng trong khi các khoản phải thu ngắn hạn đang lên tới 573,9 tỷ đồng. Ngoài ra, phần lớn tài sản của AGM cũng đang được nằm dưới dạng tài sản cố định, chiếm 628,6 tỷ đồng.
Về cơ cấu nguồn vốn, AGM đang có lượng nợ phải trả chiếm tỷ trọng vô cùng lớn. Nợ phải trả đạt 1.240 tỷ đồng, tương đương với 79,7% tổng nguồn vốn.
Hiện tại AGM đang vay nợ ngắn hạn 541,6 tỷ đồng, vay nợ dài hạn 609,3 tỷ đồng. Như vậy tổng lượng nợ vay của AGM đã lên tới 1.150,9 tỷ đồng. So sánh với vốn chủ sở hữu chỉ còn 315,8 tỷ đồng, có thể thấy rằng vốn chủ của AGM hiện tại thấp hơn lượng nợ vay tới 3,6 lần.
So sánh với thời điểm quý 2/2022, vốn chủ của AGM đang ở mức 557,5 tỷ đồng nhưng hiện tại chỉ còn 315,8 tỷ đồng. Điều này đồng nghĩa với việc vốn chủ của công ty đã bị bào mòn đi tới 43,4% chỉ sau vài quý.
Kinh doanh thua lỗ, vốn chủ bị bào mòn gần một nửa, cổ phiếu AGM vẫn tăng trần liên tiếp 10 phiên
Một điều kỳ lạ đó là bất chấp kết quả kinh doanh bết bát, trong những ngày qua cổ phiếu AGM lại tăng trần bất thường tới 10 phiên liên tiếp.
Cụ thể, từ ngày 20/7/2023 đến ngày 4/8/2023, cổ phiếu AGM đã tăng 98,5%, từ mức giá 5.970 đồng lên 11.850 đồng/cổ phiếu và tiếp tục tăng trần trong phiên thứ 11 vào ngày 7/8/2023, đẩy giá cổ phiếu lên 12.650 đồng/cổ phiếu. Trong ngày 8/8/2023, Angimex tiếp tục tăng trần phiên thứ 12 liên tiếp, ghi nhận mức giá 13.500 đồng/cổ phiếu.
Về vấn đề này, Angimex đã có giải trình rằng hiện tại thị trường lúa gạo thế giới và Việt Nam tiếp tục có nhiều biến động tăng giá do tác động từ cuộc xung đột Nga - Ukraine cùng ảnh hưởng của hiện tượng thời tiết El Nino. Thêm vào đó, việc Ấn Độ, Nga cùng các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất cấm xuất khẩu gạo cũng đã đẩy giá lương thực lên cao.
Tình trạng tăng giá liên tiếp nhiều phiên bất thường này của cổ phiếu AGM đi ngược lại hoàn toàn với kết quả kinh doanh cũng như tình trạng tài chính của công ty.
Hiện tại, dư nợ trái phiếu của AGM với 2 lô trái phiếu là AGMH2123001 với 350 tỷ đồng và AGMH2223001 với dư nợ còn lại 210 tỷ đồng. Cả 2 lô trái phiếu này đều đã phát sinh tình trạng chậm thanh toán lãi đến hạn. AGM cũng từng phải xin ý kiến cổ đông về phương án bán một số tài sản không sử dụng đến để thanh toán nợ trái phiếu.