Cổ phiếu Apple, Foxconn, HP, Dell và các hãng ô tô tăng khi ông Trump gợi ý điều chỉnh thuế
Cổ phiếu các hãng công nghệ lớn và ngành ô tô tại Mỹ đã tăng sau khi chính quyền Trump loại smartphone cùng nhiều thiết bị điện tử khác khỏi danh sách chịu thuế đối ứng cuối tuần qua.
Ngoài ra, Tổng thống Donald Trump hôm 14.4 tiếp tục gây bất ngờ với chính sách thương mại thất thường của mình khi gợi ý có thể điều chỉnh các khoản thuế liên quan đến ô tô đã áp dụng.
Các mức thuế quyết liệt của ông Trump, vốn có thể làm tăng giá mà người tiêu dùng và doanh nghiệp phải trả cho hàng hóa nhập khẩu khoảng 25%, từng gây ra đợt bán tháo tài sản của Mỹ, gồm cổ phiếu, đồng USD và trái phiếu kho bạc. Thị trường đã phục hồi hôm 14.4, nhưng chỉ số S&P 500 (.SPX) vẫn giảm khoảng 8% từ đầu năm đến nay.
S&P 500 là một chỉ số chứng khoán quan trọng của Mỹ, đại diện cho 500 công ty đại chúng lớn nhất đang niêm yết trên các sàn giao dịch của Mỹ như NYSE (Sở giao dịch chứng khoán New York) và Nasdaq.
Nó được xem là chỉ số đại diện tốt nhất cho toàn bộ nền kinh tế Mỹ vì bao gồm các công ty thuộc nhiều ngành nghề khác nhau như công nghệ, tài chính, y tế, năng lượng, tiêu dùng,...
Một số công ty nổi bật trong S&P 500 có thể kể đến Apple, Microsoft, Amazon, Alphabet, Nvidia, Meta Platforms, Tesla.
Việc chính quyền Trump liên tục thay đổi chính sách, đặc biệt là về thuế quan và thương mại, khiến Mỹ không còn được coi là nơi đầu tư an toàn như trước, từ đó làm suy giảm lòng tin vào nền kinh tế từ cả doanh nghiệp lẫn người tiêu dùng.
Phản ứng tiêu cực này buộc Nhà Trắng phải lùi bước, nhưng ông Trump cuối tuần qua vẫn khẳng định rằng sẽ còn nhiều mức thuế khác được áp dụng.
Phát biểu tại Nhà Trắng hôm 14.4, ông Trump cho biết đang xem xét điều chỉnh mức thuế 25% đã áp lên ô tô và linh kiện xe hơi nhập khẩu từ Mexico, Canada cùng các nước khác. Các mức thuế này có thể khiến giá ô tô tăng thêm hàng ngàn USD và ông Trump nói rằng các hãng xe “cần thêm thời gian vì họ sẽ sản xuất tại đây (Mỹ)”.
Các hãng ô tô Mỹ từ lâu đã phát triển chuỗi cung ứng tích hợp chặt chẽ, trong đó chuyển xe qua lại biên giới nhiều lần ở các giai đoạn khác nhau của quá trình sản xuất sau khi Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) được ký kết. Hiệp định này đã được đàm phán lại trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump.
Cổ phiếu hãng ô tô General Motors và Ford Motor tăng lần lượt 3,5% và 4,1% hôm 14.4.
“Chúng tôi chia sẻ mục tiêu của Tổng thống trong việc tăng sản lượng ô tô tại Mỹ và đánh giá cao cuộc đối thoại đang tiếp diễn với chính quyền. Nhiều người ngày càng nhận thức được rằng các mức thuế toàn diện với linh kiện có thể đi ngược lại mục tiêu chung là xây dựng một ngành công nghiệp ô tô Mỹ phát triển mạnh, và rằng việc chuyển đổi chuỗi cung ứng sẽ mất thời gian”, Matt Blunt, Chủ tịch Hội đồng Chính sách Ô tô Mỹ (đại diện cho Ford, GM và Stellantis), nói hôm 14.4.
Việc miễn trừ thuế đối ứng được công bố cuối tuần qua cho thấy Nhà Trắng bắt đầu nhận thức rõ hơn về tác động của thuế quan với người tiêu dùng đang phải vật lộn với lạm phát, đặc biệt là trên các mặt hàng phổ biến như smartphone, laptop và thiết bị điện tử khác. Tuy nhiên, lời hứa sẽ áp thuế thêm với các lĩnh vực chủ chốt như chất bán dẫn trong tuần tới đã khiến cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục rơi vào trạng thái bất ổn.
Chiều 14.4, Nhà Trắng cho biết đã bắt đầu điều tra việc nhập khẩu dược phẩm và chất bán dẫn có gây đe dọa đến an ninh quốc gia hay không – một động thái có thể mở đường cho các biện pháp áp thuế tiếp theo.
"Không chỉ phạm vi áp thuế trên toàn cầu khó nắm bắt, mà sự không chắc chắn còn có nghĩa là các doanh nghiệp sẽ ít tin tưởng vào kế hoạch của mình", các nhà kinh tế tại Morgan Stanley cho biết hôm 14.4. Morgan Stanley là tập đoàn tài chính và đầu tư hàng đầu Mỹ.
Ông Trump và một số quan chức khác, gồm cả Bộ trưởng Thương mại Howard Lutnick, cho rằng thuế quan là cần thiết để thúc đẩy ngành sản xuất của Mỹ và là yếu tố then chốt trong các kế hoạch tài khóa của Nhà Trắng.
Tuy nhiên, mức thuế với hàng nhập khẩu, mà BlackRock ước tính hiện ở mức khoảng 20% sau khi giảm bớt áp thuế với hàng công nghệ, làm suy yếu niềm tin kinh doanh và tiêu dùng. BlackRock là tập đoàn quản lý tài sản lớn hàng đầu thế giới của Mỹ, chuyên đầu tư và quản lý tài chính cho các cá nhân, tổ chức, quỹ hưu trí, ngân hàng trung ương và chính phủ.
Nhà sản xuất hàng xa xỉ LVMH (Pháp) báo cáo doanh số bán hàng tại Mỹ giảm trong quý 1/2025. Các lãnh đạo LVMH cho biết có khả năng tăng sản lượng, dù các cơ sở tại Mỹ đang gặp nhiều khó khăn.
“Sự bất định kéo dài làm tăng nguy cơ suy thoái. Nó có thể cản trở việc đầu tư của doanh nghiệp và làm chậm các cam kết dài hạn”, BlackRock viết, đồng thời cho biết rủi ro của sự cố ngắn hạn đã giảm bớt nhờ việc rút lại một số mức thuế.
Cổ phiếu hãng công nghệ lớn đã giảm mạnh hai tuần qua khi việc áp thuế qua lại giữa Mỹ và Trung Quốc làm dấy lên lo ngại về chi phí tăng, nhu cầu tiêu dùng yếu và sự gián đoạn chuỗi cung ứng tồi tệ nhất kể từ đại dịch COVID-19. Cổ phiếu Apple tăng 2,2% hôm 14.4 sau khi giảm 9% trong hai tuần trước đó. Sản phẩm chủ lực của Apple là iPhone, chủ yếu được sản xuất tại Trung Quốc và nhập khẩu vào Mỹ. Các nhà phân tích cảnh báo iPhone sẽ tăng giá mạnh nếu các mức thuế cao vẫn tiếp diễn.

Cổ phiếu Apple tăng 2,2% hôm 14.4 sau khi ông Trump tạm miễn thuế đối ứng với smartphone, laptop, máy tính và các thiết bị điện tử tiêu dùng khác - Ảnh: Internet
Ông Trump vẫn giữ nguyên mức thuế 145% với Trung Quốc, gồm cả thuế 20% được áp hồi tháng 2 liên quan đến fentanyl.
Fentanyl là một loại thuốc giảm đau opioid tổng hợp cực mạnh, mạnh hơn morphine khoảng 50 - 100 lần. Ban đầu, fentanyl được sử dụng trong y học để điều trị đau nặng, đặc biệt là cho bệnh nhân ung thư hoặc sau phẫu thuật. Tuy nhiên, do tác dụng mạnh và nguy cơ gây nghiện cao, fentanyl đã trở thành một trong những nguyên nhân chính gây ra khủng hoảng ma túy và sốc thuốc quá liều trên toàn cầu, đặc biệt là tại Mỹ.
Opioid là một nhóm chất tác động lên hệ thần kinh trung ương, có tác dụng giảm đau mạnh, nhưng cũng có nguy cơ gây nghiện cao. Opioid bao gồm cả chất tự nhiên, bán tổng hợp và tổng hợp.
Cuối tuần qua, chính quyền Trump tạm miễn trừ thuế đối ứng với 20 danh mục, trong đó có smartphone, laptop, máy tính, thiết bị bán dẫn, chip nhớ và màn hình phẳng. Các nhà phân tích nhận định việc miễn trừ này giúp một số công ty có thêm thời gian lên kế hoạch đối phó với chính sách thuế đang thay đổi.
“Việc loại bỏ kịch bản xấu nhất là một yếu tố hỗ trợ (ít nhất là tạm thời) cho lĩnh vực này”, nhà phân tích Alberto Gegra của Equita nhận xét. Equita là tập đoàn tài chính độc lập hàng đầu tại Ý, chuyên cung cấp các dịch vụ ngân hàng đầu tư và quản lý tài sản. Được thành lập vào năm 1973 và có trụ sở chính tại thành phố Milan (Ý), Equita hoạt động như một đối tác tin cậy cho các nhà đầu tư, công ty niêm yết, doanh nghiệp và tổ chức tài chính.
Hôm 14.4, cổ phiếu các công ty hướng đến người tiêu dùng khác, gồm cả nhà sản xuất phần cứng máy tính như HP và Dell Technologies, lần lượt tăng 2,6% và 4%, trong khi cổ phiếu Nvidia (hãng chip AI số 1 thế giới) lại giảm nhẹ 0,2%. Nvidia hôm qua cho biết sẽ tăng chi tiêu tại Mỹ cho các cơ sở phát triển AI, điều mà ông Trump nói là kết quả từ mối đe dọa thuế quan.
Cổ phiếu nhiều hãng chip châu Âu và châu Á cũng tăng, gồm cả các nhà cung cấp lớn của châu Á cho Apple.
Cổ phiếu Foxconn (hãng lắp ráp iPhone lớn nhất thế giới) tăng 3%, Quanta (nhà sản xuất laptop theo hợp đồng) tăng 5,8% và Inventec (công ty sản xuất máy chủ AI) tăng 4,1%.