Nông dân bán chuối lãi 300 triệu đồng/năm, chuyện khó tin ở Nậm Chảy

Năm ngoái, nhà ông Giàng Sử Hòa ở Nậm Chảy thu 500 triệu đồng từ chuối, chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc, trừ chi phí lãi khoảng 300 triệu đồng. Trồng chuối nhàn hơn mà thu nhập cao hơn gấp nhiều lần so với trồng ngô, sắn.

Thu nhập cao và ổn định từ cây chuối

Hơn 10 năm trồng chuối, ông Giàng Sử Hòa ở Nậm Chảy (huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai) nhận thấy, cây chuối mang lại lợi ích kinh tế cao hơn hẳn nhiều loại cây nông nghiệp truyền thống khác.

“Nhà mình có khoảng 3 ha trồng chuối, với 6.000 cây cho thu hoạch trong năm. Làm chuối nhàn hơn, mà thu nhập cao hơn hẳn trồng ngô, sắn. Chuối chăm sóc tốt có thể thu bình quân 300 triệu đồng/năm. Ngoài quả chuối còn có thêm nguồn thu từ sản phẩm phụ, chẳng hạn như thân chuối hoặc lá chuối. Năm nay mình bán lá khô cũng được 18-20 nghìn đồng/kg”, ông Hòa nêu vài con số khiến nhiều người ngạc nhiên.

Ông Giàng Sử Hòa - nông dân ở Nậm Chảy (huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai)

Ông Giàng Sử Hòa - nông dân ở Nậm Chảy (huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai)

Với mô hình trồng chuối, gia đình ông Hòa có thể làm kinh tế ngay tại vườn nhà, không phải bươn trải nơi khác kiếm sống. Kết hợp với chăn nuôi gà, lợn, vợ chồng ông có đủ nguồn thu trang trải cho cuộc sống.

Chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc chuối, ông cho biết: Giai đoạn đầu dùng phân vi sinh, phân chuồng, kết hợp với phân bón NPK và ít đạm, lân. Một năm có thể bón 3-4 lần. Thời kỳ cây chuối chuẩn bị ra hoa, cần phải làm cỏ thường xuyên, phải dọn sạch gốc chuối rồi mới bón phân. Khi cây chuối đậu quả, nên bọc túi vào buồng chuối để không bị sâu, bọ phá hỏng.

Chuối của nhà ông Hòa chủ yếu bán sang Trung Quốc, và một phần để bán chuối thờ cho khách hàng trong nước vào dịp Tết. Giá bán ngày thường bình quân từ 5-20 nghìn đồng/kg. Dịp Tết, buồng chuối đẹp khoảng 25-35kg trở lên thì bán được 25 nghìn đồng/kg.

“Năm đạt doanh thu cao nhất từ chuối là năm ngoái, nhà mình thu 500 triệu đồng, trừ chi phí thì lãi khoảng 300 triệu đồng”, ông Hòa cười vui.

Tuy nhiên, vòng đời cây chuối chỉ khoảng 5 năm. Chất lượng và sản lượng chuối thu hoạch tốt nhất trong năm thứ 2 và năm thứ 3. Sau đó chất lượng giảm dần.

Đặc biệt, bệnh vàng lá Panama vẫn đang là nỗi ám ảnh lớn đối với những hộ gia đình trồng chuối, bởi chưa có thuốc chữa.

“Chuối chỉ trồng được trong thời hạn 5 năm thôi, sau đó phải chuyển nương. Mảnh vườn này của nhà mình cũng 5 năm rồi, năm sau sẽ phải chuyển sang trồng loại cây khác, chẳng hạn trồng ngô để thay thế. Mình sẽ lại thuê đất của bà con ở vùng lân cận để trồng chuối tiếp. Giá thuê đất ở đây tính theo hốc chuối - 10 nghìn đồng/hốc, so với giá thị trường bây giờ thì làm cũng ổn”, ông Hòa dự tính.

Đưa chuối Mường Khương sang các thị trường khó tính như Nhật Bản

Không chỉ riêng Nậm Chảy mà ở nhiều xã khác của huyện Mường Khương, chuối đã trở thành loại cây trồng chủ lực bởi rất phù hợp với điều kiện khí hậu, đất đai, canh tác đặc thù ở địa phương.

Nhiều hộ dân đã chuyển đổi diện tích đất trồng ngô kém hiệu quả sang trồng loại cây trồng hàng hóa có giá trị kinh tế cao này.

“Giá chuối lúc cao điểm từ 10-12 nghìn đồng/kg, thấp điểm thì khoảng 5-6 nghìn đồng/kg. Với năng suất khoảng 25-30 tấn/ha, cây chuối đem lại giá trị kinh tế rất cao, gấp khoảng 5- 6 lần so với trồng lúa”, ông Tô Việt Thành, Phó chủ tịch UBND huyện Mường Khương thông tin.

Hiện chuối là mặt hàng xuất khẩu chính ngạch duy nhất của tỉnh Lào Cai xuất sang Trung Quốc. Trên 95% sản phẩm chuối của huyện đã xuất khẩu sang nước bạn. Các sản phẩm chuối ở Mường Khương đều gắn với truy xuất nguồn gốc, có doanh nghiệp bao tiêu đầu ra.

Ông Thành cũng chia sẻ nỗi lo lắng, băn khoăn của người trồng chuối về những ảnh hưởng không nhỏ bởi dịch bệnh vàng lá Panama khi chỉ trồng chuyên canh nhiều năm trên một vùng đất.

Theo ông, để giảm thiểu thiệt hại, bà con nên tìm hiểu thêm thông tin về kỹ thuật canh tác, sử dụng những loại giống kháng bệnh, trồng luân canh (mỗi vụ trồng khoảng 3-4 năm rồi chuyển đổi sang cây trồng khác, rồi một thời gian mới quay lại trồng chuối).

Xã Nậm Chảy có 11 thôn, với hơn 3.300 nhân khẩu, gồm nhiều dân tộc cùng sinh sống (Mông, Dao, Nùng, Pa Dí, Bố Y, Mường...). Nguồn thu nhập ổn định từ cây chuối đã giúp nhiều hộ dân thoát nghèo, cải thiện cuộc sống.

Năm 2024, huyện Mường Khương đã hỗ trợ giống chuối từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia cho người dân các xã Nậm Chảy, Lùng Khấu Nhin, Lùng Vai...

Ngành nông nghiệp huyện đang phối hợp với các sở, ngành của tỉnh Lào Cai trồng thí điểm giống chuối mới có khả năng kháng bệnh tốt hơn và nâng cao năng suất cây trồng.

“Chúng tôi phấn đấu đến hết năm 2025, diện tích trồng chuối của cả huyện đạt trên 10.000 ha. Hiện tại thị trường xuất khẩu số 1 của chuối Mường Khương vẫn là Trung Quốc. Nhưng chúng tôi cũng đang mong muốn và sẽ cố gắng để có thể xuất khẩu sang những thị trường khó tính hơn, đặc biệt là Nhật Bản, đem lại giá trị kinh tế lớn hơn cho bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”, Phó chủ tịch huyện Mường Khương bày tỏ.

Bình Minh

Thạch Thảo

Xuân Minh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/nong-dan-ban-chuoi-lai-300-trieu-dong-nam-chuyen-kho-tin-o-nam-chay-2391402.html