Cổ phiếu bất động sản dậy sóng, chứng khoán châu Á phần lớn đi lên

Cuối phiên sáng, VN-Index tăng 11,17 điểm lên 1.442,49 điểm với động lực chính đến từ dòng tiền lớn đổ vào nhóm vốn hóa lớn, đặc biệt là cổ phiếu bất động sản.

Khách hàng giao dịch tại Hội sở chính Công ty Chứng khoán Bảo Việt. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Khách hàng giao dịch tại Hội sở chính Công ty Chứng khoán Bảo Việt. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Thị trường chứng khoán sáng 10/7 tiếp tục duy trì xu thế tăng mạnh với động lực chính đến từ dòng tiền lớn đổ vào nhóm vốn hóa lớn, đặc biệt là cổ phiếu bất động sản.

Cuối phiên sáng, VN-Index tăng 11,17 điểm lên 1.442,49 điểm.

Thanh khoản đạt gần 596 triệu đơn vị, tương ứng hơn 14.692 tỷ đồng.

Toàn sàn ghi nhận 170 mã tăng giá, 122 mã giảm và 61 mã đi ngang, cho thấy tâm lý tích cực đang lan tỏa.

Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index nhích nhẹ 0,17 điểm, đạt 1.238,8 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 61,6 triệu đơn vị, tương ứng 1.012,4 tỷ đồng. Có 79 mã tăng giá, 45 mã giảm và 72 mã đứng giá.

Trong khi đó, UPCOM-Index giảm nhẹ 0,17 điểm xuống 102,33 điểm. Thanh khoản ở mức hơn 26,3 triệu đơn vị, tương ứng hơn 343,8 tỷ đồng. Toàn sàn có 123 mã tăng giá, 90 mã giảm và 86 mã đi ngang.

Tâm điểm của phiên sáng là nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, đặc biệt là các mã thuộc họ Vingroup.

VIC tăng kịch trần, VHM tăng 3,42%, VRE tăng 4,29% - trở thành lực đỡ quan trọng kéo thị trường đi lên.

Bên cạnh đó, GVR tăng hơn 2%, MSN tăng 1,98% cũng góp phần củng cố đà tăng.

Ngược lại, nhóm cổ phiếu ngân hàng giao dịch kém tích cực với nhiều mã chìm trong sắc đỏ. Tuy nhiên, dòng tiền đã nhanh chóng dịch chuyển sang bất động sản, tâm điểm của phiên giao dịch.

Ngoài các mã thuộc họ Vingroup, nhiều cổ phiếu khác như XDH, LDG, HDB, DRH cũng bứt phá mạnh lên mức giá trần.

Sau chuỗi tăng nóng, nhóm cổ phiếu chứng khoán đã chững lại trong phiên sáng nay, nhiều mã lớn giảm như HCM, MBS, SHS, VND.

Nhóm bảo hiểm cũng chìm trong sắc đỏ, cùng đó nhóm dầu khí diễn biến không khả quan với loạt mã giảm như PVB, PVD, PVS, TOS, POS.

Ở chiều ngược lại, nhóm bán lẻ, công nghệ thông tin và viễn thông ngập trong sắc xanh, đóng góp tích cực cho diễn biến chung của thị trường.

Diễn biến trong phiên sáng 10/7 cho thấy dòng tiền đang có sự dịch chuyển rõ nét, tập trung mạnh vào nhóm bất động sản, đặc biệt là các mã dẫn dắt như họ Vingroup đã tạo lực đẩy quan trọng đưa VN-Index vượt ngưỡng 1.440 điểm.

Dù một số nhóm ngành điều chỉnh nhẹ, nhưng sự lan tỏa của dòng tiền và tâm lý tích cực từ nhà đầu tư được cho là vẫn đang củng cố cho xu hướng đi lên của thị trường trong ngắn hạn.

 Nhà đầu tư theo dõi chỉ số chứng khoán tại tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. (Ảnh: THX/TTXVN)

Nhà đầu tư theo dõi chỉ số chứng khoán tại tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. (Ảnh: THX/TTXVN)

Thị trường chứng khoán châu Á ghi nhận xu hướng tăng trong phiên sáng 10/7, khi giới đầu tư lạc quan rằng chính phủ các nước sẽ đạt được thỏa thuận nhằm tránh những tác động xấu nhất từ loạt thuế quan mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump, bất chấp việc ông tiếp tục mở rộng phạm vi áp thuế.

Các nhà đàm phán trên thế giới đang nỗ lực đạt được thỏa thuận với Washington sau khi ông Trump công bố gói thuế "Ngày Giải phóng" hồi tháng 4/2025, với thời hạn chót ban đầu là ngày 9/7 vừa được gia hạn đến 1/8.

Mỹ gần đây đã gửi thư tới hơn 20 đối tác thương mại, trong đó có Nhật Bản và Hàn Quốc, thông báo về các mức thuế mới, một số cao hơn và một số thấp hơn so với ban đầu. Ông Trump cũng tuyên bố sẽ áp thuế 50% với đồng và cân nhắc mức thuế 200% với dược phẩm.

Tuy nhiên, theo giới phân tích, các cảnh báo thuế quan phần lớn được xem như công cụ đàm phán, và nhà đầu tư đã dần thích ứng với tình hình này.

Ông David Chao, chiến lược gia thị trường toàn cầu khu vực châu Á-Thái Bình Dương tại công ty quản lý đầu tư Invesco, cho rằng khu vực châu Á có vị thế tốt hơn để ứng phó với các rủi ro từ chính sách thuế.

Đồng USD yếu hơn cũng tạo điều kiện để những ngân hàng trung ương trong khu vực nới lỏng chính sách hỗ trợ kinh tế mà không lo đồng nội tệ mất giá mạnh.

Tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 giảm 210,67 điểm (tương đương 0,53%) xuống còn 39.610,61 điểm.

Đồng yen mạnh lên so với USD, giao dịch ở mức 146,08 yen đổi 1 USD vào trưa cùng ngày, so với mức 146,84 yen/USD cuối phiên trước. Đà tăng của đồng nội tệ khiến cổ phiếu ngành xuất khẩu, nhất là nhóm cổ phiếu ôtô và điện tử, bị bán tháo do lợi nhuận khi chuyển đổi từ ngoại tệ giảm.

Ngoài ra, tâm lý thị trường cũng chịu ảnh hưởng bởi sự thiếu tiến triển trong các cuộc đàm phán thương mại Nhật-Mỹ và việc nhà đầu tư tạm thời đứng ngoài cuộc trước thềm cuộc bầu cử Thượng viện Nhật Bản dự kiến diễn ra vào ngày 20/7.

Ngược lại, thị trường chứng khoán Hàn Quốc tăng mạnh trong phiên sáng nhờ sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu bán dẫn.

Chỉ số KOSPI tăng 31,15 điểm (0,99%) lên 3.164,89 điểm lúc 11 giờ 20 phút sáng (giờ địa phương). Tỷ giá won/USD ở mức 1.372,45 won đổi 1 USD, tăng nhẹ 2,55 won/USD so với phiên trước.

Các thị trường chứng khoán Hong Kong, Thượng Hải, Sydney, Singapore, Seoul, Manila và Jakarta, các chỉ số đều tăng. Tuy nhiên, thị trường Wellington của New Zealand lại đỏ sàn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/co-phieu-bat-dong-san-day-song-chung-khoan-chau-a-phan-lon-di-len-post1048946.vnp