Bỏ độc quyền vàng miếng, vàng Phú Nhuận (PNJ) đứng trước cơ hội 'vàng' mở rộng kinh doanh

Là doanh nghiệp bán lẻ trang sức niêm yết lớn nhất hiện nay, Vàng Phú Nhuận (mã cổ phiếu PNJ) được kỳ vọng hưởng lợi lớn nếu dự thảo về việc bỏ độc quyền vàng miếng, cho phép các đơn vị tư nhân đủ điều kiện tham gia nhập khẩu vàng để sản xuất trang sức mỹ nghệ, vàng miếng được thông qua.

Hướng tới bỏ độc quyền vàng miếng

Tại Công điện số 104/CĐ-TTg ngày 6/7/2025 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường các biện pháp quản lý thị trường vàng phù hợp, hiệu quả và trình dự thảo nghị định sửa đổi Nghị định 24/2012 về quản lý kinh doanh vàng trước ngày 15/7.

Được ban hành từ năm 2012, Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý thị trường vàng đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát hoạt động kinh doanh vàng miếng và nhập khẩu vàng nguyên liệu.

Tuy nhiên, sau hơn một thập kỷ áp dụng, việc sửa đổi Nghị định 2424/2012/NĐ-CP đã trở nên cấp thiết để phù hợp với thực tiễn nhằm khắc phục một số bất cập về thị trường, chênh lệch giá vàng trong nước với giá vàng thế giới cũng như thúc đẩy tính minh bạch và cạnh tranh lành mạnh tại thị trường vàng.

Dự thảo nghị định sửa đổi Nghị định 2424/2012/NĐ-CP đề xuất cơ quan quản lý sẽ kiểm soát thị trường vàng qua cấp hạn mức và giấy phép nhập khẩu vàng cấp từng lần cho tổ chức tín dụng, doanh nghiệp đủ điều kiện.

Dự thảo nghị định sửa đổi Nghị định 2424/2012/NĐ-CP đề xuất cơ quan quản lý sẽ kiểm soát thị trường vàng qua cấp hạn mức và giấy phép nhập khẩu vàng cấp từng lần cho tổ chức tín dụng, doanh nghiệp đủ điều kiện.

Theo dự thảo nghị định sửa đổi Nghị định 2424/2012/NĐ-CP cơ chế độc quyền sản xuất vàng miếng được gỡ bỏ. Thay vào đó, cơ quan quản lý sẽ kiểm soát thị trường qua cấp hạn mức và giấy phép nhập khẩu từng lần cho tổ chức tín dụng, doanh nghiệp đủ điều kiện. Doanh nghiệp muốn được cấp phép sản xuất vàng miếng phải có vốn điều lệ tối thiểu 1.000 tỷ đồng, ngân hàng là 50.000 tỷ đồng.

Chứng khoán Maybank nhận định các đề xuất trong dự thảo nghị định sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP đánh dấu một bước chuyển chiến lược hướng tới tự do hóa thị trường vàng, phù hợp với Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị - trong đó xác định khu vực tư nhân là động lực chính của tăng trưởng kinh tế.

Việc sửa đổi nghị định sẽ mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp có năng lực tài chính, quản trị chuyên nghiệp và tuân thủ tốt được tham gia sâu hơn vào thị trường vàng thế giới. Đồng thời, sẽ giải tỏa những nút thắt về nguồn cung vàng, đặc biệt là vàng nguyên liệu cho các nhà sản xuất trang sức trong nước.

Bên cạnh đó, việc chấn chỉnh hoạt động kinh doanh vàng và quản lý chặt chẽ tuân thủ thuế sẽ buộc các doanh nghiệp yếu kém phải cải thiện năng lực kinh doanh hoặc rời bỏ thị trường, thúc đẩy quá trình chuyển dịch thị trường theo hướng bền vững hơn.

Kỳ vọng Vàng Phú Nhuận (PNJ) hưởng lợi lớn

Kết quả kinh doanh quý 1/2025 của Vàng Phú Nhuận. (Nguồn: Vàng Phú Nhuận)

Kết quả kinh doanh quý 1/2025 của Vàng Phú Nhuận. (Nguồn: Vàng Phú Nhuận)

Cũng theo Chứng khoán Maybank, trong số các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán, Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (Vàng Phú Nhuận, mã cổ phiếu PNJ - sàn HoSE) sẽ hưởng lợi lớn từ việc tháo gỡ các nút thắt của thị trường vàng.

Tính đến cuối quý 1/2025, Vàng Phú Nhuận có 428 cửa hàng kinh doanh trên toàn quốc và 01 trung tâm kinh doanh sỉ, và tổng tài sản đạt hơn 17.400 tỷ đồng; qua đó, trở thành nhà bán lẻ trang sức lớn nhất Việt Nam.

Xét về kết quả kinh doanh, Vàng Phú Nhuận ghi nhận 9.635 tỷ đồng doanh thu thuần trong quý 1/2025, giảm 23,5% so với cùng kỳ năm 2024, do mảng vàng 24k giảm tới 65,8% khi nguồn cung vàng nguyên liệu gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, doanh thu trang sức bán lẻ vẫn tăng trưởng hơn 6% và doanh thu trang sức bán sỉ tăng trưởng tới gần 23% so với cùng kỳ năm ngoái.

Chia sẻ về chiến lược kinh doanh trong thời gian tới, ban lãnh đạo Vàng Phú Nhuận cho biết sẽ tăng tốc phát triển công nghệ bán lẻ hiện đại nhằm tối ưu hiệu quả hoạt động và chi phí. Trong đó, công ty sẽ đẩy mạnh chuyển đổi số, từng bước triển khai ứng dụng các giải pháp AI vào hoạt động kinh doanh và vận hành, tiến tới nâng cao chất lượng dịch vụ để tối ưu hóa doanh thu.

Vàng Phú Nhuận cũng sẽ tiếp tục phát triển chiều sâu và chiều rộng thị trường trang sức với những mô hình bán hàng mới, tối ưu hiệu quả điểm bán, tăng tốc phát triển các mảng kinh doanh mới, và sẽ chuyển đổi từ công ty trang sức sang công ty lifestyle để theo kịp các nhu cầu ngày càng biến động của thị trường.

Duy Quang

Nguồn Tạp chí Công thương: https://tapchicongthuong.vn/bo-doc-quyen-vang-mieng--vang-phu-nhuan--pnj--dung-truoc-co-hoi--vang--mo-rong-kinh-doanh-142632.htm