Cổ phiếu của Sabeco liệu có phục hồi sau khi chạm đáy lịch sử?
Bia Sài Gòn vẫn là thương hiệu chiếm thị phần cao nhất tại Việt Nam và Sabeco được kỳ vọng sẽ có mức tăng trưởng tốt khi toàn ngành phục hồi.
Trong giai đoạn thị trường chứng khoán phục hồi từ cuối năm 2022 đến nay, cổ phiếu SAB của Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước Giải khát Sài Gòn (Sabeco) có diễn biến đi ngược. Từ một mã có thị giá nằm trong danh sách đắt đỏ nhất trên sàn, SAB giảm liên tục và từng rơi xuống vùng đáy lịch sử hơn 56.000 đồng vào phiên cuối tháng 2 vừa qua. Mã chỉ thu hút lực cầu trở lại trong mấy phiên gần đây, đóng cửa phiên 7/3 ở mức giá 60.600 đồng/cp.
Với mức giá trên, vốn hóa của Sabeco trên sàn hiện đạt gần 78.000 tỷ đồng.
Việc đi xuống của giá cổ phiếu Sabeco đến từ triển vọng kém sáng sủa của ngành bia tại Việt Nam. Nhu cầu tiêu thụ giảm do kinh tế khó khăn cùng việc siết chặt quy định nồng độ cồn của người tham gia giao thông khiến doanh số bán hàng của các hãng bia "tụt dốc".
Năm 2023, doanh thu của Sabeco đạt 30.706 tỷ đồng, giảm 13% so với năm trước và thấp hơn cả năm 2016. Khấu trừ chi phí, doanh nghiệp lãi sau thuế 4.255 tỷ đồng, giảm 23%.
Trong báo cáo phân tích triển vọng Sabeco mới cập nhật, SSI ước tính tiêu thụ toàn ngành bia trong năm 2023 giảm 8-9% so với cùng kỳ. Sản lượng của SAB cũng giảm nhưng doanh thu được bù đắp một phần nhờ mức tăng giá bán trung bình (ở mức thấp một chữ số). Điểm tích cực là SAB đã tăng được thị phần ở phân khúc phổ thông và cận cao cấp.
Theo SSI, bia vẫn là đồ uống có cồn được yêu thích và công ty đang đặt cược vào sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ giúp mức tiêu thụ bia hồi phục. Ban lãnh đạo kỳ vọng mức tiêu thụ bình quân đầu người sẽ không giảm do người tiêu dùng sẽ quen với Nghị định 100, nhưng xu hướng tiêu dùng có thể chuyển sang uống bia có nồng độ cồn thấp hơn/vị nhẹ hơn trong tương lai.
SAB dự kiến hoàn tất hợp nhất CTCP Tập đoàn Bia Sài Gòn Bình Tây (Sabibeco, mã SBB) vào khoảng giữa quý 2/2024, mặc dù chưa rõ về mức độ cải thiện biên lợi nhuận sau hợp nhất. Sabibeco sở hữu bia không cồn (Sagota No-Alcohol) có thể giúp người uống bia tỉnh táo, nhưng dòng bia này vẫn chưa mạnh ở thị trường Việt Nam.
SSI nhận định, mức tiêu thụ ngành bia có thể sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng bởi việc việc áp dụng quy định cấm nồng độ cồn, tốc độ thay đổi thói quen của người tiêu dùng chậm, và người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu. Nhìn sang Trung Quốc, Chính phủ nước này áp dụng luật nồng độ cồn nghiêm ngặt trong giai đoạn 2011-2023, khiến mức tăng trưởng ngành đã chững lại đáng kể.
Do đó, đơn vị phân tích cho rằng các quy định tương tự được áp dụng tại Việt Nam sẽ là yếu tố chính khiến mức tăng trưởng chậm lại. Heineken và Carlsberg - các đối thủ cạnh tranh chính của SAB cũng bày tỏ sự không chắc chắn về tốc độ tăng trưởng sản lượng, nhưng cũng lạc quan hơn về biên lợi nhuận được cải thiện so với 2023.
SSI dự báo doanh thu thuần của SAB trong năm 2024 sẽ đạt 29.700 tỷ đồng (giảm 2,5% so với năm 2023) và lợi nhuận sau thuế đạt 4.500 tỷ đồng (tăng 5%). Đồng thời hạ tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) giai đoạn 2024-2027 đối với doanh thu từ 6,7% xuống 3,5% và đối với lợi nhuận ròng từ 8,8% xuống 4,6%.
Về cổ phiếu, SSI cho rằng mức giá hiện tại của SAB đã phản ánh các tin không tốt. Bia Sài Gòn vẫn là thương hiệu thị phần cao nhất tại Việt Nam và Sabeco sẽ có mức tăng trưởng tốt khi toàn ngành phục hồi.
SAB đang giao dịch ở mức P/E 2024 là 18x, thấp hơn 1SD so với mức trung bình 5 năm (23x).
Vào cuối năm 2017, Vietnam Beverage – thành viên thuộc Thaibev đã chi đến 5 tỷ USD (khoảng 110.000 tỷ đồng) mua trọn lô 343,66 triệu cổ phiếu SAB từ đợt thoái vốn của Bộ Công Thương, qua đó chính thức nắm quyền chi phối Sabeco. Khoản đầu tư này của Thaibev thường xuyên trong trạng thái "tạm lỗ", giá trị hiện chỉ còn khoảng 42.000 tỷ đồng (khoảng 1,7 tỷ USD).
Tuy nhiên, Thaibev đầu tư vào Sabeco với tầm nhìn dài hạn, cùng tham vọng chiếm lĩnh thị trường bia Việt Nam qua đó tạo bàn đạp hướng đến khu vực Đông Nam Á. “Đại gia” Thái Lan cũng nhận tiền mặt "đều như vắt tranh" từ hãng bia Việt Nam, với số tiền bỏ túi tính ra đã lên tới hơn 9.000 tỷ đồng.