Cổ phiếu đảo chiều tăng, thị trường đã thoát gánh nặng?
Thị trường có một phiên phục hồi rất cởi mở sau khi chứng khoán toàn cầu cũng 'thở phào' với mức tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm. Hai 'gánh nặng' cùng được dỡ bỏ khi hợp đồng tương lai chỉ số tháng 6 cũng đáo hạn. Cổ phiếu blue-chips đang dẫn nhịp phục hồi.
Hiệu ứng FED đã hết?
Thị trường chứng khoán toàn cầu (trong đó có cả Việt Nam) đã lao dốc mấy ngày qua dưới sức ép phỏng đoán Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) sẽ tăng lãi suất gấp gáp hơn bình thường. Cách đây khoảng 1 tháng, thị trường dự báo FED sẽ tăng 0,5 điểm phần trăm, nhưng sau khi có báo cáo lạm phát tháng 5 thì các thị trường ngay lập tức chiết khấu nguy cơ bước tăng sẽ là 0,75 điểm phần trăm. Đêm qua khả năng này đã được xác nhận, nhưng đồng loạt các thị trường quay đầu phục hồi.
Sự hỗ trợ tâm lý từ diễn biến các thị trường quốc tế đã ủng hộ thị trường trong nước phục hồi hôm nay. Ít nhất các nhà đầu tư cũng có thể cho rằng mức giảm trước đó đã phản ánh quyết định của FED. Trong các mối lo ngại thông tin tuần này thì việc FED tăng lãi suất là quan trọng nhất.
Diễn biến phiên giao dịch VN-Index
Tâm lý thị trường hôm nay rất mạnh, không hẳn dòng tiền gia tăng ào ạt mà là nhà đầu tư không còn muốn bán tháo nữa. Ngược lại, nhà đầu tư muốn mua lại chấp nhận mua ở giá cao hơn, nên cổ phiếu tăng khá đều. VN-Index đến phút cuối cùng của đợt khớp lệnh liên tục đã tăng 2,67% so với tham chiếu và cũng là đỉnh cao nhất ngày.
Tuy nhiên thị trường trong nước còn đối diện với một yếu tố riêng có, đó là phiên đáo hạn phái sinh kỳ hạn tháng 6 với hợp đồng tương lai chỉ số VN30. Những ngày đáo hạn phái sinh thường khó đoán và hay có biến động mạnh. Phiên đáo hạn hôm nay cũng là lần đầu tiên giá thanh toán được tính theo cách mới, nhưng cơ bản biến động vẫn khá mạnh.
Nhiều cổ phiếu lớn trong chỉ số VN30 thay đổi giá khá đột ngột theo hướng giảm (so với mức cao trước đó) khiến các chỉ số chịu áp lực. VN30-Index để mất khoảng 9 điểm ở đợt ATC, làm giảm mức tăng khá nhiều. VN-Index cũng “tuột” mất hơn 6 điểm. Tuy nhiên VN-Index chung cuộc vẫn có ngày tăng 1,87% và VN30-Index tăng 2,18%.
Mức tăng này vẫn thể hiện sức mạnh đáng kể: GAS tăng 3,2%, HPG tăng 5,4%, VNM tăng 5,4%, MSN tăng 4,4%, VCB tăng 3,4%. Đó là các cổ phiếu vốn hóa rất lớn, tạo lực kéo chính cho các chỉ số. Một so sánh đơn giản: Chỉ số Midcap tăng 1,23%, chỉ số Smallcap tăng 0,11%. Rõ ràng là blue-chips đang có sức mạnh vượt trội. Mặt khác, số lượng cổ phiếu tăng giá chung trên sàn HoSE là 298 mã, số giảm 154 mã, không quá áp đảo. Thế nhưng nhóm Vn30 chỉ có 2 mã giảm là VIC và SSI, MBB tham chiếu, còn lại đều tăng.
Thị trường thật sự thoát gánh nặng?
Tuần giao dịch này có nhiều yếu tố kết hợp và ít nhất đến hôm nay, đã có hai yếu tố kết thúc là FED tăng lãi suất và đáo hạn phái sinh. Các giao dịch ETF có thể sẽ gây ảnh hưởng thêm đến hết tuần. Vì vậy nếu thị trường tiếp tục được nâng đỡ bởi nhóm cổ phiếu blue-chips, cơ hội phục hồi nối tiếp sẽ là cao.
VN-Index tuy còn giảm khá mạnh tính từ đầu tuần, nhưng vẫn nằm trong biên độ điều chỉnh kiểm định đáy thông thường. Thậm chí mốc 1,200 điểm vẫn đang được chỉ số giữ vững. Hôm nay các blue-chips nhận được lực cầu khá mạnh, thanh khoản của nhóm VN30 tăng 4% trong khi tính chung cả sàn HoSE giảm giao dịch hơn 6%, Midcap giảm 5% và Smallcap giảm hơn 4%.
Mặt khác, trong bối cảnh thanh khoản chung yếu, không phải cổ phiếu nào cũng thanh khoản kém. Dòng tiền vẫn có thể tập trung vào các cổ phiếu ưa thích và giao dịch sôi động. Nhóm năng lượng với các đại diện POW, REE thanh khoản rất cao, hay cổ phiếu dầu khí hóa chất phân bón với DGC, GAS, DCM, DPM đều nằm trong nhóm dẫn đầu về giao dịch. Các cổ phiếu nhận được dòng tiền mạnh đổ vào mua đại đa số là tăng giá xuất sắc.
Vì vậy cơ hội của thị trường cũng sẽ không chia đều cho tất cả. Các cổ phiếu mạnh và có triển vọng cơ bản hấp dẫn đang nhận được dòng tiền tốt nhất. Cơ hội như vậy sẽ “chắc ăn” hơn, khi có sự hội tụ cả yếu tố thị trường (dòng tiền) và yếu tố cơ bản (lợi nhuận quý 2 tốt).