Cổ phiếu dệt may ngược dòng bứt phá, FRT lập đỉnh mới

Phiên giao dịch cuối cùng của tháng 5, thị trường chứng khoán Việt Nam khá ảm đạm với thanh khoản sụt giảm. Tuy nhiên một số nhóm cổ phiếu nhỏ vẫn diễn biến tích cực, như nhóm bán lẻ, dệt may, vận tải...

Giao dịch sàn HoSE phiên 31/5.

Giao dịch sàn HoSE phiên 31/5.

Kết phiên 31/5, VN-Index dừng ở mốc 1.261,72 điểm, giảm 4,6 điểm so với kết phiên trước. HNX-Index cũng giảm 0,9 điểm trong khi UPCoM tăng nhẹ 0,08 điểm. Thanh khoản sụt giảm với tổng giá trị khớp lệnh đạt hơn 19.000 tỷ đồng. Trong đó, khối ngoại chiếm hơn 4.000 tỷ đồng và vẫn tiếp tục bán ròng mạnh gần 1.400 tỷ đồng trên sàn HoSE.

Tâm điểm bán ròng hôm nay là VHM với giá trị hơn 640 tỷ đồng. VCB cũng bị bán ròng mạnh hơn 250 tỷ đồng, kế đến là MWG 130 tỷ đồng, VNM 100 tỷ đồng; MBB, VRE trên 70 tỷ đồng; VND trên 40 tỷ đồng; SSI, TPB trên 30 tỷ đồng...

Chiều mua ròng dẫn đầu là TCB với hơn 62 tỷ đồng. Danh sách mua ròng còn có MSN 53 tỷ đồng, FPT 48 tỷ đồng, HPG 22 tỷ đồng; DGC, NTL, NVL, HAG, BWE, PDR, KDH... trên 10 tỷ đồng.

VN30 giảm hơn 3 điểm. VCB tác động tiêu cực nhất đến chỉ số khi giảm 1,6%. Giảm sâu nhất là GVR -2,4%. BID, GAS, POW, SAB, VIB giảm hơn 1%. Các mã còn giữ được sắc xanh gồm CTG, HDB, HPG, MWG, TCB, VIC, VJC, VPB, VRE. Trong đó, HPG và MWG tăng tốt nhất với tỷ lệ hơn 1%.

Không chỉ MWG, các cổ phiếu bán lẻ hôm nay cũng đều thể hiện sự tích cực. FRT tăng 3,3%, lập đỉnh mới ở vùng giá 170.500 đồng/cp. DGW tăng 1,7%, PNJ cũng tăng hơn 1%.

Tuy nhiên bán lẻ không phải là nhóm tăng tốt nhất, mà vị trí này thuộc về nhóm dệt may. VGT của Tập đoàn Dệt may Việt Nam tăng 6% lên mức giá 16.000 đồng/cp. TCM của Dệt may Thành Công tăng 5,4% lên mức giá 54.800 đồng/cp. GIL của Xuất nhập khẩu Bình Thạnh tăng 5,8% lên mức giá 36.700 đồng/cp. TNG tăng 3,5% lên giá 26.600 đồng/cp...

Từ đầu tháng 5 đến nay, các mã dệt đều đã tăng giá đáng kể. Nhóm này được hỗ trợ bởi thông tin Mỹ xem xét công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường.

Nhóm vận tải cũng ghi nhận một số mã tăng giá tốt, như VSC +3,8%, ACV +4,1%, GMD +1,1%, HAH +1%. HVN và VJC tăng nhẹ. Chiều ngược lại, VOS giảm sàn, PVT, VTP, VTO, VIP đều ở chiều giảm.

Trong khi một số nhóm nhỏ bứt phá thì các nhóm trụ cột của thị trường lại ghi nhận dòng tiền rút ra nhiều hơn. Tuy nhiên đa số các mã biến động trong biên độ hẹp. Tại nhóm ngân hàng, ngoài VCB thì áp lực giảm còn đến từ BID, VIB giảm hơn 1%. BAB và NVB giảm hơn 2%. ACB, LPB, MBB, TPB, VBB giảm nhẹ.

Chiều tăng có EIB tăng tốt nhất với tỷ lệ 1,3%. CTG, HDB, MSB, NAB, OCB, TCB, VPB tăng nhẹ. Nhiều mã đứng tham chiếu như SSB, SHB, STB, PGB, SGB...

Nhóm chứng khoán cũng ghi nhận đa số các mã ở chiều giảm hoặc đứng tham chiếu. Một số mã nhỏ giảm sâu như VUA -5,6%, VFS -4%, VDS -2,2%, ORS -2,7%, CTS -2,3%, AGR -2,3%... VND, VCI, SSI, SHS, HCM cùng giảm nhẹ. VIX tăng 0,6%. Chiều tăng còn có TVB, TCI, SBS, HAC, FTS, DSC, BSI. Trong đó, HAC bứt phá nhất với tỷ lệ +7,6%.

Tương tự tại nhóm xây dựng và bất động sản, phần lớn các mã giảm giá. Giảm mạnh có AAV giảm sàn, BCR giảm hơn 4%, API giảm hơn 6%; SZC, DXS, KHG giảm hơn 2%; TCH, HDG, VCG, HDC, DPG, ITA, HPX, CEO, CII... giảm hơn 1%. VHM, DXG, PC1, KBC, HUT, AGG... giảm nhẹ.

Chiều tăng trong nhóm này có NVL +2,1%, IDJ +2,5%, HTN +2,3%, NTL +4%. VIC, DIG, KOS, VRE, NLG, PDR, KDH, VPI, CTD, REE, TIG... tăng nhẹ.

Phạm Ngọc

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/co-phieu-det-may-nguoc-dong-but-pha-frt-lap-dinh-moi-post35237.html