Cổ phiếu KPF bị đình chỉ giao dịch từ ngày 26/2
Theo thông báo của Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh, cổ phiếu KPF của Công ty Cổ phần Đầu tư Tài sản Koji bị chuyển từ diện hạn chế giao dịch sang diện đình chỉ giao dịch từ ngày 26/2 tới.
Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HoSE) vừa có công văn thông báo về việc chuyển cổ phiếu KPF của Công ty Cổ phần Đầu tư Tài sản Koji từ diện hạn chế giao dịch sang diện đình chỉ giao dịch kể từ ngày 26/2 theo quyết định số 104/QĐ-SGDHCM ngày 19/2/2025 của Tổng Giám đốc HoSE.
Lý do là tổ chức niêm yết chậm nộp báo cáo tài chính (BCTC) bán niên có soát xét quá 6 tháng so với thời hạn quy định, thuộc trường hợp chứng khoán bị đình chỉ giao dịch theo quy định.
Cổ phiếu KPF đồng thời được theo dõi ở diện cảnh báo theo Quyết định số 167/QĐ-SGDHCM ngày 4/4/2024 của Tổng Giám đốc HoSE do tổ chức kiểm toán có ý kiến kiểm toán ngoại trừ đối với BCTC đã được kiểm toán năm 2023 của tổ chức niêm yết.
Giá cổ phiếu KPF đã trượt dài khi tăng ấn tượng 700% trong vòng 2 tháng từ 22/11/2017 - 11/1/2018 xuống còn 1.490 đồng/cổ phiếu ở thời điểm hiện tại, mức thấp nhất lịch sử.

Phối cảnh dự án Takara Residence của KPF.
Trước đó, ngày 21/1, KPF có văn bản giải trình phương án khắc phục tình trạng chứng khoán bị cảnh báo. Trong quý IV năm 2024, công ty đã đạt được một số kết quả tài chính khả quan, bao gồm tiến triển đáng kể trong thu hồi nợ vay và kỳ vọng lợi nhuận tích cực từ các khoản đầu tư trái phiếu. Tuy nhiên, một số yếu tố như việc trích lập dự phòng bắt buộc đã ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh chung, tạo áp lực nhất định lên BCTC.
Nêu giải pháp khắc phục, doanh nghiệp này cho biết sẽ nâng cao chất lượng BCTC bằng cách tiến hành hoàn thiện việc trích lập dự phòng theo đúng quy định pháp luật và chuẩn mực kế toán, bảo đảm các BCTC đạt chất lượng kiểm toán toàn phần. Đẩy mạnh thu hồi nợ cũng như tái cơ cấu danh mục đầu tư. Đồng thời triển khai đồng bộ các biện pháp kiểm soát chi phí, tối ưu hóa quy trình nội bộ và nâng cao hiệu suất vận hành để cải thiện biên lợi nhuận.
Về lộ trình triển khai, từ quý I đến quý III/2025, tập trung hoàn thành các kế hoạch thu hồi nợ và tiến hành rà soát, tái cơ cấu danh mục đầu tư hiện có nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn. Từ quý III đến cuối năm 2024, đẩy mạnh đầu tư vào các lĩnh vực kinh doanh cốt lõi, đồng thời triển khai các dự án tiềm năng nhằm tạo ra giá trị gia tăng bền vững cho cổ đông và nhà đầu tư,
Về tình hình kinh doanh, từ quý II/2023 đến quý IV/2024, công ty không ghi nhận doanh thu, còn doanh thu hoạt động tài chính giảm 30% so với cùng kỳ, còn 9 tỷ đồng. Năm 2024 lũy kế đến ngày 31/12/2024, KPF lỗ gần 277 tỷ đồng.
Khởi đầu từ một công ty chuyên hoạt động trong lĩnh vực tư vấn từ tháng 6/2009, KPF lần lượt mở rộng sang các lĩnh vực cung ứng vật liệu xây dựng và sản xuất, đầu tư xây dựng và nông nghiệp, đầu tư tài chính và bất động sản. Năm 2016, KPF chính thức niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Việt Nam với mã chứng khoán KPF.