Cổ phiếu lao dốc, 'kỳ lân' được SoftBank hậu thuẫn bên bờ vực phá sản
Theo truyền thông Mỹ, gã khổng lồ chia sẻ văn phòng WeWork có kế hoạch nộp đơn xin phá sản sớm nhất là vào tuần tới.
Cách đây không lâu, trang tin dịch vụ Pencilnews đã bày tỏ lo lắng cho số phận của WeWork. Mức định giá cao nhất của WeWork từng đạt 47 tỉ USD vào năm 2019 và giờ giá trị thị trường của nó chỉ còn là 121 triệu USD.
Kể từ đầu năm đến nay, giá cổ phiếu của WeWork đã giảm 96%. Vào tháng 8, WeWork đã cải tổ ban lãnh đạo của mình, bổ nhiệm 4 người có chuyên môn về các vấn đề tài chính lớn và phức tạp. Vài tháng qua họ đã đàm phán với các chủ nợ để chuẩn bị cho việc phá sản và tái cấu trúc.
Kể từ khi WeWork được niêm yết, những người trong ngành này chưa bao giờ hết hoài nghi về mô hình chủ nhà thứ hai của họ: tự bỏ tiền thuê dài hạn, sau đó chia lẻ cho thuê ngắn hạn. Đây là một mô hình truyền thống rất nặng về tài sản và khả năng chống chịu rủi ro cũng rất đáng lo ngại.
Pencilnews đã tính toán trong một bài viết trước rằng giả sử WeWork nhận được 100 USD tiền thuê nhà thì 82 USD trong số đó sẽ phải được giao cho chủ nhà, có nghĩa rằng họ đang làm thuê cho chủ nhà.
Theo thông tin do WeWork gửi cho cơ quan quản lý chứng khoán Mỹ, trong nửa đầu năm nay WeWork đã tiêu tốn 530 triệu USD tiền mặt.
Trên thực tế, WeWork đã liên tục thua lỗ trong nhiều năm: lỗ ròng 700 triệu USD trong nửa đầu năm 2023, lỗ 2,25 tỉ USD năm 2022, lỗ 4,632 tỉ USD năm 2021, lỗ 3,2 tỉ USD vào năm 2020 và lỗ 3,5 tỉ USD vào năm 2019.
Sau khi dịch bệnh COVID-19 xảy ra, một số lượng lớn các công ty ở Mỹ đã cho nhân viên làm việc tại nhà, thậm chí đến năm nay, nhiều công ty đã biến việc làm việc tại nhà thường xuyên thành thói quen, khiến một số lượng lớn tòa nhà văn phòng bị bỏ trống. Trong nửa đầu năm nay, tỷ lệ văn phòng bỏ trống ở Mỹ đạt mức đáng kinh ngạc 13,1%, mức cao kỷ lục trong lịch sử.
Trong tình hình đó, sự dư thừa nghiêm trọng các tòa nhà văn phòng và thị trường cho thuê đã trở thành thị trường của người mua. WeWork vẫn đang thuê các tòa nhà của chủ sở hữu và cải tạo nhằm mục đích cho thuê lại, điều này khiến họ lỗ nặng trong khi chủ sở hữu nhà hưởng lợi.
Adam Neumann, ông chủ của Wework (Ảnh: Sohu)
Lao dốc không phanh
Người sáng lập WeWork là Adam Neumann. Ông từ Israel đến New York, Mỹ và bắt đầu lập nghiệp kinh doanh trước khi học xong đại học. WeWork là công ty thứ ba mà ông ta thành lập.
Adam Neumann nhận được 1 triệu USD từ bố mẹ vợ để thành lập WeWork. Sau khi thuyết phục các nhà đầu tư thành công, Neumann đã nhận được hơn 200 triệu USD đầu tư từ Benchmark Capital, DAG Capital và JPMorgan Chase. CEO Masayoshi Son của SoftBank sau đó tin rằng WeWork là Alibaba tiếp theo và quyết định đầu tư 4,4 tỉ USD.
Trước khi WeWork niêm yết, giới truyền thông tiết lộ rằng Neumann đã lần lượt rút 700 triệu USD thành tiền mặt và còn cho WeWork thuê bất động sản của mình để thu tiền thuê; chưa hết ông ta còn đưa nhiều người thân vào WeWork để nhận lương. Những hành vi này đã phá hoại “các quy tắc kinh doanh” của ngành đầu tư mạo hiểm.
Trước khi IPO, định giá của WeWork đã sụp đổ, giảm từ 47 tỉ USD xuống còn 7,8 tỉ USD. Sau đó, giá cổ phiếu của SoftBank liên đới cũng lao dốc.
SoftBank sau đó đưa ra phản ứng, triệu tập cuộc họp hội đồng quản trị và sa thải Adam Neumann, nhưng đã quá muộn, tiền không thể lấy lại được nữa, công ty vẫn tiếp tục suy thoái cho đến ngày nay.
Những sai sót của WeWork không phải là chưa từng được nêu. Larry Ellison, người sáng lập Oracle, cho biết: "Các công ty như Uber và WeWork gần như vô giá trị". Uber không thể tự mình kiểm soát được hoạt động kinh doanh đốt tiền, trong khi WeWork là chủ các nhà cũ nhưng lại muốn có tỷ lệ thu nhập của công ty công nghệ.
Masayoshi Son, ông chủ SoftBank và Adam Neumann (Ảnh: Yicai)
Mặc dù WeWork đã cầm cự được trong khoảng thời gian dài nhưng số phận của công ty dường như đã được định đoạt sẵn.
WeWork dự kiến nộp đơn xin bảo hộ phá sản ngay vào tuần tới - tờ Wall Street Journal dẫn nguồn thạo tin cho hay - trong bối cảnh startup “kỳ lân” đình đám một thời chật vật xoay sở với khối nợ khổng lồ và thua lỗ chồng chất.
Sau khi thông tin về việc WeWork có thể sắp chính thức đệ đơn phá sản theo Chương 11 Luật Phá sản Mỹ lên tòa án ở New Jersey, được Wall Street Journal đăng tải ngày 31/10, giá cổ phiếu công ty này có thời điểm giảm 32% trong phiên giao dịch. Nếu tính từ đầu năm, giá cổ phiếu WeWork đã “bốc hơi” 96%.