Cổ phiếu mía đường ngọt vị đầu năm
Giá đường thế giới quay về đỉnh cũ sau 6 năm giúp cổ phiếu mía đường gần đây thu hút nhà đầu tư và tạo 'sóng'.
Hứng khởi
Tín hiệu tích cực từ giá đường thế giới đã đem lại sự hứng khởi cho nhóm cổ phiếu mía đường. Kể từ giữa tháng 1/2023, mã LSS của Công ty cổ phần Mía đường Lam Sơn, mã SBT của Công ty cổ phần Thành Thành Công - Biên Hòa, mã SLS của Công ty cổ phần Mía đường Sơn La có diễn biến tăng giá và giao dịch diễn ra sôi động.
Công ty Chứng khoán Thành Công cho biết, giá đường thế giới ngày 1/2/2023 đạt 21,7 cent/lb, hồi phục về mức đỉnh năm 2017 (sau khi chạm đáy ở vùng giá 9 cents/lb vào tháng 4/2020).
Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), giai đoạn từ tháng 1 - 10/2022, giá đường trung bình là 18,5 cents/lb. Đà tăng mạnh của giá đường trong tháng đầu năm 2023 đã mang lại triển vọng tích cực cho các doanh nghiệp mía đường.
Trước đó, FAO đưa ra dự báo, đến năm 2029, giá đường trung bình đạt 21,3 cents/lb, nhưng thực tế diễn ra trong tháng 1/2023 đã vượt qua con số này.
Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ dự kiến, sản lượng đường toàn cầu niên vụ 2022 - 2023 tăng 0,9%, lên 183 triệu tấn, do thời tiết thuận lợi ở cả Brazil và Thái Lan, năng suất mía tăng cao.
Tại Việt Nam, sản lượng đường trong nước chưa đáp ứng được nhu cầu. Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) cho hay, niên độ 2021 - 2022, toàn ngành ép được 7,5 triệu tấn mía, sản lượng sản xuất đường đạt 742 nghìn tấn, lần lượt tăng hơn 11,6% và tăng 7,5% so với niên độ 2020 - 2021, nhưng mới chỉ đáp ứng được 35% nhu cầu thị trường nội địa (2 triệu tấn/năm).
Tình trạng cầu lớn hơn cung diễn ra từ nhiều năm trước, nhưng ngành mía đường thường xuyên gặp khó khăn khi đường nhập khẩu cả chính ngạch và nhập lậu gia tăng. Đặc biệt, từ năm 2020, Việt Nam bắt đầu thực thi cam kết trong Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN đối với sản phẩm mía đường, mức thuế nhập khẩu giảm còn 5%.
Trong khi đó, một số nước trong ASEAN đã trợ giá cho ngành mía đường nội địa bằng nhiều hình thức khác nhau, nhằm đẩy mạnh xuất khẩu, dẫn đến cuộc chơi không công bằng trong cạnh tranh. Hệ quả, giá mía đường sụt giảm, diện tích trồng mía bị thu hẹp đáng kể do thu nhập từ loại cây này không bảo đảm cuộc sống của người nông dân, không ít nhà máy đường của Việt Nam phải ngừng hoạt động…
Sau quá trình điều tra, tháng 8/2022, Việt Nam chính thức áp dụng mức thuế chống bán phá giá là 42,99% và thuế chống trợ cấp là 4,65% đối với các sản phẩm đường nhập khẩu từ Thái Lan và các nước có nguyên liệu đường xuất xứ từ Thái Lan, áp dụng từ ngày 9/8/2022 đến 15/6/2026.
Nhờ đó, lượng đường nhập khẩu giảm rõ rệt. Công ty Chứng khoán VNDIRECT nhận định, năm 2023, ngành mía đường Việt Nam sẽ lấy lại vị thế cùng sự phục hồi của giá đường và biện pháp chống lẩn tránh phòng vệ thương mại.
Các doanh nghiệp mía đường được kỳ vọng sẽ tăng trưởng mạnh trong năm 2023 nhờ giá đường tăng và biện pháp áp thuế phòng vệ với đường Thái Lan.
Một số doanh nghiệp mía đường đã chủ động mở rộng vùng nguyên liệu từ trước nên năm nay có thể sẽ hưởng thành quả khi sản lượng và giá bán gia tăng.
Theo VSSA, diện tích trồng và sản lượng mía, sản lượng đường niên vụ 2022 - 2023 có khả năng đều tăng. Dự kiến, diện tích mía đạt 151.305 ha, tăng 3%; sản lượng mía chế biến đạt 8.764.277 tấn, tăng 16,5%; sản lượng đường đạt 870.930 tấn, tăng 16,6%.
Công ty Mía đường Quảng Ngãi dự báo, do giá dầu tăng cao, các nước sản xuất đường lớn như Brazil, Thái Lan và Ấn Độ sẽ chuyển sang dùng mía để sản xuất ethanol, góp phần giúp giá đường thế giới giữ ở mức cao trong 6 tháng đầu năm 2023.
Kỳ vọng tăng trưởng
Lãnh đạo LSS cho biết, năm 2022, dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng Công ty nỗ lực vượt lên và ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan. Doanh thu đạt 2.500 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 80 tỷ đồng, cao hơn những năm trước (lợi nhuận năm 2021 đạt 44 tỷ đồng, năm 2020 đạt 22 tỷ đồng). Hoạt động sản xuất - kinh doanh duy trì ổn định, đặc biệt, Công ty chú trọng phát triển vùng nguyên liệu, mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao, đồ uống.
Năm 2023, LSS đặt mục tiêu doanh thu niên độ 2022 - 2023 đạt 3.000 tỷ đồng, tầm nhìn đến năm 2025 đạt 5.000 tỷ đồng, đồng thời đầu tư mạnh mẽ cho công tác nghiên cứu phát triển khoa học công nghệ, tập trung chế biến chuyên sâu tạo ra các sản phẩm giá trị. Mới đây, Công ty đã đầu tư gần 500 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển để xây dựng và đưa vào sản xuất - kinh doanh thêm 5 nhà máy.
Trong khi LSS tập trung sản xuất tạo ra các sản phẩm có giá trị cao, thì SBT định hướng mở rộng vùng nguyên liệu tại Úc trong giai đoạn 2021 - 2025 lên 20.000 ha. Tháng 8/2022, SBT đã mở rộng 1.244 ha tại Úc, mục tiêu đạt 5.000 ha trong niên độ 2022 - 2023.
Công ty Chứng khoán Mirae Asset dự phóng, niên độ 2022 - 2023, SBT có thể đạt doanh thu 20.229 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 1.077 tỷ đồng, tăng lần lượt 10% và 29% so với niên độ trước. Có 3 yếu tố sẽ góp phần thúc đẩy SBT tăng trưởng. Thứ nhất, biên lợi nhuận gộp dự kiến tăng từ 12,5% lên 13% nhờ giá đường tăng. Thứ hai, doanh thu mảng sản xuất đường ước tăng 12%. Thứ ba là triển vọng sáng từ việc xuất khẩu sang Trung Quốc sau khi nước này mở cửa, đây vốn là thị trường nhập khẩu lớn của SBT.
Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ dự báo, Trung Quốc có thể sẽ nhập khẩu 4,4 triệu tấn đường trong niên độ 2022 - 2023. Theo đó, nhu cầu đường cao của Trung Quốc sẽ đem lại cơ hội xuất khẩu cho các doanh nghiệp mía đường Việt Nam.
Tại SLS, trong quý II niên độ 2022-2023 (1/10/2022 - 31/12/2022), Công ty đạt lợi nhuận sau thuế hơn 108 tỷ đồng, tăng 213% so với cùng kỳ niên độ trước. Lãnh đạo SLS chia sẻ, doanh thu bán hàng tăng, lợi nhuận gộp tăng, trong khi chi phí tài chính và chi phí quản lý doanh nghiệp trong kỳ giảm so với cùng kỳ, dẫn đến lợi nhuận tăng trưởng mạnh. Lũy kế niên độ 2021 - 2022, Công ty đạt doanh thu hơn 328 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế gần 68 tỷ đồng.
Cải thiện biên lợi nhuận đang là kỳ vọng của nhà đầu tư đối với các doanh nghiệp mía đường khi giá bán gia tăng.
Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/co-phieu-mia-duong-ngot-vi-dau-nam-post314980.html