Cổ phiếu ngành Chứng khoán đón sóng lớn từ nâng hạng thị trường

Trước cơ hội thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng lên thị trường mới nổi năm 2025-2026, các công ty chứng khoán sẽ hưởng lợi nhiều hơn khi thanh khoản mở rộng, năng lực cạnh tranh cải thiện, chất lượng sản phẩm tăng cao…

Thị trường chứng khoán "lạc quan" đồng nghĩa công ty chứng khoán sẽ "ăn nên làm ra", giá cổ phiếu sẽ tăng theo.

Thị trường chứng khoán "lạc quan" đồng nghĩa công ty chứng khoán sẽ "ăn nên làm ra", giá cổ phiếu sẽ tăng theo.

Năng lực cạnh tranh được nâng cao

Ngành Chứng khoán Việt Nam đang có sự chuyển mình mạnh mẽ khi quy mô thị trường tăng trưởng nhanh chóng, đồng thời, sự cạnh tranh vẫn ngày càng gay gắt giữa các công ty trong Ngành. Cuộc đua giành thị phần đang diễn ra quyết liệt khi các công ty cạnh tranh bằng cách tăng vốn điều lệ, giảm phí giao dịch, đẩy mạnh hoạt động môi giới và ứng dụng công nghệ.

Về mặt triển vọng, nền kinh tế trong nước tiếp tục tăng trưởng ổn định và bền vững sẽ tạo ra dư địa để thị trường chứng khoán phát triển. Ngoài ra, cơ chế bù trừ trung tâm (CCP) sẽ là mảnh ghép quan trọng, yếu tố then chốt để nâng hạng thị trường, mở ra cơ hội cho các sản phẩm đầu tư mới.

Hơn nữa, thị trường chứng khoán trong nước kỳ vọng ở kịch bản thận trọng sẽ được nâng hạng lên nhóm mới nổi của FTSE trong năm 2025 là điểm cộng tích cực cho các công ty chứng khoán. Khả năng cao, Việt Nam sẽ đón nhận dòng vốn lớn từ các quỹ chủ động và thụ động quốc tế tham gia đầu tư.

Trong bối cảnh này, những công ty chứng khoán sở hữu tiềm lực tại chính vững mạnh và năng lực công nghệ vượt trội sẽ nắm bắt tốt hơn các cơ hội tăng trưởng. Tuy nhiên, các công ty chứng khoán vẫn phải đối mặt với những rủi ro như cạnh tranh cao trong Ngành, thanh khoản thị trường sụt giảm, biến động kinh tế vĩ mô, địa chính trị.

Nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi sẽ là chìa khóa mở ra cánh cửa thu hút dòng vốn ngoại, cùng nhiều lợi ích cho thị trường vốn và nền kinh tế. Hiện, Chính phủ, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang nỗ lực từng bước để sửa đổi, bổ sung những vấn đề còn tồn đọng sao cho phù hợp với thông lệ của FTSE và MSCI, nhằm đưa thị trường chứng khoán trong nước sớm được nâng hạng lên thị trường mới nổi của FTSE và xa hơn là MSCI.

Theo Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), với sản phẩm đầu tư còn sơ khai, thị trường chứng khoán Việt Nam còn nhiều dư địa để phát triển các sản phẩm đầu tư mới, phù hợp theo xu hướng chung của thế giới. Nhiều công ty chứng khoán đến nay đã đưa ra các sản phẩm đầu tư đa dạng hơn như đầu tư theo hướng bền vững ESG hay ứng dụng công nghệ (AI, Blockchain) vào hoạt động tư vấn đầu tư, dịch vụ quản lý tài sản cho khách hàng hay là các sản phẩm phái sinh khác.

Điều này đồng nghĩa với việc, các công ty chứng khoán sẽ hưởng lợi khi lượng khách hàng mới (cả trong và ngoài nước) tham gia đầu tư sản phẩm mới tăng lên. Khi đó, nhu cầu vay ký quỹ sẽ tăng mạnh, giúp các công ty chứng khoán gia tăng lợi nhuận.

Định giá được mở rộng

Hiện tại, định giá P/E của ngành Chứng khoán là 20,2 lần và P/B là 1,9 lần, tức đang nhỉnh hơn so với mức định giá trung bình 5 năm lần lượt là 16,8 lần và 1,6 lần. Tuy nhiên, mức định giá hiện tại đang tiệm cận với hệ số định giá trung bình của 3 năm qua. Điều này cho thấy, mức định giá của các công ty chứng khoán có phần tương đồng với diễn biến thanh khoản giao dịch trên thị trường chứng khoán trong nước.

Doanh thu ngành Chứng khoán. Nguồn: VDSC

Doanh thu ngành Chứng khoán. Nguồn: VDSC

Với mức định giá hiện tại của ngành Chứng khoán, chưa hấp dẫn nhưng với kỳ vọng số lượng doanh nghiệp niêm yết sẽ tiếp tục gia tăng trong hai năm tới, cùng triển vọng nâng hạng thị trường trong năm 2025, các công ty chứng khoán sẽ ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ nhờ thanh khoản mở rộng.

Ngoài ra, dư địa tham gia của nhóm nhà đầu tư trong nước vẫn tiếp tục gia tăng khi mặt bằng lãi suất huy động ở mức thấp. Nền tảng của Ngành ngày càng vững mạnh khi các công ty chứng khoán liên tục huy động thêm nguồn vốn chủ sở hữu mới. Đây là những động lực để thanh khoản thị trường tiếp tục tăng trong thời gian tới. Qua đó, nhiều khả năng, mức định giá của ngành Chứng khoán còn mở rộng.

VDSC cũng nêu tên một số công ty chứng khoán hàng đầu, có triển vọng tăng trưởng ổn định như CTCP Chứng khoán SSI (HOSE: SSI); CTCP Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE: HCM); CTCP Chứng khoán Vietcap (HOSE: VCI)…

Theo đó, cổ phiếu SSI có giá mục tiêu là 31.000 đồng/CP, tăng khoảng 28% so với giá hiện tại (phiên 6/1). Dự báo, tăng trưởng dư nợ cho và ký quỹ của SSI sẽ tăng 34,6% vào năm 2025. Doanh thu cho vay ký quỹ dự báo sẽ tăng trưởng trung bình 33%/năm trong 3 năm tới.

Với cổ phiếu HCM, giá mục tiêu trong năm 2025 có thể đạt 33.200 đồng/CP. Kỳ vọng này đến từ tiềm năng gia tăng thị phần sau khi công ty tăng vốn thành công. Sau hơn 3 năm chậm mở rộng quy mô vốn và tập trung vào nhóm khách hàng tổ chức nước ngoài, thị phần của HCM đã giảm đi đáng kể trước sự gia tăng mạnh mẽ của nhó nhà đầu tư cá nhân và diễn biến liên tục tăng vốn của công ty đối thủ. Với nguồn vốn huy vốn mới trong quý II/2024 và kế hoạch tăng vốn mạnh trong năm 2025 (ước tính vốn điều lệ của HCM tăng lên 10.808 tỷ đồng trong năm 2025).

Cổ phiếu VCI cũng có nhiều triển vọng với tăng trưởng khả quan từ hoạt động môi giới và đầu tư. Thị phần giao dịch của VCI trên sàn HOSE đã cải thiện mạnh lên 6,8% trong quý III/2024 khi dư nợ cho vay ký quỹ tăng cao kỷ lục và đẩy mạnh hoạt động tự doanh.

Minh Lâm

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/co-phieu-nganh-chung-khoan-don-song-lon-tu-nang-hang-thi-truong.html