Cổ phiếu phân bón đồng loạt tăng trần sau động thái từ Trung Quốc
Nhóm cổ phiếu phân bón đồng loạt tăng trần sau khi Trung Quốc yêu cầu các công ty tạm dừng xuất khẩu phân urê. Nửa đầu năm 2022, giá phân bón lập đỉnh giúp nhiều doanh nghiệp đạt lợi nhuận khủng.
Đồng loạt tăng trần
Mở cửa phiên giao dịch ngày 8/9, nhóm cổ phiếu phân bón đồng loạt tăng trần với dư mua rất lớn.
Cổ phiếu DPM của Tổng CTCP Phân bón và Hóa chất Dầu khí bất ngờ tăng trần thêm 2.600 đồng (+7%) lên 40.450 đồng/cp. Dư mua ở mức giá trần vào lúc 9h30 phút lên tới 2,4 triệu đơn vị.
Cổ phiếu DCM của CTCP Phân bón dầu khí Cà Mau - PVCFC cũng tăng hết biên độ cho phép ngay khi mở cửa thêm 2.200 đồng (+7%) lên 33.850 đồng/cp.
Cổ phiếu DHB của CTCP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc thậm chí tăng hết biên độ 15%, thêm 1.200 đồng lên 9.800 đồng/cp.
Bên cạnh đó, một số cổ phiếu thuộc nhóm hóa chất và cao su cũng tăng mạnh. Cổ phiếu Hóa chất Đức Giang (DGC) tăng 2.800 đồng lên 91.800 đồng/cp khi giá hóa chất thế giới đang tăng theo giá dầu thô. Cổ phiếu cao su cũng tăng mạnh theo cú bứt phá của giá cao su trên thị trường quốc tế.
Theo Bloomberg, Trung Quốc yêu cầu các công ty tạm dừng xuất khẩu phân urê sau khi giá phân bón ở trong nước nay tăng vọt. Động thái của Trung Quốc có thể hạn chế nguồn cung và tăng chi phí cho nông dân ở những quốc gia chuyên nhập khẩu phân bón như Ấn Độ.
Trên sàn giao dịch hàng hóa Trịnh Châu, hợp đồng phân urê tương lai đã tăng gần 50% trong khoảng thời gian từ giữa tháng 6 đến cuối tháng 7. Lượng tồn kho phân bón của Trung Quốc gần đây xuống thấp, trong khi xuất khẩu tăng mạnh.
Việc Trung Quốc tạm dừng xuất khẩu phân bón có thể đẩy giá phân bón toàn cầu tăng cao bởi đây là nước nước sản xuất và tiêu thụ phân urê hàng đầu thế giới.
Các hạn chế này tạo thêm một yếu tố bất ổn khác cho thị trường nông nghiệp toàn cầu, vốn bị ảnh hưởng bởi thời tiết khắc nghiệt trên khắp các khu vực đang phát triển, hạn chế xuất khẩu của Ấn Độ và cuộc xung đột Nga-Ukraine.
Năm 2022, các doanh nghiệp ngành hóa chất, phân bón như Đạm Phú Mỹ (DPM), Đạm Hà Bắc (DHB), Hóa chất Đức Giang (DGC), Hóa chất Việt Trì (HVT)... cũng đã ghi nhận lợi nhuận bùng nổ, tăng bằng lần so với năm 2021 do giá phân bón tăng đột biến sau khi Nga dừng xuất khẩu mặt hàng này. Trước đó, trong năm 2021, Nga quốc gia xuất khẩu Ure và NPK lớn nhất thế giới với sản lượng xuất khẩu lần lượt đạt 7 và 5,9 triệu tấn.
Các lệnh trừng phạt kinh tế từ phía EU-Mỹ lên Nga đã đẩy giá các mặt hàng tăng cao và tạo cơ hội cho các nước xuất khẩu khác. Các doanh nghiệp phân bón kỳ vọng sản lượng và giá bán đều có thể hưởng lợi từ sự thiếu hụt nguồn cung bất ngờ trên thế giới.
Lợi nhuận sẽ trở lại thời kỳ đỉnh cao?
Trong quý II/2023 và nửa đầu 2023, nhiều doanh nghiệp ngành phân bón hóa chất đã ghi nhận lợi nhuận giảm mạnh do qua thời kỳ đỉnh cao. Giá cổ phiếu theo đó cũng giảm.
Đạm Cà Mau (DCM) ghi nhận doanh thu 6 tháng đầu năm 2023 giảm tới hơn 2.000 tỷ đồng so với cùng kỳ xuống còn hơn 6.000 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp chỉ đạt gần 940 tỷ đồng, bằng khoảng 30% so với mức 3.300 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.
Đây là một bức tranh hoàn toàn trái ngược so với nửa đầu năm 2022 khi mà giá phân bón thế giới tăng mạnh.
Đây là cũng là tình hình chung với nhiều doanh nghiệp phân bón hóa chất. Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc (DHB) thậm chí còn ghi lợi nhuận âm 480 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2023, trong khi cùng kỳ lãi hơn 1.300 tỷ đồng.
Lý do giá phân bón giảm mạnh trong nửa đầu năm 2023 là do chi phí sản xuất giảm và chính sách mở cửa trở lại của Trung Quốc khiến nguồn cung phân bón toàn cầu tăng. Giá phân bón có lúc giảm hơn 50% so với đỉnh ghi nhận trong năm 2021.
Tình hình hiện tại, vào đầu tháng 9/2023 đang diễn biến ngược lại so với nửa đầu năm. Giá phân bón, hóa chất và giá cao su đang tăng nhanh trở lại. Quyết định của Trung Quốc được dự báo sẽ kéo giá phân bón tăng rất nhanh khi mà nhiều nước đang đối mặt với vấn đề giá lương thực thực phẩm tăng cao.
Châu Á đang đứng trước nguy cơ một cơn bão về giá cả lương thực. Giá gạo đã tăng lên mức cao nhất trong gần 12 năm sau khi Ấn Độ áp lệnh cấm xuất khẩu gạo. Các điều kiện thời tiết không thuận lợi làm ảnh hưởng tới sản lượng và nguồn cung các loại lương thực chủ yếu của châu Á
Trên CNBC, Giám đốc cấp cao của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) Qingfeng Zhang dự báo có khả năng giá các mặt hàng thực phẩm sẽ tiếp tục tăng mạnh trong các tháng tới.
Việc hụt nguồn cung gạo có thể kéo theo tình trạng tăng giá các mặt hàng thực phẩm khác ở châu Á. Các nước cũng đẩy mạnh sản xuất lương thực được dự báo cũng sẽ góp phần kéo giá phân bón đi lên.
Hôm 8/9, Ngân hàng Goldman Sachs cảnh báo nếu cả Nga và Saudi Arabia tiếp tục cắt giảm nguồn cung mạnh mẽ, giá dầu có thể leo lên mức ba chữ số vào năm 2024. Trước đó, Nga và Saudi Arabia thông báo sẽ gia hạn kế hoạch cắt giảm nguồn cung đến hết năm nay. Thông báo này đã đẩy giá dầu Brent lần đầu vượt mức 91 USD/thùng trong 10 tháng qua.
Theo Hiệp hội Phân bón Việt Nam, giá phân bón thường tăng theo giá dầu và giá khí thế giới.
Gần đây, đồng USD tăng mạnh trở lại. Chỉ số DXY đã lên trên ngưỡng 105 điểm. Đồng bạc xanh tăng giá cũng góp phần kéo giá phân bón thế giới đi lên.
Hiện, Đạm Cà Mau và Đạm Phú Mỹ là 2 doanh nghiệp hàng đầu lĩnh vực phân bón và hóa chất với công suất cả triệu tấn/năm. Nhà máy Đạm Phú Mỹ có công suất đạt 800.000 tấn/năm, chiếm khoảng 40% nhu cầu đạm cả nước. Trong khi đó, Hóa chất Đức Giang doanh nghiệp dẫn đầu ngành hóa chất, đặc biệt là phốt pho vàng.
Trên thị trường chứng khoán, giới đầu tư còn biết đến nhiều doanh nghiệp phân bón hóa chất khác như: Vật tư tổng hợp và Phân bón Hóa sinh (HSI), CTCP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao (LAS), Phân bón Bình Điền (BFC), Phân bón Miền Nam (SFG)…