Cổ phiếu rớt giá, khối ngoại tranh thủ mua vào
Chứng khoán ảm đạm, giá cổ phiếu của nhiều DN lớn giảm mạnh lại là cơ hội mua vào cho các nhà đầu tư ngoại. Đó cũng là lý do vì sao thời gian gần đây, nhiều thương vụ mua vào hay nâng tỷ trọng sở hữu của khối ngoại xuất hiện.
Đơn cử như mới đây, lợi dụng giá cổ phiếu CTD của Công ty xây dựng Coteccons giảm quá nửa, quỹ đầu tư Singapore The 8th Ple đã nhanh chóng thâu tóm 7,84 triệu cổ phiếu, tương đương với 10,8% cổ phần Coteccons. Một nhà đầu tư ngoại khác là ông Turumbayev Talgat cũng lợi dụng cơ hội giá cổ phiếu CTD đang khá rẻ để đăng ký mua thêm 700.000 cổ phiếu và gia tăng tỷ lệ sở hữu lên 2,96%...
Nằm trong danh sách các DN được khối ngoại ưa chuộng nhờ nền tảng kinh doanh ổn định, REE cũng được các cổ đông ngoại đăng ký mua vào. Theo đó mới đây, quỹ Platium Victory đăng ký chào mua công khai 31,3 triệu cổ phiếu REE, tương đương với 10,11% vốn. Với mức giá chào mua lên đến 45.000 đồng/cổ phiếu, tổng số tiền mà Platium Victory chi ra trong đợt này vào mức 1.408,5 tỷ đồng. Sau khi giao dịch thành công, quỹ sẽ sở hữu tới 35,01% vốn cổ phần của REE và sẽ có tiếng nói trọng lượng hơn trong công tác quản trị.
Mặt bằng giá cổ phiếu REE đang ở mức khá hấp dẫn cho các nhà đầu dài hạn. Từ mức đỉnh 40.000 đồng/cổ phiếu vào tháng 3/2018, cổ phiếu REE hiện ở mức 36.000 đồng. Chỉ số thu nhập trên mỗi cổ phiếu PE đang đứng ở mức chỉ 7x, trong khi tỷ lệ chia cổ tức bằng tiền khá ổn định hàng năm ở mức 16-18% là điểm cộng trong đánh giá của các nhà đầu tư ngoại.
Hay như ở Công ty đường Thành Thành Công - Biên Hòa (SBT), giá cổ phiếu giảm hơn 20% từ đầu năm đến nay là một trong những điều kiện thuận lợi để tổ chức tài chính DEG (thuộc sở hữu của chính phủ Đức) rót 28 triệu USD để sở hữu hơn 21 triệu cổ phiếu ưu đãi cổ tức. Số tiền thu từ đợt chào bán cổ phiếu cho DEG sẽ được SBT sử dụng để đầu tư chiến lược vào mảng kinh doanh mía đường của HAGL tại Lào đã được mua lại từ năm 2017 và đổi tên thành TTC Attapeu, cùng với chi phí đầu tư cho mục đích cơ giới hóa, mở rộng sản xuất đường hữu cơ (đường organic) tại nhà máy này.
Trên thị trường quỹ ETF, mới đây quỹ Premia ETF của Hong Kong đã rót 22 triệu USD vào thị trường chứng khoán Việt. Đây là quỹ ETF đầu tiên dành riêng cho thị trường Việt Nam được quản lý bởi Premia Partners – một tổ chức thuộc top 8 nhà phát hành quỹ ETF hàng đầu tại Hong Kong.
“Giá trị tài sản hiện tại của Premia ETF là 22 triệu USD, chưa phải là một con số lớn nếu so sánh với Van Eck ETF hay DB FTSE. Tuy vậy trong bối cảnh thị trường vẫn cần thêm các động lực hỗ trợ, việc một quỹ ETF mới tham gia thị trường chứng khoán với những đánh giá cao về tiềm năng tăng trưởng của kinh tế Việt Nam sẽ hỗ trợ tốt về mặt tâm lý cho nhà đầu tư”, báo cáo SSI đánh giá.
Các thương vụ thâu tóm đáng chú ý khác còn là Samsung mua lại 25% cổ phần của hãng viễn thông CMC, hay ngân hàng Hàn Quốc là Keb Hana Bank chi ra gần 900 triệu USD để sở hữu 15% cổ phần của BIDV.
Bên cạnh mặt bằng giá cổ phiếu rẻ hơn, yếu tố thúc đẩy các nhà đầu tư quan tâm nhiều hơn đến cơ hội tại Việt Nam là cuộc chiến thương mại Mỹ- Trung được đi kèm với đó là xu thế giảm giá trị của đồng nhân dân tệ, buộc các nhà đầu tư phải điều chỉnh lại cơ chế đảm bảo rủi ro.
Theo quỹ Asia Frontier Capital, việc Mỹ gia tăng áp thuế đối với lượng hàng hóa hàng trăm tỷ USD của Trung Quốc và ngược lại, sẽ gia tăng căng thẳng thương mại, nhưng đồng thời có thể tạo ra cơ hội lâu dài cho các thị trường biên châu Á. Lý do là các sắc thuế mới mà Mỹ đánh sẽ bao gồm một số lượng lớn hàng tiêu dùng như điện thoại thông minh, máy tính xách tay, đồ chơi, hàng may mặc và giày dép - những sản phẩm là thế mạnh sản xuất của các nền kinh tế biên giới châu Á như Bangladesh và Việt Nam.
“Trong nửa đầu năm nay, xuất khẩu hàng may mặc từ các thị trường biên giới châu Á sang Mỹ đã tăng trưởng rất mạnh, trong khi về lâu dài Bangladesh và Việt Nam đã tiếp tục chiếm thị phần toàn cầu trong xuất khẩu hàng may mặc”, Asia Frontier Capital nhận định.
Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/co-phieu-rot-gia-khoi-ngoai-tranh-thu-mua-vao-91194.html