Cổ phiếu trụ kéo VN-Index, khối ngoại tiếp tục 'săn đón' SSI
Phiên 11/7, VN-Index có thời điểm vượt qua mốc 1.460 điểm, nhưng dòng tiền tham gia chưa đồng thuận nên chỉ số thoái lui nhẹ vào cuối phiên.

Cổ phiếu bắt đầu phân hóa khi VN-Index ở vùng giá cao.
Đóng cửa, VN-Index đứng ở mốc 1.457,76 điểm, tăng hơn 12 điểm so với kết phiên trước và đánh dấu một tuần tăng điểm liên tiếp. Trong 5 phiên vừa qua, chỉ số đã tăng hơn 70 điểm.
HNX-Index và UPCoM cũng lần lượt tăng 0,37 điểm và 0,44 điểm. Thanh khoản duy trì ở mức cao với gần 33.000 tỷ đồng giao dịch trên kênh khớp lệnh. Trong đó, khối ngoại chiếm hơn 6.000 tỷ đồng và tiếp tục mua ròng mạnh gần 1.100 tỷ đồng trên sàn HoSE.
SSI tiếp tục được nhà đầu tư nước ngoài mua ròng mạnh nhất, với giá trị 512 tỷ đồng. Hai phiên trước, cổ phiếu chứng khoán này cũng dẫn đầu chiều mua ròng của khối ngoại với giá trị tổng hai phiên gần 1.000 tỷ đồng. Các mã được mua ròng mạnh khác là HPG 270 tỷ đồng, VHM 125 tỷ đồng, VCB 95 tỷ đồng, MSN 93 tỷ đồng, VIC 92 tỷ đồng, VPB 85 tỷ đồng, MSB 83 tỷ đồng, VCI 74 tỷ đồng...
Ngược chiều, SHB bị bán ròng mạnh nhất 118 tỷ đồng, kế đến là CTG 99 tỷ đồng, chứng chỉ quỹ E1VFVN30 70 tỷ đồng, KDH 39 tỷ đồng, VNM 38 tỷ đồng, HDG 34 tỷ đồng; NVL, VCG, VHC, DPM, BSI hơn 20 tỷ đồng...
Tính chung trong 5 phiên tuần này, khối ngoại đã mua ròng 6.000 tỷ đồng và là động lực lớn để VN-Index bứt phá. Tuần trước, khối này cũng mua ròng gần 5.400 tỷ đồng cổ phiếu Việt Nam.
Dòng tiền hôm nay chưa thực sự đồng thuận khi tập trung kéo trụ, vẫn có hơn 400 mã ở chiều giảm giá. VIC tiếp tục là mã tác động tích cực nhất đến thị trường với mức tăng 6,3%. Mã đóng cửa ở vùng giá 108.000 đồng/cp, đưa vốn hóa của Tập đoàn Vingroup lên gần 409.000 tỷ đồng.
HPG cũng thu hút sự quan tâm lớn của dòng tiền. Mã tăng 3,4% lên giá 26.000 đồng/cp - cao nhất kể từ tháng 4/2022 (giá đã điều chỉnh sau phát hành thêm). Vốn hóa của Hòa Phát cũng tăng lên hơn 199.000 tỷ đồng, vượt FPT để giành vị trí thứ 7 trong Top 10 vốn hóa lớn nhất sàn chứng khoán.
Các cổ phiếu trụ khác có công kéo thị trường là FPT +2,2%, SSI +2,4%, VCB +2,1%, VHM +2,2%, VJC +4,2%.
Nhóm ngân hàng và chứng khoán có sự đồng thuận hơn khi đa số các mã kết phiên trong sắc xanh. Tại nhóm ngân hàng, ngoài VCB thì còn có EIB cũng tăng tốt (+3,4%), VBB +1,9%, VIB +1,3%, ABB +1,1%; còn lại chỉ tăng nhẹ. Ngược chiều, có CTG, LPB, KLB, NVB, OCB, PGB, SHB ở chiều giảm; mức giảm trên dưới 1%.
Nhóm chứng khoán đáng chú ý có VCI tăng trần lên giá 41.050 đồng/cp, tiến sát mức đỉnh lịch sử xác lập hồi tháng 12/2021. Một số mã nhỏ khác cũng tăng tốt, gồm VUA tăng trần, PHS +13,3%, VDS +2,6%, MBS +3,2%, HCM +2,5%, DSC +4,4%, FTS +2,1%.
Chiều giảm có CSI -4%, ABW -2,4%, VFS -1,4%; TVB, TCI, HAC, APG giảm nhẹ.
Nhóm bất động sản ghi nhận số mã giảm nhiều hơn mã tăng. DXG -2,3%, DIG -1,9%, CEO -1,6%, NVL -2,3%, PDR -1,8%, KDH -1,8%, HDC -1,7%, NLG -1,6%, DXS -2,8%... Chiều tăng ngoài bộ ba nhóm Vingroup còn có TCH +2,4%; KBC, HQC, HPX, SCR tăng nhẹ.
Một số mã bất động sản nhỏ tăng tốt hơn, gồm LDG, TDH, BCR tăng trần; NRC +3,6%, IDJ +3,9%, NDN +6,8%. Trong đó, LDG tăng trần 5/5 phiên tuần này, hiện trở về vùng giá 5.160 đồng/cp. Trong tuần trước, mã này cũng có 4/5 phiên tăng trần.
Tại nhóm thép, trong khi HPG tăng mạnh thì HSG và NKG giảm nhẹ. Tương tự tại nhóm công nghệ, FPT tăng đáng kể nhưng các mã khác đều giảm.
Nhóm xây dựng chịu áp lực điều chỉnh mạnh nhất, với DPG -3,3%, CTI -2,8%, CII -1,6%, VCG -1,3%, HHV -1,2%, CTD -1,1%, DC4 -5,3%, HBC -2,8%...