Cổ phiếu VIC leo đỉnh đưa Vingroup lên vị trí số 1 sàn chứng khoán, tài sản của Chủ tịch tăng vọt
Với giá đóng cửa phiên 7/5 ở mức 73.400 đồng/cp – mức đỉnh 20 tháng, cổ phiếu VIC đã đẩy vốn hóa thị trường của Vingroup lên gần 270.000 tỷ đồng (10,5 tỷ USD). Con số này đưa tập đoàn của tỷ phú Phạm Nhật Vượng vững vàng ở vị trí doanh nghiệp tư nhân số 1 sàn chứng khoán.
Sau thông tin Vinpearl (VPL) chốt ngày chào sàn, cổ phiếu của công ty mẹ là VIC đã liên tục bứt phá mạnh mẽ sau khoảng thời gian "nghỉ ngơi".
Ngày 13/5 tới, hơn 1,79 tỷ cổ phiếu VPL sẽ chính thức chào sàn HoSE. Giá tham chiếu ngày giao dịch đầu tiên là 71.300 đồng/cp, tương đương định giá gần 130.000 tỷ đồng (~5 tỷ USD). Biên độ dao động trong ngày giao dịch đầu tiên là +/-20%.

Cổ phiếu VIC lên đỉnh 20 tháng.
Định giá của Vinpearl chính thức vượt mặt nhiều tên tuổi kỳ cựu như CTCP Sữa Việt Nam (VNM), Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), Tập đoàn Masan (MSN),...
Tập đoàn Vingroup do tỷ phú Phạm Nhật Vượng làm Chủ tịch, hiện là cổ đông lớn nhất của Vinpearl với tỷ lệ sở hữu 85,5%, tương đương 1,5 tỷ cổ phiếu VPL. Tính theo giá tham chiếu ngày niêm yết, giá trị số cổ phần này ước tính gần 110.000 tỷ đồng.
Trước đó, vào cuối năm 2024, Vinpearl được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận trở thành công ty đại chúng. Đầu tháng 2 năm nay, công ty đã huy động thành công hơn 5.000 tỷ đồng thông qua việc phát hành hơn 70 triệu cổ phiếu cho 105 nhà đầu tư, với giá phát hành 71.350 đồng/cp. Sau đợt phát hành này, vốn điều lệ của Vinpearl tăng lên 17.933 tỷ đồng.
Về tình hình kinh doanh, theo báo cáo tài chính quý I/2025, Vinpearl ghi nhận doanh thu thuần 2.971 tỷ đồng, tăng 76,6% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu từ hoạt động kinh doanh cốt lõi, bao gồm dịch vụ khách sạn, du lịch, vui chơi giải trí và các dịch vụ liên quan đạt 2.437 tỷ đồng, tăng 45%. Doanh thu từ hoạt động bất động sản đạt 535 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế trong quý đạt 90 tỷ đồng.
Vinpearl đặt mục tiêu doanh thu thuần năm 2025 đạt khoảng 14.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt khoảng 1.700 tỷ đồng. Với kết quả đạt được trong quý I, công ty đã hoàn thành khoảng 21% kế hoạch doanh thu và 5% kế hoạch lợi nhuận năm.
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2025, Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng cho biết, kế hoạch kinh doanh năm 2025 của Vinpearl tập trung 3 mũi: củng cố thị trường nội địa - mở rộng thị trường quốc tế, trong đó tập trung vào Ấn Độ, Trung Đông và Đông Nam Á; đẩy mạnh kênh phân phối trực tuyến; phát triển phân khúc MICE, hướng đến việc biến MICE trở thành nguồn doanh thu chủ lực.
Trở lại với đà tăng của cổ phiếu VIC. Thực tế, cổ phiếu này nổi sóng từ đầu tháng 3, khi Vinpearl nộp hồ sơ niêm yết lên HoSE. Trong 2 tháng trở lại đây, cổ phiếu này đã tăng hơn 70%. Tính từ đầu 2025, VIC là cổ phiếu tăng mạnh nhất VN30. Ngoài câu chuyện Vinpearl, Vingroup còn dồn dập đón tin vui từ hoạt động sản xuất kinh doanh của VinFast cùng loạt dự án khủng trong lĩnh vực bất động sản, hạ tầng, năng lượng,…
Cổ phiếu VIC miệt mài tăng, đẩy giá trị tài sản của tỷ phú Phạm Nhật Vượng không ngừng “nhảy số”. Ước tính, giá trị tài sản của ông Phạm Nhật Vượng trên sàn chứng khoán Việt Nam vào khoảng 150.000 tỷ đồng (5,9 tỷ USD). Còn theo cập nhật mới nhất từ Forbes, ông Phạm Nhật Vượng là người giàu nhất Việt Nam với khối tài sản tại ngày 7/5 lên đến 8,7 tỷ USD. Con số này đưa Chủ tịch Vingroup leo lên vị trí thứ 340 trong danh sách những người giàu nhất thế giới.