Cổ phiếu VinFast tăng chóng mặt, tỷ phú Phạm Nhật Vượng giàu thứ 27 thế giới
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng ngay lập tức vọt lên vị trí giàu thứ 27 thế giới và số 1 Đông Nam Á, thứ 5 châu Á do cổ phiếu VinFast tăng vọt trở lại trong phiên giao dịch 22/8 trên sàn chứng khoán Nasdaq, Mỹ.
VinFast tăng vọt
Trong phiên giao dịch ngày 22/8 (giờ Mỹ), cổ phiếu VinFast bất ngờ tăng vọt trở lại và lên gần với đỉnh thiết lập trong phiên giao dịch chào sàn hôm 15/8, đánh dấu phiên tăng thứ 2 liên tiếp. Dù khối lượng giao dịch tăng khá mạnh nhưng còn ở mức thấp.
Đóng cửa phiên 22/8 (rạng sáng 23/8 giờ Việt Nam), cổ phiếu VinFast (VFS) tăng gần gấp đôi so với phiên liền trước lên 36,72 USD/cp. Trong phiên có lúc cổ phiếu VFS phá ngưỡng 40 USD.
Cú tăng giá mạnh của VFS giúp tài sản của tỷ phú Phạm Nhật Vượng tăng thêm 20,3 tỷ USD lên 43,7 tỷ USD. Với khối tài sản này, tỷ phú Phạm Nhật Vượng xếp thứ 27 trong danh sách những người giàu nhất hành tinh của Forbes.
Chủ tịch Tập đoàn Vingroup (VIC) - công ty mẹ của hãng xe ô tô VinFast đã giành lại được vị trí người giàu nhất khu vực Đông Nam Á, một vị trí mà ông Phạm Nhật Vượng đã đạt được trong phiên VinFast chào sàn chứng khoán Nasdaq hôm 15/8 và trong 2 phiên sau đó.
Trong phiên lên sàn Nasdaq hôm 15/8, cổ phiếu VinFast đóng cửa ở mức hơn 37 USD/cp, tương đương hãng xe ô tô Việt có vốn hóa 85 tỷ USD. Tỷ phú Phạm Nhật Vượng được Forbes và Bloomberg tính toán có khối tài sản khi đó khoảng 44,5 tỷ USD, xếp trong top 30 người giàu nhất.
Với 43,7 USD tỷ USD như tính tới ngày 22/8 và vị trí giàu thứ 27 trên thế giới, vượt doanh nhân giàu nhất Hong Kong Lý Gia Thành, người hiện đứng vị trí thứ 33 trên bảng xếp hạng tỷ phú của Forbes.
Ông Phạm Nhật Vượng cũng xếp trên vợ cũ của tỷ phú Jeff Bezos, bà MacKenzie Scott (xếp thứ 36).
Cũng với cú nhảy vọt trở lại của cổ phiếu VinFast, tài sản của ông Vượng vượt qua cả 3 người giàu nhất Indonesia, gồm 2 anh em người Indonesia Budi Hartono và Michael Hartono, những người đang sở hữu 25-26 tỷ USD và trở thành người giàu nhất Đông Nam Á.
Hiện cả Đông Nam Á có 11 người sở hữu khối tài sản từ 10 tỷ USD trở lên. Người giàu nhất Thái Lan và Singapore đều sở hữu khoảng 14 tỷ USD còn người giàu nhất Malaysia có 11 tỷ USD.
Ở khu vực châu Á, ông Vượng đứng ở vị trí thứ 5 sau 2 tỷ phú Ấn Độ Mukesh Ambani (92 tỷ USD), Gautam Adani (53 tỷ USD) và 2 người giàu nhất Trung Quốc là Chung Thiểm Thiểm (62 tỷ USD), chủ tập đoàn đồ uống Nongfu Srping và Trương Nhất Minh - nhà sáng lập Tiktok (45 tỷ USD).
Ông Phạm Nhật Vượng cũng giàu hơn người giàu nhất Hàn Quốc là chủ tịch Samsung Jay Y. Lee (hơn 8 tỷ USD), người giàu nhất Nhật Bản là ông chủ Uniqlo Tadashi Yanai (35 tỷ USD) và những doanh nhân tên tuổi khác của Trung Quốc như Mã Hóa Đằng – Tencent (35 tỷ) hay Mã Vân (Jack Ma) - Alibaba (24 tỷ USD).
Đón tin tốt, thanh khoản cải thiện
Cổ phiếu VinFast tăng mạnh trong phiên chào sàn 15/8 đã khiến không chỉ giới đầu tư trong nước và thế giới bất ngờ, mà ngay cả người trong cuộc cũng hơi khó tưởng tượng ra kết quả như vậy.
Ba phiên giảm sâu sau đó (có lúc xuống 13 USD, so với 37 USD phiên chào sàn) khiến nhiều người nghĩ VFS cũng sẽ có kịch bản giống với nhiều hãng xe điện khác, đặc biệt các cổ phiếu niêm yết thông qua SPAC - một hình thức niêm yết cửa sau (back door listing), hoặc thâu tóm ngược (reverse merger).
Tuy nhiên, 2 phiên tăng mạnh vừa qua và trở lại gần đỉnh cao cũ khiến nhiều người thực sự bất ngờ.
Trong phiên giao dịch 22/8, thanh khoản của VinFast trên sàn Nasdaq tăng vọt lên mức hơn 19 triệu đơn vị, so với mức thường thấy khoảng 2 triệu đơn vị/phiên trước đó và 6,7 triệu đơn vị trong phiên chào sàn. Dù vậy, thanh khoản của VinFast trên sàn Nasdaq vẫn rất thấp, so với tổng hơn 2,3 tỷ cổ phiếu VFS đang niêm yết.
Thông tin Gotion (công ty hợp tác với Vingroup sản xuất pin lithium tại Việt Nam) ký thỏa thuận mua 15 triệu cổ phiếu VinFast (VFS) với giá 10 USD/cp có thể là một thông tin tích cực với cổ phiếu VFS.
Dù vậy, VinFast được xem còn đối mặt với nhiều thách thức ở một thị trường xe điện mới mẻ và đầy cạnh tranh. Nhiều ông lớn trong ngành ô tô như Ford, GM, BMW và VW đều đã tham gia vào lĩnh vực này. Bên cạnh đó là các công ty khởi nghiệp như Nikola, Lucid và NIO. Các hãng xe lâu đời đang âm thầm chuẩn bị cho những đợt tung hàng trong tương lai và hợp nhất những giá trị lớn nhất của quốc gia và khu vực cho một cuộc chiến lớn.
Ngay sau khi chào sàn hôm 158, CEO VinFast bà Lê Thị Thu Thủy cũng đã thừa nhận những thách thức phía trước và việc “làm được” hay không phụ thuộc vào VinFast. Bà Thủy cũng cho rằng, mọi thứ không phải màu hồng như phiên chào sàn.
Dù vậy, CEO toàn cầu của VinFast cho rằng, VinFast có rất nhiều tiềm năng và thị trường xe điện thế giới rất rộng lớn.
Nói về việc cổ phiếu ở mức cao vút hôm đầu lên sàn, theo CEO VinFast phỏng đoán, kết quả cho thấy thị trường có thể đã nhận ra giá trị của VinFast sau khi lần đầu tiên công ty bước ra và nói về tiềm năng, những gì đã làm trong 6 năm qua. Ngoài ra, lượng cổ phiếu tự do giao dịch tương đối thấp. "Nhu cầu cao nên giá cổ phiếu được đẩy lên", bà nói.
Lượng cổ phiếu do nhóm các công ty liên quan tới Vingroup và Chủ tịch Phạm Nhật Vượng nắm giữ chiếm hơn 99% tổng lượng cổ phiếu phát hành, theo bản cáo bạch. Lượng cổ phần tự do giao dịch sau khi VinFast niêm yết chỉ có khoảng 4,5 triệu cổ phiếu trên tổng số hơn 2,3 tỷ cổ phiếu.
Bà Lê Thị Thu Thủy đánh giá nhu cầu xe điện trên thế giới hiện đang ở mức cao và trong tương lai còn cao hơn nữa. Nhiều Chính phủ đang đặt ra nhiều mức thuế và phí cho việc phát thải cao. Từ sau COP26, nhiều người dân đã có nhận thức về việc bảo vệ môi trường. Từ đó nhu cầu đi xe điện càng ngày càng nhiều hơn.