Cơ quan giám sát Internet của Trung Quốc cảnh báo các thách thức đối với việc quản lý AI

Những chatbot AI như ChatGPT có thể được sử dụng để tạo ra các nội dung có hại.

Cơ quan giám sát internet của Trung Quốc cảnh báo về AI (Ảnh: SCMP)

Cơ quan giám sát internet của Trung Quốc cảnh báo về AI (Ảnh: SCMP)

Cục quản lý không gian mạng Trung Quốc (CAC) hôm thứ Ba đã cảnh báo rằng các công nghệ trí tuệ nhân tạo tiên tiến như ChatGPT của OpenAI có thể đặt ra một “thách thức nghiêm trọng” đối với việc quản lý.

CAC cho biết trong báo cáo thường niên mới nhất về nền kinh tế kỹ thuật số của Trung Quốc rằng các vấn đề về đạo đức khác nhau, bao gồm rò rỉ quyền riêng tư và lạm dụng công nghệ do AI, Web3, điện toán lượng tử và các công nghệ tiên tiến khác đang nổi lên trong những năm gần đây.

Báo cáo vào năm 2022 của CAC đặc biệt khẳng định mối đe dọa của cái gọi là sự thâm nhập giá trị – một thuật ngữ mà chính quyền Trung Quốc sử dụng để mô tả sự chuyển đổi ý thức người dùng - từ việc áp dụng một cách bừa bãi những công nghệ mới như AI mà không có những quy định giám sát.

Những chatbot AI như ChatGPT có thể được sử dụng để tạo ra các nội dung mới, bao gồm âm thanh, mã code, hình ảnh, văn bản và video.

Ngay sau khi ChatGPT ra mắt vào tháng 11 năm ngoái, chatbot này đã gây bão trên toàn thế giới và thúc đẩy một số công ty công nghệ lớn của Trung Quốc, dẫn đầu là Baidu và Alibaba Group Holding, giới thiệu các chatbot thay thế của họ ra thị trường.

Web3 là thế hệ tiếp theo của World Wide Web, được phân cấp và phân phối thông qua việc sử dụng Blockchain và các công nghệ tương tự.

Điện toán lượng tử sử dụng các định luật cơ học lượng tử để giải quyết các vấn đề quá phức tạp đối với máy tính truyền thống. Nhưng vô số thách thức kỹ thuật trong lĩnh vực này đã khiến một số nhà khoa học tin rằng việc áp dụng máy tính lượng tử vào thực tế còn phải mất nhiều năm nữa, nếu không muốn nói là hàng thập kỷ.

Báo cáo CAC phản ánh việc Bắc Kinh tỏ ra lo ngại về những rủi ro tiềm ẩn do những đổi mới này gây ra, đồng thời thừa nhận rằng nước này phải nắm bắt các cơ hội do các công nghệ tiên tiến đó mang lại.

Cuộc họp hàng quý vào tháng trước của Bộ Chính trị, cơ quan ra quyết định số 2 của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã kết luận rằng Trung Quốc phải “tạo ra một hệ sinh thái cho sự đổi mới, nhưng đồng thời phải tính đến việc phòng ngừa rủi ro”.

CAC tháng trước đã công bố một bộ quy tắc dự thảo mới để quản lý các dịch vụ giống như ChatGPT. Bộ quy tắc yêu cầu các công ty cung cấp dịch vụ AI tổng quát ở Trung Quốc thực hiện các biện pháp ngăn chặn nội dung phân biệt đối xử, thông tin sai lệch và nội dung gây tổn hại đến quyền riêng tư cá nhân hoặc tài sản trí tuệ.

Các doanh nghiệp như vậy phải duy trì các giá trị xã hội chủ nghĩa của Trung Quốc và không tạo ra nội dung bạo lực, khiêu dâm hoặc phá vỡ trật tự kinh tế, xã hội.

Trong khi đó, báo cáo của CAC cũng cảnh báo về một tình huống “hỗn loạn” có thể xảy ra đối với chuỗi cung ứng trong bối cảnh cuộc chiến công nghệ Mỹ-Trung đang diễn ra khốc liệt.

Trung Quốc tiếp tục theo đuổi khả năng tự cung cấp chip và phần mềm tự động hóa thiết kế điện tử.

Doanh thu đến từ việc sản xuất vi mạch ở Trung Quốc đạt gần 280 tỉ nhân dân tệ (40 tỉ USD) vào năm 2022, tăng 12% so với năm trước, theo báo cáo. Nó cũng nêu bật những nỗ lực của Trung Quốc trong “nghiên cứu cơ bản và các kế hoạch chiến lược hướng tới tương lai” trong lĩnh vực chip cao cấp và AI.

Báo cáo cho biết: “Sự phát triển của chip AI đã và đang tăng tốc một cách nhanh chóng", điều này đã giúp thiết lập “khả năng hỗ trợ phần cứng và phần mềm AI cơ bản”.

Theo SCMP

Minh Quang

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/co-quan-giam-sat-internet-cua-trung-quoc-canh-bao-cac-thach-thuc-doi-voi-viec-quan-ly-ai-post166989.html