Cơ quan hải quan tích cực góp sức phát triển kinh tế - xã hội TP. Hồ Chí Minh

Trên cơ sở hỗ trợ cơ quan hải quan triển khai nhiệm vụ công tác đạt hiệu quả cao hơn, nỗ lực nuôi dưỡng nguồn thu ngân sách nhà nước, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh đã đề xuất, kiến nghị nhiều giải pháp phát triển kinh tế - xã hội thành phố, cùng hướng đến các mục tiêu phải hoàn thành trong năm 2022.

Liên quan đến các đề xuất phát triển kinh tế - xã hội, tại buổi gặp mặt báo giới nhân dịp Xuân Nhâm Dần 2022, ông Đinh Ngọc Thắng – Cục trưởng Cục Hải quan TP. Hồ Chí cho biết, nhận thức tầm quan trọng của công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19, với phương châm của Chính phủ “chống dịch như chống giặc”, đồng thời thực hiện nhiệm vụ kép “vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội”, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh đã triển khai đầy đủ các chỉ đạo của ngành và chính quyền địa phương, thường xuyên quán triệt nhận thức và kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định phòng chống Covid-19 của cán bộ công chức.

Ông Đinh Ngọc Thắng - Cục trưởng Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh chia sẻ hoạt động công tác năm 2022 với các phóng viên báo chí. Ảnh Đỗ Doãn

Năm 2021 là năm mà Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác được giao. Bước sang năm 2022, đơn vị đã triển khai hàng loạt giải pháp hướng tới mục tiêu tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ ở mức cao nhất. Bên cạnh đó, dưới góc nhìn của cơ quan hải quan, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh đã đề xuất, kiến nghị nhiều giải pháp phát triển kinh tế - xã hội thành phố, đồng thời hỗ trợ đơn vị thực thi nhiệm vụ công tác đạt hiệu quả cao hơn.

Theo đó, giải pháp thứ nhất là tiếp tục thực hiện nhiệm vụ kép vừa phòng chống dịch bệnh Covid-19 vừa đảm bảo phát triển kinh tế xã hội với phương châm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch. Do ngành Hải quan là lực lượng tuyến đầu trong việc bảo đảm, duy trì chuỗi cung ứng hàng hóa của nền kinh tế, thực hiện thu ngân sách và phòng chống buôn lậu, vận chuyển trái phép ma túy, hàng cấm nên cần được hỗ trợ về trang thiết bị chống dịch, ưu tiên tiêm tăng cường vắc-xin, cấp giấy lưu thông cho cán bộ công chức (trong trường hợp phải thực hiện giãn cách xã hội)…

Giải pháp thứ hai, thành phố có chiến lược, kế hoạch tăng vốn đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng kinh tế một cách bài bản, căn cơ, đồng bộ, tận dụng toàn bộ thế mạnh về vị trí địa lý, con người và công nghệ. Cụ thể là hoàn thành, nâng cấp, mở rộng và xây mới các tuyến đường bộ, đường sắt kết nối với khu vực kinh tế, hệ thống kho, bãi, cảng, khu công nghiệp; xây dựng hệ thống bến tàu, cầu cảng vệ tinh, cảng nội địa có quy mô lớn, gần cảng biển làm cảng vệ tinh phụ trợ, tận dụng tối đa lợi thế vị trí địa lý.

Bên cạnh đó là việc quy hoạch cảng biển nước sâu Gò Gia để hấp thụ và trung chuyển hàng hóa của thế giới, tiếp tục mở rộng cụm cảng Cát Lái – Phú Hữu, Hiệp Phước Nhà Bè; đảm bảo chi phí nạo vét, duy tu, cải tạo tất cả các luồng hàng hải; ủng hộ, hỗ trợ Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh trong việc quy hoạch, cấp đất xây dựng trụ sở cơ quan hải quan, nhất là Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực I, để đáp ứng yêu cầu công việc trong tình hình mới.

Giải pháp thứ ba, dịch vụ logistics là xương sống của nền kinh tế, phản ánh năng lực cạnh tranh quốc gia. Do đó, thành phố cần tập trung vốn phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, hạ tầng logistics với tốc độ nhanh nhất. Cụ thể như: đẩy nhanh tiến độ xây dựng các trung tâm logistics theo đề án của thành phố theo từng giai đoạn nhỏ để tập trung vốn, nguồn lực; ưu tiên mở rộng hệ thống kho, bãi phục vụ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh xuất nhập khẩu tại thành phố và các tỉnh lân cận.

Bên cạnh đó là tập trung đầu tư phát triển chuỗi cung ứng lạnh phục vụ hàng hóa nông nghiệp và an ninh lương thực, gia tăng giá trị hàng nông nghiệp; quy hoạch, đầu tư các khu thương mại tự do, trung tâm mua sắm phi thuế quan, hoàn thuế cho khách nước ngoài, trung tâm triển lãm để thu hút, giữ chân khách du lịch, nhằm tăng tỷ trọng nguồn thu từ du lịch, mua sắm; đầu tư phát triển đội bay chuyên chở hàng quốc tế ngay tại thành phố.

Lãnh đạo Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh cùng đối tác tại sự kiện thực hiện nghi thức triển khai đề án tạo thuận lợi thương mại và chống ùn tắc tại cảng Cát Lái, TP. Thủ Đức. Ảnh Đỗ Doãn

Các giải pháp tiếp theo gồm: đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số làm nền tảng phát triển kinh tế số và thương mại điện tử, hoàn thiện hệ thống trục cơ sở dữ liệu trao đổi thông tin, dữ liệu kết nối tất cả các đơn vị hành chính quản lý nhà nước trên địa bàn thành phố; tăng cường hợp tác, đối thoại, xúc tiến thương mại vùng, khu vực, toàn cầu với các hội nghị có sự tham gia của lãnh đạo thành phố và lãnh đạo Cục Hải quan để nắm thông tin và triển khai được nhanh chóng.

Giải pháp cuối cùng là đẩy nhanh tiến độ ban hành và triển khai các chính sách hỗ trợ tạo điều kiện về thuế, lãi suất vay vốn đối với ngành logistics; nghiên cứu khung pháp lý về PPP nhằm tạo hành lang pháp lý thu hút nguồn vốn từ xã hội cho phát triển logistics; tiếp tục triển khai Đề án thu thu phí sử dụng công trình, kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển TP. Hồ Chí Minh để tăng vốn đầu tư cơ sở hạ tầng logistics; triển khai nhanh các dự án phát triển cơ sở hạ tầng logistics trong lộ trình 5 năm trở lại, không kéo dài tiến độ dẫn đến đội chi phí…/.

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/co-quan-hai-quan-tich-cuc-gop-suc-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-tp-ho-chi-minh-99430.html