Cơ quan tình báo Hàn Quốc: DeepSeek thu thập dữ liệu cá nhân quá mức và sử dụng để tự đào tạo ứng dụng AI
Cơ quan tình báo Hàn Quốc cáo buộc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) của DeepSeek thu thập dữ liệu cá nhân 'quá mức' và sử dụng tất cả dữ liệu đầu vào để tự đào tạo, đồng thời đặt câu hỏi về phản hồi của nó với các câu hỏi liên quan đến vấn đề tự hào dân tộc.
Cơ quan Tình báo Quốc gia (NIS) cho biết đã gửi thông báo chính thức tới các cơ quan chính phủ Hàn Quốc tuần trước, kêu gọi họ thực hiện các biện pháp phòng ngừa an ninh với ứng dụng AI của DeepSeek.
"Đã xác nhận rằng lịch sử trò chuyện trong ứng dụng DeepSeek có thể được chuyển giao vì nó gồm cả một chức năng thu thập các mẫu nhập liệu bàn phím nhận diện cá nhân và giao tiếp với các máy chủ của các công ty Trung Quốc như volceapplog.com, không giống các dịch vụ AI tạo sinh khác", NIS cho biết trong một tuyên bố hôm 10.2.
Một số bộ của chính phủ Hàn Quốc đã chặn quyền truy cập vào ứng dụng này, nêu lý do lo ngại về an ninh, đồng thời cùng Úc, Ý và Đài Loan cảnh báo hoặc áp dụng các hạn chế với DeepSeek.
Theo NIS, DeepSeek cung cấp cho các nhà quảng cáo quyền truy cập không giới hạn vào dữ liệu người dùng và lưu trữ dữ liệu của người dùng Hàn Quốc trên những máy chủ Trung Quốc. Theo luật pháp Trung Quốc, chính phủ nước này có thể truy cập thông tin như vậy khi được yêu cầu, NIS cho biết thêm.
NIS lưu ý rằng DeepSeek đưa ra các câu trả lời khác nhau cho những câu hỏi có khả năng nhạy cảm khi được hỏi bằng các ngôn ngữ khác nhau.
Một ví dụ mà cơ quan này đưa ra là câu hỏi về nguồn gốc của kim chi - món ăn cay, lên men và là thực phẩm thiết yếu ở Hàn Quốc.
Khi được hỏi bằng tiếng Hàn, ứng dụng AI của DeepSeek cho biết kim chi là món ăn Hàn Quốc, NIS cho biết. Song khi được hỏi cùng câu này bằng tiếng Trung, ứng dụng này lại nói rằng kim chi có nguồn gốc từ Trung Quốc. Những phản hồi đó của DeepSeek đã được hãng Reuters xác nhận.
Nguồn gốc của kim chi đôi khi trở thành chủ đề gây tranh cãi giữa người dùng mạng xã hội Hàn Quốc và Trung Quốc những năm gần đây.
DeepSeek cũng bị cáo buộc kiểm duyệt câu trả lời cho các câu hỏi chính trị. Khi gặp câu hỏi dạng này, ứng dụng AI của DeepSeek đề xuất thay đổi chủ đề: "Hãy nói về điều gì đó khác".
DeepSeek không trả lời ngay lập tức câu hỏi tìm kiếm bình luận qua email của Reuters.
Khi được hỏi về động thái của các cơ quan chính phủ Hàn Quốc nhằm chặn DeepSeek, một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc trả lời trong cuộc họp báo ngày 6.2 rằng chính phủ nước này rất coi trọng quyền riêng tư và bảo mật dữ liệu, đồng thời bảo vệ chúng theo đúng quy định của pháp luật.
Người phát ngôn này cũng cho biết Trung Quốc sẽ không bao giờ yêu cầu bất kỳ công ty hoặc cá nhân nào thu thập và lưu trữ dữ liệu vi phạm pháp luật.
![Cơ quan tình báo Hàn Quốc cáo buộc ứng dụng AI của DeepSeek thu thập dữ liệu cá nhân "quá mức" và sử dụng tất cả dữ liệu đầu vào để tự đào tạo - Ảnh: Internet](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_10_287_51441436/5c7416dc2292cbcc9283.jpg)
Cơ quan tình báo Hàn Quốc cáo buộc ứng dụng AI của DeepSeek thu thập dữ liệu cá nhân "quá mức" và sử dụng tất cả dữ liệu đầu vào để tự đào tạo - Ảnh: Internet
Hôm 6.2, các bộ và cảnh sát Hàn Quốc cho biết đã chặn quyền truy cập DeepSeek trên máy tính làm việc, sau khi công ty khởi nghiệp AI Trung Quốc không phản hồi câu hỏi của cơ quan giám sát dữ liệu về cách quản lý thông tin người dùng.
DeepSeek đã ra mắt mô hình suy luận R1 vào tháng 1, có năng lực ngang sản phẩm của những công ty đi đầu về AI tại Mỹ với mức đầu tư chỉ bằng một phần nhỏ, làm đảo lộn ngành công nghiệp toàn cầu.
Cùng với Pháp, Ý, Nhật Bản, Ireland và Úc, Hàn Quốc đã đặt câu hỏi về cách DeepSeek xử lý dữ liệu. Không những thế, Hàn Quốc còn yêu cầu công ty Trung Quốc cung cấp thông tin bằng văn bản về cách họ quản lý thông tin người dùng.
Sau khi công ty này không phản hồi yêu cầu từ cơ quan giám sát dữ liệu của Hàn Quốc, một loạt các bộ đã xác nhận đang thực hiện các bước để hạn chế quyền truy cập DeepSeek nhằm ngăn chặn khả năng rò rỉ thông tin nhạy cảm.
"Các biện pháp chặn DeepSeek đã được triển khai cụ thể cho các máy tính cá nhân liên quan đến công việc của quân đội có kết nối internet", một quan chức Bộ Quốc phòng Hàn Quốc chia sẻ với hãng thông tấn AFP.
Bộ này cũng cho biết đã "nhắc nhở các đơn vị và binh sĩ về biện pháp phòng ngừa an ninh liên quan đến việc sử dụng AI tạo sinh, cân nhắc cả vấn đề an ninh và kỹ thuật".
Cảnh sát Hàn Quốc nói với AFP rằng đã chặn quyền truy cập DeepSeek. Trong khi Bộ Thương mại nước này cho biết quyền truy cập DeepSeek đã bị hạn chế tạm thời trên tất cả máy tính cá nhân của họ. Bộ Thương mại Hàn Quốc thực hiện động thái này vì DeepSeek "chưa trả lời yêu cầu của Ủy ban Bảo vệ thông tin cá nhân".
Bộ Tài chính Hàn Quốc nói với AFP rằng đã "thực hiện các biện pháp để ngăn chặn rò rỉ thông tin cá nhân và thông tin mật cho DeepSeek với tất cả nhân viên".
Trước đó, Ý đã mở một cuộc điều tra về R1 của DeepSeek và chặn mô hình này xử lý dữ liệu người dùng trong nước.
Úc cũng đã cấm DeepSeek khỏi tất cả thiết bị của chính phủ theo lời khuyên từ các cơ quan an ninh.
Tại Ấn Độ, Bộ Tài chính nước này yêu cầu các nhân viên tránh sử dụng các công cụ AI như ChatGPT và DeepSeek cho mục đích công việc. Khuyến cáo nội bộ của Bộ Tài chính Ấn Độ nêu rõ các công cụ và ứng dụng AI có trong máy tính và thiết bị văn phòng chứa đựng rủi ro về bảo mật tài liệu, dữ liệu chính phủ.
Ở Mỹ, NASA (Cơ quan Hàng không và Vũ trụ), Hải quân, Hạ viện và bang Texas cấm toàn bộ nhân viên sử dụng DeepSeek vì lo ngại an ninh quốc gia và quyền riêng tư.
Thông báo từ Giám đốc AI của NASA gửi tới tất cả nhân viên ngày 1.2 nói máy chủ của DeepSeek "hoạt động bên ngoài nước Mỹ, gây ra những lo ngại về an ninh quốc gia và quyền riêng tư".
"DeepSeek và các sản phẩm và dịch vụ của công ty này không được phép sử dụng với dữ liệu và thông tin của NASA hoặc trên thiết bị và mạng do chính phủ cấp", trích thông báo.
Greg Abbott - Thống đốc bang Texas (Mỹ) đã ban hành lệnh cấm DeepSeek trên tất cả thiết bị do chính quyền bang cấp.
Kim Jong-hwa, giáo sư khoa AI của Đại học Cheju Halla (Hàn Quốc), chia sẻ với AFP rằng trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc, ông nghi ngờ "các yếu tố chính trị" có thể ảnh hưởng đến phản ứng với DeepSeek nhưng cho rằng lệnh cấm vẫn là hợp lý.
"Về mặt kỹ thuật, các mô hình AI của OpenAI cũng phải đối mặt với nhiều vấn đề liên quan đến bảo mật vẫn chưa được giải quyết đầy đủ. Tuy nhiên, tôi nghi ngờ liệu DeepSeek có cân nhắc đến các vấn đề bảo mật nhiều như OpenAI khi phát triển các công nghệ tiên tiến hay không. Hiện tại, chúng tôi không thể đánh giá được mức độ quan tâm từ DeepSeek với các vấn đề bảo mật khi phát triển chatbot của mình. Do đó, tôi tin rằng việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa chủ động không phải là quá đáng", Kim Jong-hwa nhận định.
Hôm 5.2, chính phủ Hàn Quốc đã công bố khoản đầu tư bổ sung 34.000 tỉ won (23,5 tỉ USD) vào ngành công nghiệp bán dẫn và công nghệ cao, trong đó quyền Tổng thống Hàn Quốc - Choi Sang Mok kêu gọi các hãng trong nước duy trì sự linh hoạt.
"Gần đây, một công ty Trung Quốc đã công bố mô hình AI DeepSeek R1, cung cấp hiệu suất cao với chi phí thấp, tạo ra tác động mới trên thị trường. Cuộc cạnh tranh AI toàn cầu có thể sẽ chuyển từ việc mở rộng cơ sở hạ tầng đơn thuần sang cuộc cạnh tranh phức tạp hơn, bao gồm cả khả năng phần mềm và các yếu tố khác", ông Choi Sang Mok phát biểu.
Samsung Electronics và SK Hynix (Hàn Quốc) là hai nhà cung cấp chính các chip nhớ tiên tiến được sử dụng trong máy chủ AI.
Lượng sức mạnh tính toán mà DeepSeek sử dụng để huấn luyện hai mô hình nguồn mở V3 và R1 đã trở thành chủ đề thu hút sự quan tâm mạnh mẽ từ các chuyên gia AI và nhà đầu tư, vì câu trả lời có thể ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của công nghệ này trong tương lai.
Trong một bài viết về V3, ra mắt vào tháng 12.2024, DeepSeek tuyên bố rằng quá trình huấn luyện mô hình này chỉ tiêu tốn 2,8 triệu giờ GPU với chi phí 5,6 triệu USD, chỉ bằng một phần nhỏ thời gian và tiền bạc mà các công ty Mỹ bỏ ra cho các mô hình AI của họ.
Cụ thể hơn, DeepSeek cho biết đào tạo V3 bằng khoảng 2.000 chip Nvidia H800. Đây không phải là loại chip hàng đầu của Nvidia. Ban đầu H800 được Nvidia phát triển như một sản phẩm giảm hiệu năng để vượt qua các hạn chế từ chính quyền Biden với mục đích bán cho thị trường Trung Quốc, song sau đó bị cấm theo lệnh trừng phạt của Mỹ.
Một số chuyên gia đã đặt nghi vấn về tuyên bố của DeepSeek.
R1, mô hình lập luận mã nguồn mở của DeepSeek trình làng ngày 20.1, thể hiện năng lực tương đương với các mô hình tiên tiến hơn từ OpenAI, Anthropic và Google, nhưng chi phí đào tạo thấp hơn đáng kể. Tuy nhiên, bài viết của DeepSeek về R1 không đề cập đến chi phí phát triển.
Các mô hình DeepSeek có chi phí thấp và hiệu suất mạnh mẽ làm dấy lên nghi ngờ về sự cần thiết của khoản đầu tư khổng lồ từ các gã khổng lồ công nghệ Mỹ, đặc biệt là vào chip AI đắt đỏ. Điều này đã dẫn đến đợt bán tháo lớn cổ phiếu Nvidia hôm 27.1, khiến vốn hóa hãng chip AI hàng đầu của Mỹ giảm gần 600 tỉ USD chỉ trong một ngày.
Bộ Quốc phòng Hàn Quốc tăng cường bảo mật smartphone của binh lính do lo ngại DeepSeek
Bộ Quốc phòng Hàn Quốc thông báo sẽ đưa ra các biện pháp bảo mật bổ sung cho smartphone mà binh lính sử dụng để ứng phó với các lo ngại về bảo mật do DeepSeek gây ra.
Động thái đó diễn ra một ngày sau khi Bộ Quốc phòng Hàn Quốc chặn quyền truy cập DeepSeek trên máy tính làm việc do lo ngại về các hoạt động quản lý dữ liệu của công ty Trung Quốc này.
"Các biện pháp bảo mật cần thiết đã được áp dụng cho điện thoại di động mà quân đội sử dụng và những biện pháp bảo mật bổ sung sẽ được đưa ra trong tương lai", Jeon Ha-kyou, người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, nói trong một cuộc họp báo khi được hỏi về khả năng sử dụng ứng dụng DeepSeek trên điện thoại quân đội.
Hôm 4.2, Bộ Nội vụ Hàn Quốc đã yêu cầu các bộ của chính quyền trung ương và 17 chính quyền địa phương thận trọng khi sử dụng AI tạo sinh như DeepSeek. Nhiều Bộ đã chặn quyền truy cập vào dịch vụ AI này kể từ đó.