Phát triển nguồn gen, nhân rộng sản xuất trà hoa vàng
Trà hoa vàng, tên khoa học Camellia chrysantha, được mệnh danh là nữ hoàng của các loài trà. Trong cây trà hoa vàng, nhất là hoa, có chứa hơn 400 hoạt chất, gồm nhiều thành phần dược chất chiếm tỷ lệ cao như Selenium, Tea polyphenon, Saponin. Trà hoa vàng là thức trà rất bổ dưỡng, quý, có hương thơm, vị ngọt, tính bình, có công dụng: Làm chậm quá trình lão hóa, tăng cường sức khỏe tim mạch, giúp hạ đường huyết, thanh lọc cơ thể, giải độc gan, ngăn ngừa bệnh ung thư, giảm căng thẳng, chữa mất ngủ…
![Sản phẩm trà hoa vàng túi lọc do Trung tâm Ứng dụng Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng sản xuất phục vụ chăm sóc sức khỏe con người](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_11_439_51443901/d7f56ca358edb1b3e8fc.jpg)
Sản phẩm trà hoa vàng túi lọc do Trung tâm Ứng dụng Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng sản xuất phục vụ chăm sóc sức khỏe con người
• PHÁT HUY NGUỒN GEN DƯỢC LIỆU QUÝ
Với những giá trị dược liệu, 10 năm qua, cây trà hoa vàng đã được ngành Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng quan tâm nghiên cứu, thực nghiệm, nhân rộng sản xuất, chế biến. Năm 2014, đề tài nghiên cứu “Điều tra, nhân giống trà hoa vàng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng” do Trường Đại học Đà Lạt chủ trì thực hiện đã thu được những kết quả. Qua đó cho biết, cả nước có hơn 40 loài trà hoa vàng, Lâm Đồng là vùng đất may mắn có 5 loài. Đây là nguồn gen tự nhiên quý, trong đó có 3 loài có khả năng nhân rộng. Từ trà hoa vàng có thể chế biến thành nhiều loại thực phẩm chức năng khác nhau mang lại hiệu quả kinh tế.
Tiếp đó, Trung tâm Ứng dụng Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng (gọi tắt là Trung tâm) đã thực hiện ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ trồng một số loài hoa vàng phục vụ sản xuất trà túi lọc ở Lâm Đồng.
Để trồng và chế biến trà có chất lượng tốt, đòi hỏi phải trồng được vườn nguyên liệu có chất lượng cao. Từ vườn trà đầu dòng di thực ở rừng về, cây trà hoa vàng đã được nhân giống bằng phương pháp giâm hom. Sau khi xem xét tính chất, sức sống, khả năng ứng dụng, Trung tâm đã chọn 3 loại trà hoa vàng là trà hoa vàng Đà Lạt, trà hoa vàng Di Linh và trà mi bạc. Do đặc điểm sinh thái, trà hoa vàng có tốc độ sinh trưởng rất chậm, từ 4 - 6 năm mới đạt độ trưởng thành, vì vậy khi xây dựng vườn trà đầu dòng, các chuyên gia kỹ thuật của Trung tâm phải đầu tư nhiều công sức.
Ông Nguyễn Văn Quang - Phó Giám đốc Trung tâm cho biết: Tiếp nhận thành quả nghiên cứu quy trình kỹ thuật và cây đầu dòng từ Trường Đại học Đà Lạt chuyển giao, Trung tâm đã nhân giống để phục vụ sản xuất và đã nhân ươm 3.600 cây thực hiện triển khai mô hình trên diện tích 1,8 ha tại 4 huyện, thành: Đà Lạt, Đơn Dương, Di Linh và Đạ Huoai. Quá trình nhân giống đạt tỷ lệ sống 85%, qua 3 năm cây sinh trưởng và phát triển từ 1 - 1,7 m.
Quá trình thực hiện, Trung tâm đã hoàn thiện quy trình sản xuất trà túi lọc và thực nghiệm sản xuất thành công sản phẩm trà túi lọc từ lá cây trà hoa vàng. Bên cạnh đó, Trung tâm đã nhân giống hàng ngàn cây trà hoa vàng phục vụ sản xuất. Một số hộ nông dân ở xã Trạm Hành (Đà Lạt) đã lấy giống đầu dòng từ Trung tâm về trồng trên diện tích 3 ha. Ngoài ra, Trung tâm cũng tiến hành trồng thực nghiệm 3 mô hình tại 3 vùng sinh thái của cây trà hoa vàng: 1 vườn trồng trà mi bạc tại xã Đạ Tồn (Đạ Huoai), 1 vườn trồng trà hoa vàng tại xã Hòa Bắc (Di Linh) và 1 vườn trồng trà hoa vàng tại thị trấn D'ran (Đơn Dương). Nhờ được chuyển giao quy trình kỹ thuật tốt, sau hơn 2 năm, tỷ lệ cây trà sống trên 85%, cây phát triển với tốc độ bình thường. Riêng cây trà mi, tỷ lệ sống cao tới 96%. Các vườn trồng đã cho thu hoạch lá.
• NHÂN RỘNG TRÀ HOA VÀNG THÀNH CÂY THƯƠNG PHẨM
Sự thành công của vườn đầu dòng trà hoa vàng mở ra tiềm năng phát triển của cây trà hoa vàng, góp phần nhân rộng canh tác gắn liền với chế biến rộng rãi. Ông Nguyễn Văn Quang cho biết: Thực hiện đề án phát triển cây dược liệu do UBND tỉnh ban hành, trong đó có cây trà hoa vàng, Trung tâm đang bảo tồn 75 cây đầu dòng của 3 loài giống đặc hữu, đã được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng công nhận là vườn cây giống đầu dòng. Từ vườn cây này là nguồn để Trung tâm phục vụ cho việc nhân giống để nhân rộng sản xuất, trồng trà hoa vàng thương phẩm.
Từ dự án, Trung tâm đã sản xuất thành công trà túi lọc thơm ngon, chất lượng. Bên cạnh đó, nhiều hộ nông dân, doanh nghiệp cũng tổ chức trồng, chế biến trà hoa vàng thành nhiều sản phẩm thương mại có giá trị như: trà túi lọc, bông trà hoa vàng sấy thăng hoa, bột matcha trà hoa vàng... Đặc biệt, ngành Nông nghiệp tỉnh đã xây dựng được chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm trà hoa vàng giữa Hợp tác xã (HTX) Trà hoa vàng Phương Nam (Đạ Huoai) và các hộ nông dân tại huyện này với tổng kinh phí 1,7 tỷ đồng, ngân sách nhà nước hỗ trợ 832 triệu đồng mua sắm máy móc, hướng dẫn nông dân nắm rõ quy trình sản xuất, quản lý chuỗi, các quy chuẩn trong sản xuất, thu hoạch, sơ chế, bảo quản, chế biến trà hoa vàng đạt tiêu chuẩn VietGAP, tiến tới sản xuất hữu cơ. Vốn còn lại từ HTX và hộ nông dân tham gia đối ứng gần 864 triệu đồng. Đến năm 2025 mục tiêu đạt 32 hộ liên kết với diện tích 20 ha, sản lượng 7 tấn gồm 5,25 tấn lá, 1,75 tấn hoa. Với việc sấy nhiệt trước đây, sản phẩm trà không giữ được màu sắc, nhưng từ khi áp dụng công nghệ sấy thăng hoa (sấy lạnh), sản phẩm còn nguyên màu, đặc biệt bông trà còn giữ nguyên màu vàng, giữ nguyên hình dạng, màu sắc, hương thơm.
Từ công trình nghiên cứu khoa học, di thực, thuần dưỡng, hiện thực hóa thành những vườn trà đầu dòng, hình thành những vườn nguyên liệu, mở rộng sản xuất, cho ra sản phẩm đến tay người tiêu dùng là thành quả nghiên cứu của các nhà khoa học; cùng sự mạnh dạn đi đầu của các doanh nghiệp, sự cần cù lao động, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ của các hộ nông dân. Từ đó, để những đề tài nghiên cứu không còn nằm trên giấy, những dự án triển khai không chỉ là mô hình, mà nhân rộng góp phần phát triển kinh tế, xã hội. Đó cũng là mong mỏi của những người làm công tác khoa học mong muốn đưa thành quả nghiên cứu của mình đến từng hộ nông dân, phát triển kinh tế gia đình, làm thay đổi cuộc sống, đồng thời góp phần bảo tồn và phát huy nguồn gen quý cây dược liệu bản địa Lâm Đồng, phục vụ chăm sóc sức khỏe con người.