'Có rất nhiều điều tích cực đang diễn ra ở Việt Nam'

Trong 10-15 năm qua, Việt Nam đã có mức tăng trưởng kinh tế chưa từng có. Đến năm nay, GDP 9 tháng tăng 6,82%, minh chứng nền kinh tế Việt Nam đã phục hồi và quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng như trước đại dịch Covid-19.

Nguồn: Tổng cục Thống kê. Đồ họa: Văn Chung

Nguồn: Tổng cục Thống kê. Đồ họa: Văn Chung

Thúc đẩy các động lực tăng trưởng kinh tế

7,4% là tốc độ tăng GDP trong quý III vừa qua. Đây là con số tăng trưởng khả quan trong bối cảnh còn nhiều khó khăn đến từ tình hình trong và ngoài nước, cộng với ảnh hưởng của cơn bão Yagi đã kéo giảm đà tăng trưởng của nước ta. Đạt được kết quả tích cực trên là nhờ nỗ lực và quyết tâm cao độ của cả hệ thống chính trị, từ Trung ương tới địa phương. Đặc biệt, ngay sau cơn bão số 3, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 143/NĐ-CP để nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát.

Theo phân tích của các chuyên gia kinh tế, trong những năm gần đây, ngoại trừ các năm có biến động nhiều do đại dịch Covid-19 trong giai đoạn từ năm 2020 - 2023, thì mức tăng trưởng GDP 9 tháng đầu các năm khá ổn định, đều dao động khoảng từ trên 5% - 7%. Đến năm nay, GDP 9 tháng tăng 6,82%, minh chứng nền kinh tế Việt Nam đã phục hồi và quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng như trước đại dịch Covid-19.

Theo ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc Khối ngoại hối, thị trường vốn và dch vụ chứng khoán, HSBC Việt Nam, sự phục hồi của nền kinh tế Việt Nam trong 9 tháng qua là rất ấn tượng, đặc biệt trong quý II, GDP tăng 6,8%, cao hơn sự kỳ vọng của nhiều tổ chức và thị trường; GDP của Việt Nam quý III còn tốt hơn nữa, đạt 7,4% do đó GDP bình quân 9 tháng của năm là 6,8%. “Kỳ vọng động lực tăng trưởng kinh tế của Việt Nam có thể tiếp tục duy trì trong những tháng còn lại của năm và GDP của Việt Nam có thể ở mức 6,5 - 7% như mục tiêu Chính phủ đề ra”, ông Ngô Đăng Khoa dự báo.

Trong 9 tháng vừa qua, các khu vực công nghiệp, nông - lâm nghiệp, thủy - hải sản, khu vực dịch vụ đều tăng trưởng tích cực, điều này cho thấy sức mạnh nội tại của nền kinh tế và điều hành nhịp nhàng của các cấp chính quyền hỗ trợ doanh nghiệp và người dân. Cùng với đó là điều hành linh hoạt chính sách tài khóa, tiền tệ hiệu quả.

Cả nước tập trung cao phấn đấu tăng trưởng trên 7%

Tại cuộc họp Chính phủ với các địa phương mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã biểu dương sự nỗ lực, cố gắng vượt khó của một số bộ, ngành, địa phương, nhất là TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh đã đóng góp trên 51% tổng thu ngân sách cả nước, trong đó TP. Hà Nội đóng góp 25,93%, TP. Hồ Chí Minh đóng góp 25,45%.

Việt Nam đã có mức tăng trưởng kinh tế chưa từng có, rất đáng khen ngợi

Có rất nhiều điều tích cực đang diễn ra ở Việt Nam. Trong 10 - 15 năm qua, Việt Nam đã có mức tăng trưởng kinh tế chưa từng có, những kết quả rất đáng khen ngợi. Chính phủ đã rất thận trọng trong quản lý chính sách tài khóa, tiền tệ để thúc đẩy tăng trưởng. Ông Shantanu Chakraborty - Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á tại Việt Nam

Cùng với đó là sự nỗ lực, chia sẻ khắc phục hậu quả thiên tai của các địa phương, nhất là Lào Cai, Quảng Ninh, Hải Phòng trong quá trình khắc phục hậu quả bão số 3. Một số tỉnh miền Trung, Tây Nguyên cũng nỗ lực lớn như Đắk Lắk, Đắk Nông. Các địa phương có tốc độ tăng trưởng cao trên 11% như: Bắc Giang (13,8%), Thanh Hóa (12,4%), Lai Châu (11,6%)... Đáng chú ý, một số địa phương bị ảnh hưởng nặng nề bởi bão số 3 vẫn giữ được đà tăng trưởng cao như: Hải Phòng, Quảng Ninh, Phú Thọ… Đặc biệt, cả nước đã phát huy mạnh mẽ tinh thần đoàn kết dân tộc, chung tay hướng về miền Bắc giúp người dân khắc phục hậu quả thiên tai với hàng nghìn tỷ đồng.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải bám sát diễn biến kinh tế để đưa ra phản ứng chính sách phù hợp, có giải pháp kịp thời, hiệu quả trên tinh thần “Quyết tâm cao độ - Nỗ lực hết mình - Hành động quyết liệt - Phấn đấu thực hiện thắng lợi toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ của năm 2024”, tạo đà cho năm 2025. Trong đó, cần tập trung phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định đời sống nhân dân, thúc đẩy phục hồi sản xuất kinh doanh; tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng đạt trên 7% gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô.

Dành lời ngợi khen cho Việt Nam, ông Shantanu Chakraborty đánh giá: “Có rất nhiều điều tích cực đang diễn ra ở Việt Nam. Trong 10-15 năm qua, Việt Nam đã có mức tăng trưởng kinh tế chưa từng có, những kết quả rất đáng khen ngợi. Chính phủ đã rất thận trọng trong quản lý chính sách tài khóa, tiền tệ để thúc đẩy tăng trưởng”.

Theo mục tiêu đề ra tăng trưởng GDP cả năm của Việt Nam khoảng trên 7%, như vậy, trong quý IV, GDP phải đạt từ 7 - 8%. Để đạt mục tiêu này, cần sự vào cuộc nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự quyết liệt của các bộ, ngành, địa phương, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công hiệu quả. Đồng thời, tiếp tục tăng trưởng các động lực kinh tế trụ cột, như vậy năm 2024 mới tạo đà vững chắc cho năm 2025 tăng trưởng mạnh mẽ.

Kinh tế vĩ mô Việt Nam sẽ cải thiện trong quý tới

Bên cạnh những kết quả khả quan, tại cuộc họp với các địa phương mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã thẳng thắn chỉ ra nước ta vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế và khó khăn thách thức. Nổi bật là bão số 3 gây thiệt hại lớn; hậu quả Covid-19 vẫn còn; sức ép chỉ đạo điều hành kinh tế vĩ mô còn cao, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công còn thấp hơn cùng kỳ, tình hình sản xuất kinh doanh một số lĩnh vực còn khó khăn, nhất là nông nghiệp. Bên cạnh đó, thị trường bất động sản vẫn còn chậm được giải quyết; nợ xấu có xu hướng tăng.

Tuy nhiên, những thuận lợi nâng đỡ cho tăng trưởng cũng có không ít. Ở phía doanh nghiệp, các doanh nghiệp cũng tự tin vào hoạt động sản xuất kinh doanh của mình. Theo Tổng cục Thống kê, trên 80% các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo dự báo tình hình sản xuất kinh doanh quý 4 tốt hơn hoặc ổn định so với quý III/2024. Một môi trường vĩ mô ổn định, sự tự tin từ nội tại doanh nghiệp là những động lực cho nền kinh tế tăng tốc trong quý cuối năm.

Kết quả khảo sát Chỉ số niềm tin kinh doanh quý III của EuroCham cho thấy tín hiệu tích cực trong tâm lý kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam. Theo đó, Chỉ số niềm tin kinh doanh (BCI) quý III đã tăng lên 52 so với cùng kỳ năm ngoái chỉ là 45,1, đánh dấu sự phục hồi mạnh mẽ trong một năm đầy biến động trước các yếu tố ngoại cảnh. Kết quả khảo sát còn cho thấy, có 47,4% doanh nghiệp tin rằng tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam sẽ có sự cải thiện trong quý tới. Thêm vào đó, triển vọng dài hạn vẫn ở mức cao, với hơn 69% kỳ vọng về môi trường kinh doanh thuận lợi trong vòng 5 năm tới.

Chính phủ đặt mục tiêu tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GDP cả năm khoảng trên 7%, tăng trưởng quý IV từ 7,5 - 8%. Đây là một trong 12 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm được Thủ tướng Chính phủ chỉ ra tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ diễn ra ngày 7/10. Trong đó, tập trung đẩy mạnh, tạo đột phá giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu đạt tỷ lệ giải ngân ít nhất 95%.

Nhiều tổ chức quốc tế đánh giá cao kết quả và triển vọng kinh tế Việt Nam. IMF nâng dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm 2024 lên 6,1%, WB dự báo tăng 6,1%, ADB dự báo tăng 6%; Fitch Ratings dự báo Việt Nam tăng trưởng từ 6-7% trong trung hạn, mặc dù đánh giá tình hình thế giới, khu vực còn nhiều khó khăn.

Minh Anh

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/co-rat-nhieu-dieu-tich-cuc-dang-dien-ra-o-viet-nam-161593-161593.html