Cơ sở hạ tầng ở Bắc Cực sẽ ra sao đến năm 2050?
Các nhà nghiên cứu đã đưa ra cảnh báo các lớp băng vĩnh cửu tan chảy có thể khiến 50% cơ sở hạ tầng ở Bắc Cực có nguy cơ bị hư hại đến năm 2050.
Trong một đánh giá khoa học về hậu quả nghiêm trọng của tình trạng biến đổi khí hậu trong 20 năm qua, các nhà nghiên cứu đã đưa ra cảnh báo các lớp băng vĩnh cửu tan chảy có thể khiến 50% cơ sở hạ tầng ở Bắc Cực có nguy cơ bị hư hại đến năm 2050, đòi hỏi những khoản đầu tư lên tới hàng chục nghìn tỷ USD để bảo trì, bảo dưỡng.
Theo bản đánh giá khoa học nghiên cứu đăng tải trên tạp chí "Nature Reviews Earth & Environment", nhiệt độ tại các vùng băng vĩnh cửu đã tăng khoảng 0,3 đến 1 độ C mỗi 10 năm kể từ những năm 1980 của thế kỷ trước, trong đó có vùng High Arctic, gồm nhiều khu vực ở Canada , đặc biệt là các đảo phía Bắc, ghi nhận nền nhiệt độ tăng tới 3 độ C trong 40 năm qua.
Theo đánh giá của các nhà khoa học, mức tăng nhiệt này đủ làm tan chảy lớp băng vĩnh cực nằm sâu trong lòng đất. Thực tế, các cơ sở hạ tầng như đường sá, công trình xây dựng ở khu vực Alaska, phía Bắc của Nga và Canada có dấu hiệu bị rạn nứt.
Nhà địa lý học thuộc Đại học George Washington và đồng tác giả nghiên cứu trên, ông Dmitry Streletskiy nhấn mạnh tới thực trạng các công trình xây dựng trên vùng đất băng vĩnh cửu đang đối mặt với rủi ro tiềm tàng. Theo ông, không giống với động đất, quá trình ảnh hưởng sẽ diễn ra từ từ và con người vẫn có đủ thời gian để giảm thiểu các thiệt hại.
Các nhà khoa học khẳng định đây là hậu quả của tình trạng biến đổi khí hậu gia tăng. Phân tích những hình ảnh chụp từ vệ tinh, các nhà khoa học ước tính có ít nhất 120.000 tòa nhà, và khoảng 40.000 km đường sá cùng 9.500 km đường ống có nguy cơ bị hư hại, đặc biệt các đoạn đường cao tốc của Canada, Hệ thống Đường ống liên tuyến Alaska, các thành phố Vorkuta, Yakutsk và Norilsk của Nga.
Trong khi đó, các công trình xây dựng vẫn tiếp tục mọc lên tại Bắc Cực. Những hình ảnh từ vệ tinh cho thấy kể từ năm 2000 đến nay, số lượng cơ sở hạ tầng ở dọc bờ biển tại Bắc Cực đã tăng 15%, tương đương diện tích 180 km2. Khoảng 70% số công trình này có liên quan đến ngành dầu khí. Ngoài ra, nhiều tuyến đường bộ và đường sắt mới tiếp tục được xây dựng tại khu vực này.
Trên thực tế, ngay từ giai đoạn khởi công xây dựng các công trình trên vùng đất băng vĩnh cửu, các nhà thầu đã áp dụng những công nghệ có chi phí cao để bảo vệ lớp băng vĩnh cửu như đặt các đường ống tản nhiệt của các tòa nhà dọc theo tuyến đường, trong khi phần móng được thiết kế để đảm bảo sự ổn định của lớp băng vĩnh cửu.
Ước tính chi phí bảo trì, bảo dưỡng cho phần lớn hệ thống cơ sở hạ tầng này đến giữa thế kỷ có thể lên tới 15.500 tỷ USD. Tuy nhiên, điều này vẫn không thể ngăn được thiệt hại dự báo có thể lên đến 21.600 tỷ USD.
Sự tan chảy của các tầng băng vĩnh cữu dưới lòng đất là điều giới khoa học đang đặt biệt lo ngại do nơi đây lưu giữ lượng lớn khí carbon và methane. Khi các tầng băng tan chảy, lượng khí này theo đó sẽ thoát ra không khí và càng làm trầm trọng thêm tình trạng biến đổi khí hậu. Chính vì lý do này, nhiều năm qua, các nhà khoa học vẫn đang tìm hiểu, nghiên cứu các giải pháp để bảo vệ các tầng băng vĩnh cửu này./.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/co-so-ha-tang-o-bac-cuc-se-ra-sao-den-nam-2050/230745.html