Cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản nhỏ lẻ: Tự cam kết an toàn thực phẩm

Trước đây, tất cả các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản đều phải được Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Khánh Hòa thẩm định và cấp chứng nhận cơ sở đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP). Tuy nhiên, theo quy định hiện hành, các cơ sở nhỏ lẻ trong lĩnh vực này tự cam kết sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn. Trao đổi thêm về quy định này, ông Chu Đức Hùng - Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh cho biết:

Ông Chu Đức Hùng - Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh

Ông Chu Đức Hùng - Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh

Những năm qua, căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, chi cục đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai đồng bộ, sâu rộng nhiều biện pháp để tăng cường công tác quản lý nhà nước về vệ sinh ATTP nông, lâm, thủy sản. Hiện nay, có 1.242 cơ sở được cấp giấy chứng nhận (GCN) cơ sở đủ điều kiện bảo đảm ATTP, trong đó có 646 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên và 596 cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản.

Để tăng cường công tác giám sát chất lượng, ATTP nông, lâm, thủy sản, chi cục thường xuyên tổ chức các hoạt động giám sát chất lượng, vệ sinh ATTP kết hợp với các đợt kiểm tra, đánh giá giám sát định kỳ theo quy định. Đối với các cơ sở có kết quả mẫu không đảm bảo vệ sinh ATTP đều được tiến hành xử lý và nghiêm cấm đưa sản phẩm ra thị trường khi chưa có kết quả phân tích bổ sung đạt yêu cầu. Các kết quả kiểm tra, đánh giá điều kiện bảo đảm ATTP của các cơ sở đều được công khai trên trang thông tin điện tử của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) để người tiêu dùng biết và lựa chọn các sản phẩm an toàn. Nhờ đó, ý thức chấp hành các quy định của pháp luật trong sản xuất kinh doanh được nâng lên rõ rệt, số lượng cơ sở được kiểm tra, chứng nhận đủ điều kiện ATTP không ngừng tăng lên, số cơ sở không đủ điều kiện ATTP giảm.

- Được biết, quy định về đối tượng được cấp chứng nhận đủ điều kiện ATTP trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản đã thay đổi. Ông có thể cho biết thêm về quy định này?

- Trước đây, toàn bộ các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản và các tàu cá đều phải có GCN cơ sở đủ điều kiện bảo đảm ATTP. GCN này do chi cục cấp sau khi đã thẩm định đạt yêu cầu. Tuy nhiên, theo quy định hiện hành, những cơ sở nhỏ lẻ chỉ cần tự cam kết đảm bảo ATTP với chính quyền địa phương và tuân thủ theo đúng cam kết, không cần phải thực hiện thủ tục cấp GCN đủ điều kiện ATTP như trước đây.

Cán bộ chi cục thẩm định, đánh giá điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm tại một cơ sở sản xuất nước mắm ở Nha Trang.

Cán bộ chi cục thẩm định, đánh giá điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm tại một cơ sở sản xuất nước mắm ở Nha Trang.

- Vậy những cơ sở nào không thuộc diện cấp GCN cơ sở đủ điều kiện ATTP, thưa ông?

- Theo quy định, các cơ sở không thuộc diện cấp GCN cơ sở đủ điều kiện ATTP thuộc lĩnh vực NN-PTNT đó là: Sản xuất ban đầu nhỏ lẻ; sản xuất, kinh doanh thực phẩm không có địa điểm cố định; sơ chế nhỏ lẻ; kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ; kinh doanh thực phẩm bao gói sẵn; cơ sở đã được cấp một trong các GCN: Thực hành sản xuất tốt (GMP), Hệ thống phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn (HACCP), Hệ thống quản lý ATTP ISO 22000, Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (IFS), Tiêu chuẩn toàn cầu về ATTP (BRC), Chứng nhận hệ thống ATTP (FSSC 22000) hoặc tương đương còn hiệu lực.

Trong đó, cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ là cơ sở trồng trọt, chăn nuôi, thu hái, đánh bắt, khai thác các nguyên liệu thực phẩm ở quy mô hộ gia đình, hộ cá thể hoặc không có GCN đăng ký doanh nghiệp. Cơ sở sơ chế nhỏ lẻ là cơ sở sơ chế thực phẩm ở quy mô hộ gia đình, hộ cá thể có hoặc không có GCN đăng ký doanh nghiệp. Cơ sở kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ là cơ sở do cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình thực hiện đăng ký hộ kinh doanh và cơ sở không được cấp GCN đăng ký kinh doanh hoặc GCN đăng ký doanh nghiệp hoặc GCN đầu tư theo quy định.

- Vậy theo quy định hiện nay, những cơ sở này sẽ do ai quản lý, thưa ông?

- Hiện nay, theo Quyết định số 08 ngày 27-3-2020 của UBND tỉnh ban hành quy định phân công, phân cấp trách nhiệm quản lý điều kiện bảo đảm ATTP đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản không thuộc diện cấp GCN cơ sở đủ điều kiện ATTP thuộc phạm vi quản lý của ngành NN-PTNT trên địa bàn tỉnh, đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản không thuộc diện cấp GCN cơ sở đủ điều kiện bảo đảm ATTP thuộc ngành NN-PTNT, trách nhiệm quản lý ATTP được giao cho UBND xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Theo đó, UBND cấp xã chịu trách nhiệm rà soát, thống kê các cơ sở thuộc phạm vi quản lý; phổ biến, hướng dẫn về sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn và tổ chức cho các cơ sở ký cam kết sản xuất kinh doanh thực phẩm an toàn theo quy định tại Thông tư số 17/2018 của Bộ NN-PTNT. Các cơ sở này thực hiện ký cam kết sản xuất kinh doanh thực phẩm an toàn với UBND cấp xã, phường, thị trấn. Trong đó, các cơ sở cam kết thực hiện đầy đủ các yêu cầu bảo đảm ATTP theo quy định của pháp luật hiện hành, nếu có vi phạm phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật. Đồng thời, UBND cấp xã có trách nhiệm kiểm tra việc thực hiện nội dung đã cam kết của các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Tùy mức độ vi phạm, các cơ sở có thể bị nhắc nhở, công khai việc không thực hiện đúng cam kết sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm theo quy định pháp luật hiện hành.

- Xin cảm ơn ông!

HỒNG ĐĂNG (Thực hiện)

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/kinh-te/202312/co-so-san-xuat-kinh-doanh-thuc-pham-nong-lam-thuy-san-nho-letu-cam-ket-an-toan-thuc-pham-5361da4/