Cơ sở vật chất xuống cấp: Bệnh viện, bệnh nhân cùng chịu thiệt
Những năm qua, bằng nhiều nguồn lực khác nhau, các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh đã được đầu tư mới hoặc nâng cấp, sửa chữa cơ sở hạ tầng, trang thiết bị máy móc, nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân. Tuy nhiên, so với đòi hỏi thực tế thì nguồn lực này mới chỉ đáp ứng được phần nào, khiến việc chăm sóc sức khỏe người bệnh cũng như chất lượng hoạt động của nhiều cơ sở y tế bị ảnh hưởng. Ghi nhận của chúng tôi tại một số bệnh viện, trung tâm y tế của tỉnh.
![Phòng tập đa năng của Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh được tận dụng cải tạo từ nhà thể thao, thường xuyên chật kín bệnh nhân.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_09_458_51430170/440de03dda73332d6a62.jpg)
Phòng tập đa năng của Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh được tận dụng cải tạo từ nhà thể thao, thường xuyên chật kín bệnh nhân.
Khó khăn hiện hữu và những nỗ lực
Tại nhiều cuộc họp sơ, tổng kết của ngành cũng như làm việc của lãnh đạo tỉnh với ngành Y tế, một trong những vấn đề được đại diện nhiều bệnh viện/trung tâm y tế các huyện, thành phố đưa ra đó là sự bất cập về cơ sở hạ tầng.
Cụ thể: Có bệnh viện do tiếp quản cơ sở vật chất từ một đơn vị khác, lại được xây dựng từ những năm 60 của thế kỷ trước nên đến nay đã không còn phù hợp với nhu cầu sử dụng; có tòa nhà không thể đảm bảo yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy và xử lý môi trường theo quy định hiện hành; có cơ sở mặc dù thời gian đưa vào hoạt động mới hơn 10 năm nhưng một số hạng mục lại không thể sử dụng ngay từ khi nhận bàn giao và vẫn tồn tại những khó khăn đó cho đến hiện tại…
Trong số các cơ sở y tế gặp khó khăn về cơ sở vật chất, điển hình phải kể đến là Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh - một trong 5 bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh. Tại đây, chúng tôi không khó bắt gặp những hình ảnh bệnh nhân bị hạn chế vận động, nhưng vẫn phải lên, xuống cầu thang trong tình trạng khó nhọc để đi đến các phòng điều trị ở tầng 1 và 2.
![Nhiều bệnh nhân tại Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh bị hạn chế về vận động nhưng vẫn phải leo cầu thang để đến các phòng trị liệu và trở về phòng bệnh.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_09_458_51430170/9be22fd2159cfcc2a58d.jpg)
Nhiều bệnh nhân tại Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh bị hạn chế về vận động nhưng vẫn phải leo cầu thang để đến các phòng trị liệu và trở về phòng bệnh.
Có trường hợp, bệnh nhân vừa phẫu thuật tại bệnh viện tuyến Trung ương được chuyển về để phục hồi chức năng, vì chưa thể đi lại nên cần sự giúp đỡ của nhiều người mới khiêng được lên phòng bệnh ở tầng 2, do tầng 1 đã kín chỗ và bệnh viện không có đường lên tầng dành cho xe lăn hay cầu thang máy.
Cũng chính vì việc di chuyển khó khăn nên Bệnh viện phải cử kỹ thuật viên đến tận phòng bệnh để thực hiện một số kỹ thuật cho người bệnh. Những trường hợp như thế này cũng chỉ được làm một vài kỹ thuật, chứ không phải là tất cả vì nhiều loại máy móc, thiết bị không thể mang đến tận phòng bệnh. Điều này vừa gây thiệt thòi cho người bệnh, vừa khiến các y, bác sĩ Bệnh viện vất vả.
![Do người bệnh không thể di chuyển đến các phòng trị liệu nên kỹ thuật viên của Bệnh viện Phục hồi chức năng phải thực hiện một số kỹ thuật tại phòng bệnh.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_09_458_51430170/75a8b29888d6618838c7.jpg)
Do người bệnh không thể di chuyển đến các phòng trị liệu nên kỹ thuật viên của Bệnh viện Phục hồi chức năng phải thực hiện một số kỹ thuật tại phòng bệnh.
Ngoài khó khăn về việc không có cầu thang máy, các phòng bệnh tại Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh hiện cũng rất chật chội; một số nhà vệ sinh còn có bậc tam cấp, cửa nhà vệ sinh chật hẹp, xe lăn rất khó di chuyển… khiến nhiều người bệnh hạn chế vận động không thể tự sử dụng, mà phải nhờ sự trợ giúp của người khác.
Tình trạng khó khăn về cơ sở vật chất cũng đã và đang xảy ra đối với một số cơ sở y tế, như: Bệnh viện Đa khoa huyện Phú Bình, Trung tâm Y tế TP. Phổ Yên…
Bác sĩ Hoàng Hải, Phó Giám đốc Sở Y tế: So với mặt bằng chung các tỉnh trong cả nước, hệ thống y tế Thái Nguyên hiện tương đối phát triển. Các đơn vị của tỉnh đều đã và đang làm được tất cả các kỹ thuật đúng tuyến và vượt tuyến. Cơ sở vật chất, trang thiết bị ngành Y tế, đặc biệt là con người cơ bản đáp ứng được yêu cầu đặt ra…
Dù vậy, bác sĩ Hoàng Hải cũng khẳng định, vẫn còn một số cơ sở y tế gặp khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị máy móc… rất cần sự quan tâm, đầu tư của Nhà nước. Và quan điểm của Sở khi đề xuất với tỉnh trong quá trình đầu tư đó là nơi nào, cái nào cần ưu tiên hơn thì làm trước, để mang lại hiệu quả nhất và tất cả công trình, trang thiết bị được đầu tư, phải sử dụng được ngay, tránh gây lãng phí.
Nỗi lòng người bệnh
Chị Đào Thị Anh Thương, số nhà 38, phố Ngô Thì Sỹ, phường Phan Đình Phùng, (TP. Thái Nguyên), người nhà bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh, chia sẻ: Bố tôi năm nay 72 tuổi. Do bị ngã gãy cổ xương đùi, ông được mổ tại Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội). Sau đó được chuyển về tỉnh phục hồi chức năng. Phòng bệnh của ông ở tầng 2 nên việc đi lại, chăm sóc và điều trị rất bất tiện. Tôi rất mong Bệnh viện sớm được đầu tư cầu thang máy để bệnh nhân đi lại thuận tiện và an toàn hơn.
Còn theo ông Nguyễn Khắc Thu, cán bộ hưu ở tổ 1, thị trấn Chùa Hang (TP. Thái Nguyên): Đây là lần thứ 2 tôi bị tai biến nên chân phải rất yếu, không đi lại được, phải vào điều trị tại Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh. Sau mấy tuần điều trị, tôi thấy tiến triển khả quan. Tuy nhiên, tôi nhận thấy còn nhiều điều về cơ sở vật chất tại đây chưa thuận tiện cho những người bệnh. Đơn cử như đường đi giữa các phòng tập với nhau còn lên xuống và phải lên tầng, trong khi chúng tôi bị liệt, không thể đi được. Hay như đường từ khu nhà này đến khu nhà khác cũng chưa phẳng phiu.
Đặc biệt, hệ thống nhà vệ sinh rất bất tiện vì có bậc tam cấp nên những người bệnh như tôi không thể sử dụng được, buộc phải ngồi trên xe bô. Mỗi lần muốn đi vệ sinh, người nhà lại phải đưa tôi ra một khoảng đất trống để không làm ảnh hưởng đến người khác. Các phòng bệnh cũng rất chật chội. Nhiều phòng chỉ rộng khoảng 20m2 nhưng có tới 6 bệnh nhân và 6 người nhà, cộng với 3-6 xe lăn. - ông Nguyễn Khắc Thu
![Do được đầu tư đã lâu, hệ thống nhà vệ sinh tại các khoa điều trị không đáp ứng đủ nhu cầu nên Bệnh viện Đa khoa huyện Phú Bình phải xây khu nhà vệ sinh bên ngoài tòa nhà.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_09_458_51430170/c3b9128928c7c19998d6.jpg)
Do được đầu tư đã lâu, hệ thống nhà vệ sinh tại các khoa điều trị không đáp ứng đủ nhu cầu nên Bệnh viện Đa khoa huyện Phú Bình phải xây khu nhà vệ sinh bên ngoài tòa nhà.
Tại Bệnh viện Đa khoa huyện Phú Bình, chị Ngô Thị Nghĩa, xóm Mai Kha, xã Kha Sơn (Phú Bình), chia sẻ: Trong khi các bác sĩ ở đây rất nhiệt tình, chu đáo, thì cơ sở vật chất Bệnh viện có thể nói là kém, nhất là khu vực nhà vệ sinh - vừa xa phòng bệnh, vừa xuống cấp; một số phòng điều trị, tường nhà còn bị bong tróc. Chúng tôi mong muốn Nhà nước quan tâm đầu tư để Bệnh viện có được cơ sở vật chất tốt hơn.
Cũng trong tình trạng tương tự, Trung tâm Y tế TP. Phổ Yên từ nhiều năm nay gặp rất nhiều bất lợi về cơ sở vật chất, đặc biệt là hệ thống nhà vệ sinh khép kín tại phòng bệnh. Điều đáng nói là nhà vệ sinh tại hầu hết các tòa nhà đều bị tắc ngay khi công trình được bàn giao. Do đó, người bệnh và người nhà bao năm nay đều phải sử dụng nhà vệ sinh chung, rất bất tiện và ảnh hưởng ít nhiều đến việc thu hút bệnh nhân đến điều trị…
Mong mỏi từ bệnh viện
Trước những khó khăn đã và đang gặp phải, theo đại diện lãnh đạo các cơ sở y tế, điều mà các đơn vị mong mỏi là sớm được tỉnh tiếp tục quan tâm dành nguồn lực đầu tư sửa chữa hoặc xây mới các tòa nhà, để vừa đáp ứng tốt hơn nhu cầu khám, chữa bệnh cho nhân dân, vừa giúp các đơn vị thu hút được bệnh nhân, từ đó có điều kiện nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ y, bác sĩ trong đơn vị.
![Không khó để bắt gặp những hình ảnh xuống cấp về cơ sở vật chất tại Bệnh viện Đa khoa huyện Phú Bình.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_09_458_51430170/f67e1e4e2400cd5e9411.jpg)
Không khó để bắt gặp những hình ảnh xuống cấp về cơ sở vật chất tại Bệnh viện Đa khoa huyện Phú Bình.
Bác sĩ Lộc Thị Diệu Linh, Phó Giám đốc Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh, cho biết: Những năm gần đây, được sự quan tâm của tỉnh, Bệnh viện đã cải tạo một số hạng mục, giúp cơ sở vật chất trở nên khang trang hơn. Tuy nhiên, để phù hợp với mô hình bệnh tật tại Bệnh viện thì vẫn còn nhiều thiếu thốn, bất cập.
Lúc cao điểm, Bệnh viện có trên 300 bệnh nhân, thì chỉ chưa đến 100 bệnh nhân được ở tầng 1, số còn lại phải ở tầng 2 hoặc 3. Trong khi đó, bệnh viện không có cầu thang máy hay lối lên tầng dành cho xe lăn, mà tỷ lệ bệnh nhân bị hạn chế vận động luôn chiếm khoảng 50% (30% bệnh nhân bị liệt, 20% bệnh nhân có vấn đề về cơ xương khớp, tổn thương về vận động). Bệnh viện rất muốn cải tạo làm lối đi cho bệnh nhân ngồi xe lăn nhưng không được vì cầu thang các tòa nhà đều rất hẹp và dốc, không đảm bảo an toàn… - Bác sĩ Lộc Thị Diệu Linh
Sở Y tế cũng đã đưa Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh vào danh sách các đơn vị đề xuất xây dựng bằng nguồn vốn đầu tư công trung hạn, giai đoạn 2025-2030. Chúng tôi hy vọng, Bệnh viện sẽ sớm được đầu tư để việc điều trị cho bệnh nhân được thuận lợi hơn. - Phó Giám đốc Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh Lộc Thị Diệu Linh kỳ vọng.
Còn theo bác sĩ Hoàng Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Y tế TP. Phổ Yên: Ngoài khó khăn về cơ sở vật chất, nhiều trang thiết bị máy móc của Trung tâm hiện trong tình trạng cũ, thiếu, hỏng hóc, lạc hậu, ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện về kỹ thuật cận lâm sàng và cũng khiến việc thu hút nguồn nhân lực chính là bác sĩ của đơn vị gặp nhiều khó khăn…
![Nhiều nhà vệ sinh khép kín tại Trung tâm Y tế TP. Phổ Yên không sử dụng được nên phải khóa “im ỉm” nhiều năm nay.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_09_458_51430170/05bbe88bd2c53b9b62d4.jpg)
Nhiều nhà vệ sinh khép kín tại Trung tâm Y tế TP. Phổ Yên không sử dụng được nên phải khóa “im ỉm” nhiều năm nay.
Bác sĩ Đồng Văn Thành, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Phú Bình: Nhiều khối nhà của Bệnh viện được xây dựng cách đây hơn 20 năm nên hiện đã xuống cấp. Cấu trúc, kiến trúc của các tòa nhà cũng không còn phù hợp với nhu cầu của người dân hiện nay (có phòng điều trị khép kín, có không gian riêng…). Vì thế, chúng tôi mong muốn, trong thời gian tới sẽ được cấp ủy, chính quyền các cấp và ngành Y tế quan tâm đầu tư để Bệnh viện sớm được nâng cấp, mở rộng, xây mới các khối nhà đạt các tiêu chí theo quy định.
Những ý kiến trên đây cũng là mong muốn chung của nhiều cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh. Thực tế này rất cần được cấp ủy, chính quyền tỉnh, ngành Y tế và chính các cơ sở y tế tiếp tục quan tâm, dành nguồn lực đầu tư, để công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày càng tốt hơn. Qua đó cũng sẽ góp phần giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên, đảm bảo hoạt động hiệu quả của các cơ sở y tế, giúp mỗi cán bộ y, bác sĩ thêm yên tâm công tác và gắn bó lâu dài với đơn vị.
Khi các cơ sở y tế “trông” cả vào Nhà nước
Theo báo cáo của Sở Y tế, toàn tỉnh hiện có 3 bệnh viện đa khoa, 5 bệnh viện chuyên khoa, 4 trung tâm thuộc tuyến tỉnh. Đối với tuyến huyện, có 3 bệnh viện đa khoa; 9 trung tâm y tế huyện, thành phố và 172 trạm y tế xã, phường, thị trấn.
Trong đó, tuyến tỉnh có Bệnh viện A và Bệnh viện C là đơn vị hạng 1; các đơn vị còn lại là hạng 2 và hạng 3. Ở tuyến huyện, 3 bệnh viện đa khoa gồm Định Hóa, Phú Bình và Đại Từ; 9 trung tâm y tế huyện, thành phố, trong đó có 6 trung tâm có cả chức năng khám, chữa bệnh và phòng bệnh (các thành phố Thái Nguyên, Sông Công, Phổ Yên, huyện Võ Nhai, Phú Lương, Đồng Hỷ); 3 trung tâm y tế còn lại (Định Hóa, Phú Bình, Đại Từ) chủ yếu làm công tác dự phòng.
Ngoài các đơn vị trực thuộc Sở, trên địa bàn tỉnh còn có Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, Bệnh viện Quân Y 91 thuộc Quân khu 1, Bệnh viện Trường Đại học Y - Dược Thái Nguyên; các phòng y tế huyện, thành phố; 7 bệnh viện tư nhân, gần 630 cơ sở hành nghề y tư nhân; trên 1.500 cơ sở kinh doanh dược.
Trong các đơn vị trực thuộc Sở, 9 đơn vị tự chủ tài chính nhóm 2 (Bệnh viện A, C, Gang Thép, Y học cổ truyền, Phục hồi chức năng, Bệnh viện đa khoa huyện Đại Từ, Định Hóa, Phú Bình và Trung tâm Y tế TP. Thái Nguyên). Theo Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ thì các bệnh viện được chia thành 4 nhóm tự chủ, gồm: nhóm 1 tự chủ toàn diện; nhóm 2 tự chủ chi thường xuyên; nhóm 3 tự chủ một phần chi thường xuyên; nhóm 4 Nhà nước đảm bảo 100% chi thường xuyên.
Như vậy có thể thấy, tất cả các cơ sở y tế trực thuộc Sở Y tế hiện nay đều phụ thuộc vào nguồn lực của Nhà nước trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị máy móc… Các đơn vị tự chủ nhóm 2 ngoài việc tự đảm bảo đủ lương cho người lao động, cố gắng lắm cũng chỉ dành được một phần nhỏ để đầu tư sửa chữa.
Trong khi đó, Luật Khám chữa bệnh năm 2023 quy định, đối với các bệnh viện đa khoa, bệnh viện chuyên khoa phải đảm bảo diện tích sàn xây dựng ít nhất 50m2/giường bệnh đã và đang gây ra nhiều khó khăn cho hầu hết các đơn vị.
Ngoài ra, hệ thống phòng cháy, chữa cháy của nhiều bệnh viện, trung tâm y tế cũng không đồng bộ, đảm bảo khiến nhiều đơn vị đã buộc phải tạm dừng hoạt động của một hoặc nhiều tầng, gây lãng phí. Hệ thống xử lý nước thải ở một số đơn vị cũng trong tình trạng xuống cấp, không đồng bộ…