Có sức người sỏi đá cũng thành cơm

Ở tuổi 'thất thập cổ lai hy', dù đã có của ăn, của để, nhưng vợ chồng ông Nguyễn Thảo, bà Trần Thị Thương (xã Sơn Thủy, huyện A Lưới) vẫn ngày ngày hăng say lao động. Họ nuôi bò, nuôi heo, nuôi gà, đào ao thả cá, trồng cây ăn quả…

Ông Thảo bên những trụ thanh long vươn lên xanh tốt

Ông Thảo bên những trụ thanh long vươn lên xanh tốt

Chúng tôi biết đến hộ gia đình ông Thảo - bà Thương từ lời trầm trồ của người dân địa phương dành tặng đôi vợ chồng già. Hàng chục năm nay, ngày ngày họ vẫn bền bỉ đổ mồ hôi để phủ xanh sức sống trên đất đai khi xưa vốn hoang vu, cằn cỗi. Bao nhiêu năm qua, ông bà luôn là tấm gương điển hình trong lao động, sản xuất ở địa phương.

Ngày trước, nơi đây là vùng kinh tế mới heo hút, hoang sơ. Dù đất đai bạt ngàn nhưng cuộc sống khó khăn, ngước mắt lên chỉ thấy núi, thấy rừng, chẳng có mấy nóc nhà. Mỗi ngày hai ông bà chăm chỉ vỡ đất khai hoang. Mấy mươi năm trôi qua, giờ màu xanh cây trái đã phủ kín trên 2,5ha đất; rộn rã tiếng gia súc, gia cầm, tiếng cá quẫy nước trong ao hồ rộng mênh mông bên hông nhà.

Đôi vợ chồng già suốt ngày túc tắc ngoài vườn, chăm đàn bò có lúc lên đến 20 con, vài trăm con gà, hơn hai chục con heo, cùng hai ao cá, thêm khu vườn đầy cây trái, rau quả. Với vòng tuần hoàn khép kín, phân heo, phân bò dùng để bón cây. Cỏ rau trong vườn làm thức ăn cho gia súc gia cầm; thức ăn cho cá. Nước trong ao cá (từ mạch nước ngầm) được hút lên tưới tắm cho cây trồng. Các sản vật thu hái trong vườn nhà đều đảm bảo độ tươi ngọt, sạch sẽ.

“Mình còn sức là còn bám vườn, còn lao động, cho đến lúc tay không còn cầm được cây cuốc, cây rựa thì thôi” - đó là lời bộc bạch của ông Thảo khi dẫn khách dừng bước bên những trụ thanh long vừa bén rễ tại vườn. Mưa nắng đã khắc ghi lên người đàn ông sự rắn rỏi, quắc thước. 70 tuổi nhưng bước chân ông vẫn nhanh nhẹn khi băng qua khu vườn ra ao cá. Ông Thảo cho biết, vừa thuê xe về múc đất trong vườn để nhập ba ao cá làm một. Trong ao, cá mè, cá trắm cỏ liên tục quẫy nước, đớp thức ăn. Sau cơn mưa giông buổi chiều, đất đai xộc lên mùi ẩm mục, cây lá trong vườn xanh mát đầy sinh khí.

Một ngày của vợ chồng ông Thảo bắt đầu từ ba giờ sáng. Sau khi cùng nhau đưa rau trái thu hoạch được trong vườn ra chợ bán, vợ chồng ông Thảo trở về nhà khi mặt trời đã lên cao, tiếp tục tất bật không lúc nào ngơi tay với gà vịt, chăm sóc cây trái trong vườn cho đến khi mặt trời lặn hẳn về phía tây mới kết thúc một ngày bận rộn.

Khoe những luống dưa leo lúc lỉu quả, bà Thương nói rằng, khí hậu vùng cao A Lưới mát dịu, phù hợp để trồng dưa leo, dưa gang. Cứ gieo hết lứa này lại đến lứa khác, nên dưa leo thu hoạch quanh năm. Sẵn phân chuồng, nước tưới, nên dưa leo phát triển nhanh, quả mau to. Bà Thương cho biết, mỗi lần gia đình bà hái cả tạ dưa, nhiều khi hái không kịp để đưa ra chợ bán. Mỗi lứa dưa bà bán cả chục triệu đồng. Riêng dưa leo, dưa gang trong vườn, mỗi năm vợ chồng bà thu được cả trăm triệu đồng.

Trong khu vườn vợ chồng ông Thảo, rau trái không thiếu thứ gì, từ bầu, bí, mướp, cà, dưa, đậu cô ve, rau dền, mồng tơi… cứ mùa nào thức nấy, túc tắc thu hoạch quanh năm. Nhờ đôi bàn tay chăm chỉ, nên thu nhập của gia đình luôn được đảm bảo, mức sống cũng ngày càng cao. “Ngày trước nuôi, trâu bò, heo, gà nhiều lắm, rau củ trong vườn cũng bạt ngàn. Bây giờ nhiều tuổi, chúng tôi dần chuyển đổi sang trồng nhiều cây ăn quả; giảm bớt số lượng rau củ” - ông Thảo nở nụ cười chân chất. Cam, bưởi, thanh long, chuối là những giống cây trồng ông Thảo lựa chọn vì phù hợp với thổ nhưỡng địa phương.

Thu nhập từ chăn nuôi, trồng trọt của gia đình ông Thảo mỗi năm lên đến vài trăm triệu đồng, cuộc sống sung túc, ấm no, là minh chứng của sự nỗ lực, chăm chỉ lao động – “Có sức người sỏi đá cũng thành cơm”. Theo bà Phạm Thị Thanh Tâm, Chủ tịch Hội Nông dân huyện A Lưới: Ông Thảo là hội viên tiêu biểu, tấm gương nông dân sản xuất giỏi để người dân trên địa bàn noi theo.

Bài, ảnh: Hà Lê – Quỳnh Anh

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/doi-song/co-suc-nguoi-soi-da-cung-thanh-com-146557.html